Niềm vui trên các xã nông thôn mới nâng cao
Cập nhật: 11:28, 30/11/2024 (GMT+7)
(ABO) Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận cao của người dân, xã Long Bình Điền và Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đã "về đích" nông thôn mới (NTM) nâng cao.
Diện mạo 2 xã NTM nâng cao Long Bình Điền và Bình Phục Nhứt có những chuyển biến rõ rệt với hệ thống hạ tầng cơ sở ngày càng khang trang, đời sống người dân từng bước được cải thiện, nâng cao. Đây là những kết quả của sự nỗ lực, quyết tâm phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân 2 xã khi khơi dậy tinh thần đoàn kết trong xây dựng NTM.
Về đích NTM nâng cao vào những ngày cuối năm, chúng tôi cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt trong diện mạo của 2 xã đang khoác lên mình bộ áo mới. Dễ nhận thấy nhất là những con đường bê tông hóa phẳng lỳ, những ngôi nhà kiên cố mọc lên ngày càng nhiều, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa cộng đồng... khang trang, sạch đẹp.
* LONG BÌNH ĐIỀN: Sức dân trong xây dựng xã NTM nâng cao
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh trao Bằng công nhận xã NTM nâng cao và đồng chí Nguyễn Ngọc Trầm, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy trao tặng công trình phúc lợi trị giá 500 triệu đồng của UBND tỉnh cho xã Long Bình Điền. |
Năm 2019, xã Long Bình Điền về đích NTM, từ đó đến nay, bên cạnh giữ vững các tiêu chí đã đạt, cán bộ và nhân dân xã đã chung sức, đồng lòng tập trung mọi nguồn lực nâng cấp cơ sở hạ tầng, tạo thêm thu nhập cho nhân dân, với quyết tâm nâng cao các tiêu chí NTM và đến nay xã đã đạt 19/19 tiêu chí NTM nâng cao. Để đạt được mục tiêu đề ra, xã cố gắng duy trì các tiêu chí NTM, rà soát thực hiện từng tiêu chí với phương châm “khó ở đâu, gỡ ở đó”.
Đồng chí Lê Thanh Vũ, Chủ tịch UBND xã Long Bình Điền cho biết: Khi được tỉnh, huyện chọn xây dựng xã NTM nâng cao, Đảng bộ, chính quyền xã Long Bình Điền đã ban hành các nghị quyết, đề ra kế hoạch lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nâng chất các tiêu chí NTM cho cả hệ thống chính trị và tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Từ đó, phát huy vai trò chủ thể của người dân để xây dựng, kiến thiết nông thôn”.
Ngoài nguồn vốn từ ngân sách các cấp, xã Long Bình Điền tiếp tục khuyến khích các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; vận động nhân dân tự nguyện tham gia góp tiền, ngày công lao động, hiến đất… Tổng kinh phí xây dựng NTM nâng cao của xã gần 63 tỷ đồng, trong đó vốn nhân dân đóng góp trên 54 tỷ đồng (chiếm 85,7%).
Thực hiện chủ trương chung, với sự đồng lòng, chung sức, từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước kết hợp sức dân, xã Long Bình Điền có 14 tuyến đường xã, ấp, liên ấp với tổng chiều dài trên 21 km được đầu tư nhựa hóa, bê tông hóa. Các tuyến đường đều được đầu tư các hạng mục cần thiết như: Biển báo, biển chỉ dẫn; hệ thống đèn chiếu sáng; gờ giảm tốc; trồng cây xanh, đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp. 100% tuyến đường ngõ xóm được cứng hóa, đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp
Đặc biệt, xã Long Bình Điền quan tâm xây dựng hệ thống cầu giao thông nông thôn đồng bộ với cấp đường tạo kết nối cao giữa tuyến Quốc lộ 50 và các tuyến đường tỉnh, huyện, xã, ấp, liên ấp, rút ngắn khoảng cách, phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất, hoạt động vận tải của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bên cạnh đó, người dân còn chủ động, cần cù lao động phát triển kinh tế gia đình. Toàn xã có 1.007 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp, trong đó diện tích dừa 490 ha, 190 ha bưởi. Xã đã quan tâm đến công tác tổ chức liên kết sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ, xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm trái bưởi, trái dừa ổn định đầu ra cho các nông hộ.
Nhiều mô hình cho kinh tế cao như: “Ứng dụng công nghệ sản xuất dưa lưới thủy canh trong nhà màng” với quy mô 2.000 m2 tại ấp Tân Bình; “Chăn nuôi bò tận dụng phân bò ủ phân hữu cơ” của 5 hộ dân tại các ấp Bình Hòa, Tân Bình, Điền Mỹ; mô hình nuôi heo, bò thịt, gà, dê... góp phần tận dụng đất sản xuất, nâng cao thu nhập. Thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2024 đạt 73,39 triệu đồng/người/năm, tăng 25,45 triệu đồng/người/năm so với năm 2019.
Hằng năm, MTTQ xã Long Bình Điền cùng các ban, ngành, đoàn thể xã đẩy mạnh công tác an sinh xã hội, vận động các tổ chức, đơn vị, nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết, nhà tình thương cho những hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, lồng ghép hỗ trợ vốn sản xuất chăn nuôi, trồng trọt. Mặt khác, hộ nghèo nỗ lực vươn lên, không trồng chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước. Với nhiều giải pháp đồng bộ, đến nay hộ nghèo của xã giảm từ dưới 4% năm 2019, còn 1,16% năm 2024. Xã có 100% hộ có điện sử dụng, 100% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh.
Mô hình phát triển kinh tế của xã NTM nâng cao Long Bình Điền. |
Cùng với đó, người dân tập trung chỉnh trang xây dựng nhà ở khang trang, tạo diện mạo vùng quê nông thôn mới khởi sắc. Hiện Long Bình Điền có tỷ lệ nhà ở đạt chuẩn của Bộ Xây dựng đạt 99,6%, tăng gần 6% so với năm 2019.
Các tuyến đường hoa, cây xanh và đèn đường đã được xây dựng từ sự chung sức đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Long Bình Điền, tạo nên không gian sống xanh - sạch - đẹp cho cộng đồng. Những mô hình của các hội - đoàn thể xã mang lại hiểu quả thiết thực như: “Thùng rác xanh tiết kiệm - bảo vệ môi trường”, “Nông dân tự quản” sáng - xanh - sạch - đẹp; Câu lạc bộ bảo vệ môi trường trong Hội Cựu chiến binh; “Chi hội Phụ nữ 5 không 3 sạch”; “Ngôi nhà xanh tiết kiệm” thu gom rác thải nhựa đổi lấy quà tặng... Tổng kinh phí thực hiện các mô hình 800 triệu đồng, trong đó nhân dân tự nguyện đóng góp trên 300 triệu đồng.
Sự thay đổi trong hành động của từng hộ gia đình, cá nhân đã góp phần bảo vệ môi trường sống. Hiện xã Long Bình Điền có 100% hộ đăng ký thu gom rác thải sinh hoạt; 51% hộ thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn. 100% vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn xã được thu gom và xử lý...
* BÌNH PHỤC NHỨT: Phát huy thế mạnh nông nghiệp
Đến Bình Phục Nhứt ngay ngày xã nhận Quyết định công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, chúng tôi cảm nhận rất rõ niềm vui mừng, phấn khởi của người dân địa phương sau bao năm cố gắng xây dựng NTM. Những thay đổi rõ nét nhất mà ai cũng có thể nhận thấy đó là các tuyến đường dẫn vào trung tâm xã đều đã mở rộng, bê tông hóa sạch, đẹp và lắp điện chiếu sáng; trụ sở các nhà văn hóa, trường học, trạm y tế... được đầu tư khang trang, hiện đại, đúng với các tiêu chí đề ra. Đời sống, văn hóa, giáo dục của xã có sự chuyển biến tích cực.
Nhận thấy sự thay đổi của quê hương trong xây dựng xã NTM nâng cao, ông Nguyễn Văn Trỉ, người dân ấp Bình Thọ I, xã Bình Phục Nhứt cho biết: "Tôi rất vui, phấn khởi với sự thay đổi vượt bậc của xã, nhất là hệ thống giao thông dần hoàn thiện, thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa nông sản. Đặc biệt, tôi rất tâm tắc với cảnh quan môi trường ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp, rác thải được thu gom không còn tình trạng vứt rác bừa bãi như trước đây. Xây dựng và "về đích" xã NTM nâng cao đã mang lại cho Bình Phục Nhứt rất nhiều thuận lợi trong phát triển kinh tế, tạo động lực giúp cho người dân yên tâm chăm lo sản xuất, từng bước cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống".
Khi bắt đầu thực hiện xây dựng NTM, Bình Phục Nhứt có xuất phát điểm thấp, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao; nguồn thu nhập chính của người dân chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi. Nhằm khắc phục những khó khăn, giúp người dân nhanh chóng thoát nghèo, xã đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Nhờ vậy, xã đã có nhiều điểm sáng trong tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn. Là xã nông nghiệp, kinh tế chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi, nên Bình Phục Nhứt đã tập trung tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trọng tâm là vận động nhân dân mạnh dạn đầu tư phát triển các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực có giá trị kinh tế cao như trồng lúa chất lượng cao, cây màu dưới chân ruộng, chăn nuôi gà, bò thịt…
Xã Bình Phục Nhứt duy trì diện tích lúa trên 80 ha, nông dân áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm", mô hình trồng lúa VietGAP. Hiện nay, sản phẩm gạo Nàng Hoa 9 sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap được Hợp tác xã Bình Phục Nhứt bao tiêu sản phẩm.
Hiện 100% tuyến đường trên địa bàn xã Bình Phục Nhứt được đầu tư láng nhựa khang trang. |
Là vùng chuyên canh cây màu lớn nhất của huyện Chợ Gạo, xã Bình Phục Nhứt tiếp tục duy trì và phát triển diện tích cây màu dưới chân ruộng, với tổng diện tích khoảng 250 ha. Nông dân chú trọng sử dụng các giống F1 để tăng năng suất và chất lượng, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất rau màu như ứng dụng màng phủ, nhà lưới, tưới nước tự động kết hợp bón phân cân đố; duy trì mở rộng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, VietGap, trồng rau dưới chân ruộng tưới bằng điều khiển tự động từ xa, tiết kiệm nước đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, xã phát triển cây thanh long diện tích 360 ha, cây dừa 220 ha, bưởi 36 ha.
Bình Phục Nhứt có thế mạnh về chăn nuôi gia cầm, đàn gia cầm của xã duy trì từ 1 triệu đến 1,2 triệu con/năm. Đàn bò cũng được nhân dân phát triển và duy trì ở mức từ 4.500 con đến 5.000 con/năm. Đây cũng là điều kiện cho nhân dân phát triển kinh tế gia đình. Đặc biệt, nông dân thực hiện mô hình "Tích hợp đa giá trị nuôi bò kết hợp nuôi trùng quế" ở ấp Bình Phú, tạo giá trị gia tăng sản phẩm, không gây ô nhiễm môi trường.
Xã tranh thủ nguồn lực từ cấp trên hỗ trợ cũng như nguồn lực tại địa phương đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng đồng bộ. Hệ thống điện, đường, trường, trạm từng bước hoàn thiện. Hiện 100% tuyến đường xã được đầu tư xây dựng mặt đường láng nhựa, bố trí biển báo, biển chỉ dẫn, gờ giảm tốc, chiếu sáng đầy đủ. Đặc biệt trên địa bàn xã có tuyến đường tỉnh 877 đi qua, đường Đông Nam kinh Chợ Gạo đã hoàn thành đưa vào sử dụng và 2 tuyến đường huyện 21, 22 đi qua địa bàn xã, mở ra hướng phát triển mới, kết nối giao thông và thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Chủ tịch UBND xã Bình Phục Nhứt Võ Thành Hiệp cho biết: Bên cạnh hệ thống cơ cấu hạ tầng được xây dựng đồng bộ, đời sống kinh tế của người dân được nâng lên. Hộ nghèo nỗ lực vươn lên, không trồng chờ vào nhà nước, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 2,31% năm 2019, còn 1,32% năm 2024. Cảnh quan môi trường nông thôn khang trang, sáng - xanh - sạch - đẹp. Các hoạt động ra quân tổng vệ sinh môi trường, chặt mé cây xanh che khuất tầm nhìn, thu gom rác thải được thực hiện thường xuyên tạo không gian sống trong lành.
P.MAI - N.XUYÊN