.

Khóm Tân Phước - Vị ngọt của đất phèn

Cập nhật: 08:55, 25/11/2024 (GMT+7)

Trong 30 năm hình thành và phát triển, cây khóm đã dần trở thành loại cây đặc trưng gắn liền với hành trình đánh thức “con hổ ngủ”. Cây khóm đã mang đến vị ngọt đặc sản của vùng đất nhiễm phèn Tân Phước, tỉnh Tiền Giang.

Cây khóm giúp cho người dân Tân Phước thoát khó giảm nghèo.                                                         Ảnh: T.V
Cây khóm giúp cho người dân Tân Phước thoát khó, giảm nghèo. Ảnh: T.V

Cây khóm “bén duyên” với vùng đất Tân Phước từ những ngày đầu thành lập huyện. Nhưng lúc ấy, khóm chỉ được trồng rải rác ở các xã Hưng Thạnh, Thạnh Mỹ, Mỹ Phước (nay là thị trấn Mỹ Phước)… Đến nay, dù trải qua không ít thăng trầm, nhưng cây khóm vẫn phát huy được thế mạnh, trở thành loại cây trồng chủ lực của huyện và được trồng ở hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Huyện Tân Phước hiện có hơn 16.000 ha đất trồng khóm với sản lượng trên 260.000 tấn/năm, là địa phương duy nhất của tỉnh Tiên Giang có diện tích lớn chuyên canh cây khóm. Những năm gần đây, nhờ sự cần cù, sáng tạo trong lao động và áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nhiều nông dân huyện Tân Phước đã trồng và xử lý khóm theo tiêu chuẩn VietGAP đạt năng suất, chất lượng cao, giúp cho thu nhập của người dân ngày càng ổn định.

Khóm được trồng trên vùng đất Tân Phước có vị ngọt thanh, thơm đậm đà. Người ta cũng đã thử lấy giống khóm Tân Phước mang đi trồng ở các vùng lân cận của tỉnh nhưng trái khóm ăn không ngọt đậm như trồng ở huyện Tân Phước và từ đó người ta lại truyền tai nhau rằng: Duy chỉ có khóm được trồng ở vùng đất nhiễm phèn Tân Phước mới có vị ngọt thanh, thơm ngon tự nhiên nhất.

Không những trồng đơn thuần loại khóm chuyên ăn trái ngọt thanh, người dân Tân Phước còn trồng những giống khóm mới, lạ dùng để chưng cúng vào các dịp lễ, tết, đám tiệc…, đó là các giống khóm son, khóm phụng được trồng chủ yếu ở các xã Thạnh Mỹ, Thạnh Tân, Tân Hòa Đông mang lại màu sắc tươi mới cho mâm trái cây ngày lễ, tết.

Ngoài trái khóm tươi được vận chuyển buôn bán khắp nơi, người dân huyện Tân Phước còn sáng tạo nên những sản phẩm từ khóm như kẹo khóm, khóm sấy dẻo, nước màu khóm, bánh khóm chiên giòn, nước ép khóm… để đãi thực khách và làm quà tặng mang nét đặc trưng của vùng đất Tân Phước.

Tân Phước ngày nay không còn hiện hữu nhiều loại cây hoang dã đặc trưng của vùng đất phèn như tràm, mua, bàng, năn, lác…, mà thay vào đó là những vuông khóm xanh dài tít tắp với không gian tĩnh lặng mênh mông, có chút gì đó thơ mộng của một vùng quê yên bình.

Những ai có dịp đến thăm Tân Phước, đừng nên bỏ lỡ cơ hội được thưởng thức hương vị ngọt thanh của những trái khóm vàng ươm ngay trên những vuông khóm trải dài, được hòa mình với thiên nhiên hoang sơ hữu tình, được trải nghiệm bơi xuồng trên những con mương khóm dài hàng cây số…; cũng đừng quên ghé qua những cơ sở sản xuất kẹo khóm chọn mua và mang về những hộp kẹo khóm, chai nước màu khóm, nước ép khóm làm quà tặng cho bạn bè, người thân…

Thế mới cảm nhận hết nét chân phương, mộc mạc, lòng mến khách của những người nông dân trên vùng đất khó này.

NHUNG NGUYỄN - C.T

.
.
.