'Nên miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho báo chí'
Các đại biểu Quốc hội cho rằng, báo in, báo điện tử phải chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp 10-15% là quá cao, cần giảm một nửa thuế suất hoặc đưa về 0% trong 5 năm.
Hiện thuế suất thu nhập doanh nghiệp là 20%, trừ trường hợp được hưởng ưu đãi hoặc chịu thuế cao theo quy định. Theo tờ trình, Chính phủ đề xuất ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho báo điện tử, truyền hình, phát thanh giảm 5% so với hiện nay, về mức 15%. Riêng báo in vẫn áp dụng mức ưu đãi 10% như quy định hiện hành.
Góp ý tại tổ, ông Trần Hoàng Ngân, đại biểu TP HCM cho rằng mức thuế áp với các lĩnh vực truyền thông báo chí, văn hóa hiện quá cao. Theo ông, đây là các lĩnh vực quan trọng, cần được ưu đãi thuế nhiều hơn.
Ông phân tích báo chí đóng góp lớn trong xây dựng, phát triển kinh tế xã hội, đấu tranh chống lại thông tin xấu độc, phòng, chống tham nhũng, lãng phí... Tuy nhiên, nguồn thu của các cơ quan báo chí sụt giảm thời gian qua do hạ nguồn thu từ quảng cáo, chịu sức ép cạnh tranh từ mạng xã hội. Trong khi đó, họ phải tăng đầu tư cho cơ sở vật chất, kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu phát triển, chuyển đổi số.
"Báo chí vừa bị giảm thu quảng cáo, vừa phải tăng chi đầu tư nên gặp khó khăn. Cần áp mức thuế chung cho báo in, báo điện tử là 10%, thậm chí nên miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho báo chí trong 5 năm, hoặc áp thuế ở mức tối thiểu để ngành này vượt qua khó khăn", ông nói.
Cùng quan điểm ông Trần Anh Tuấn, Trưởng ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp TP HCM cũng cho rằng "cần giảm thuế sâu hơn, về mức 0% hoặc 5% với lĩnh vực báo chí".
Đại biểu Trần Hoàng Ngân phát biểu tại phiên thảo luận tổ, tháng 11-2024. Ảnh: Media Quốc hội |
Các đại biểu đều cho rằng báo chí không phải lĩnh vực kinh doanh, họ làm nhiệm vụ chính trị, truyền thông nên cần sự hỗ trợ, ưu đãi phù hợp.
"Vai trò của báo chí với xã hội rất lớn, nhất là trong lịch sử phát triển, truyền thông chính sách hiện nay", ông Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội nói, đề nghị đưa thuế với báo chí về mức chung 10%.
Theo ông, báo in chịu thuế 10%, còn các loại hình báo chí khác áp 15% là bất hợp lý. Hiện hầu như không còn sạp báo tại Hà Nội, TP HCM, trong khi trước đây rất nhiều. Tất cả chuyển sang các nền tảng khác, như báo điện tử, kể cả truyền hình cũng chuyển sang nền tảng số như xem trên youtube...
Chưa kể, hiện báo chí phát triển đa nền tảng, đa phương tiện, tức là báo in có trang điện tử, hay truyền hình phát triển nhiều nền tảng số... "Việc bóc tách ra chỗ 10%, chỗ 15% thì chưa hợp lý. Chúng ta ưu đãi thì nên ưu đãi xứng tầm, thể hiện rõ chính sách quan tâm tới báo chí", ông nói thêm.
Bên cạnh đó, chuyển đổi số của cơ quan báo đang diễn ra quyết liệt, họ cần nguồn lực đầu tư nguồn lực, con người, công nghệ lớn, cũng như cách thức chuyển đổi làm báo. "Hỗ trợ về thuế sẽ giúp báo chí thêm nguồn lực, bạn đọc, cạnh tranh và làm tốt nhiệm vụ chính trị, như vậy cả xã hội được hưởng lợi", ông chốt lại.
Tại nhiều đơn vị báo chí, doanh thu từ quảng cáo sụt giảm khiến họ phải "xoay" qua cách cho thuê một phần tòa nhà để lấy nguồn hoạt động, vận hành tòa soạn.
Bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó chủ tịch TP HCM, đồng ý giảm, ưu đãi thuế nhiều hơn cho các cơ quan báo chí. Ngoài ra, bà Thúy cho rằng cách tính thuế với báo chí hiện nay chưa thể hiện sự hỗ trợ, khi phần thu từ quảng cáo báo chí thì được hưởng ưu đãi thuế, còn thu từ cho thuê tòa nhà để vận hành hoạt động lại chịu thuế suất như bình thường.
"Chưa hợp lý khi cơ quan thuế bóc tách và áp cách tính thuế như vậy với báo chí. Tôi đề xuất các hoạt động kinh doanh phục vụ cho hoạt động, vận hành của tờ báo đều được hưởng ưu đãi thuế", bà nêu.
Theo chương trình, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) vào ngày 28-11.
Theo vnexpress.net