Thứ Tư, 20/11/2024, 13:10 (GMT+7)
.

Tiềm năng từ mô hình xử lý phân gia cầm bằng trứng ruồi lính đen

(ABO) Sáng 20-11, tại huyện Chợ Gạo, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) tỉnh Tiền Giang (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức hội thảo tập huấn, tuyên truyền và tham quan mô hình “Xử lý phân gia cầm bằng trứng ruồi lính đen”.

Các đại biểu tham quan mô hình “Xử lý phân gia cầm bằng trứng ruồi lính đen”.
Các đại biểu tham quan mô hình “Xử lý phân gia cầm bằng trứng ruồi lính đen”.

Theo Chi cục CN&TY, Tiền Giang là tỉnh chăn nuôi lớn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, chăn nuôi gia cầm với hơn 16,6 triệu con, với đàn gà chiếm khoảng 80%. Ngành Chăn nuôi Tiền Giang có tiềm năng lớn và đã có những bước tiến dài.

Nhiều tiến bộ kỹ thuật được áp dụng trong sản xuất, nhất là chăn nuôi trên đàn gia cầm. Một số cơ sở đã đầu tư áp dụng công nghệ cao vào chăn nuôi (hệ thống chuồng kín, cung cấp thức ăn nước uống tự động, tự động hóa thông qua phần mềm vi tính điều khiển hệ thống cho ăn, cho uống tự động, gom trứng, gom phân tự động...).

Tuy nhiên, việc chăn nuôi gia cầm ở tỉnh cũng đứng trước nhiều khó khăn như quy mô nhỏ lẻ, vấn đề bảo vệ môi trường. Do đó, chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn là một trong giải pháp được ngành quan tâm trong tình hình hiện nay.

Ruồi lính đen (BSF-Black Soldier Fly) và ấu trùng ruồi lính đen (BSFL-Black Soldier Fly Larvae) được phép chăn nuôi ở Việt Nam từ ngày 13-7-2022. BSFL chuyển đổi chất nền thành khối lượng cơ thể một cách hiệu quả để làm thức ăn chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

Giới thiệu mô hình “Xử lý phân gia cầm bằng trứng ruồi lính đen”.
Giới thiệu mô hình “Xử lý phân gia cầm bằng trứng ruồi lính đen”.

Ấu trùng ruồi lính đen giúp giải quyết mùi hôi từ phân gia cầm, làm thức ăn chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, phân hữu cơ cho cây trồng.

Thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi thú y năm 2024, từ tháng 8-2024 đến nay, Chi cục CN&TY đã triển khai mô hình “Xử lý phân gia cầm bằng trứng ruồi lính đen” tại 7 hộ trên địa bàn huyện Chợ Gạo và Gò Công Tây.

Tiến sĩ Thái Quốc Hiếu phát biểu tại buổi tập huấn.
Tiến sĩ Thái Quốc Hiếu phát biểu tại buổi tập huấn.

Kết quả mô hình rất khả quan, mang lại hiệu quả kinh tế và hiệu quả về môi trường. Để nâng cao kiến thức khoa học, cập nhật thông tin, chia sẻ kinh nghiệm thực tế về mô hình, Chi cục CN&TY tổ chức tập huấn và tham quan mô hình nhằm gới thiệu kết quả; đồng thời, định hướng nhân rộng mô hình trong thời gian tới.

Tại buổi tập huấn, Tiến sĩ Thái Quốc Hiếu, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục CN&TY tỉnh Tiền Giang đã giới thiệu tiềm năng về mô hình ruồi lính đen.

Theo Tiến sĩ Thái Quốc Hiếu, BSFL đã thu hút sự quan tâm bởi tiềm năng về quản lý chất thải bền vững, sản xuất thức ăn chăn nuôi ổn định và chất lượng cao; triển vọng là dinh dưỡng cho con người và phân hữu cơ cho cây trồng.

Ngoài hiệu quả kinh tế mang lại, mô hình còn mang lại hiệu quả xã hội. Theo đó, mô hình ruồi lính đen có tiềm năng về quản lý chất thải bền vững, sản xuất thức ăn chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản ổn định và chất lượng cao.

Về môi trường, trung bình cứ mỗi 40 gram trứng BSF/200 kg phân gia cầm, tạo ra trên 80 kg BSFL và trên 35 kg phân hữu cơ, góp phần chăn nuôi tuần hoàn, giảm khí phát thải khí nhà kính…

T. ĐẠT

.
.
.