Tiền Giang: Chủ động nguồn hàng phục vụ tết
Để chủ động phục vụ Tết Nguyên đán 2025, các đơn vị kinh doanh, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu đã và đang bắt đầu tập trung các nguồn lực để dự trữ, cung ứng hàng hóa phục vụ tết. Để chủ động nguồn hàng, UBND tỉnh Tiền Giang cũng đã ban hành Kế hoạch về dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
HTX Thương mại - Dịch vụ Phường 1 - TP. Mỹ Tho tiếp tục tham gia dự trữ, cung ứng hàng hóa Tết Nguyên đán 2025. |
Như thông lệ hằng năm, Tết Nguyên đán là cao điểm của nhu cầu mua sắm trong năm. Do vậy, không chỉ các đơn vị sản xuất, kinh doanh, mà cơ quan quản lý nhà nước cũng phải tính toán để đảm bảo nguồn hàng cung ứng phục vụ đủ nhu cầu của thị trường, giảm bớt tình trạng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.
Kế hoạch về dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ tết của tỉnh trong những năm qua đã phát huy hiệu quả, góp phần bình ổn giá thị trường.
Và để chủ động hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2025, Tiền Giang cũng lên “kịch bản” cho dự trữ, cung ứng hàng hóa nhằm đảm bảo không thiếu hụt nguồn hàng và tránh đầu cơ, găm hàng tăng giá. Theo kế hoạch của UBND tỉnh, năm nay có 9 doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) tham gia kế hoạch dự trữ, cung ứng hàng hóa Tết Nguyên đán 2025.
Các doanh nghiệp thực hiện việc dự trữ, cung ứng hàng hóa với tổng trị giá vốn hơn 504 tỷ đồng, trong đó hàng hóa thiết yếu hơn 151 tỷ đồng, bao gồm: HTX Thương mại - Dịch vụ Phường 1 - TP. Mỹ Tho, Công ty TNHH Tiền Giang - Sài Gòn (Co.opmart Mỹ Tho), Chi nhánh Liên hiệp HTX Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Co.opmart Cai Lậy), Chi nhánh Liên hiệp HTX Thương mại TP. Hồ Chí Minh
(Co.opmart Gò Công), Chi nhánh Liên hiệp HTX Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Co.opmart Cái Bè), Chi nhánh Công ty TNHH EB Tân Phú tại Mỹ Tho (Go! Mỹ Tho), Công ty TNHH TM XNK Hữu Thành Phát, Công ty Lương thực Tiền Giang và HTX Vĩnh Kim.
Lượng hàng hóa thiết yếu dự trữ phục vụ Tết Nguyên đán 2025 của các doanh nghiệp, HTX thực hiện theo kế hoạch, bao gồm: 841 tấn gạo các loại; 757,5 tấn đường cát các loại; hơn 1,4 triệu lít dầu ăn các loại; hơn 1.100 tấn bột ngọt, hạt nêm các loại; hơn 48 tấn thịt gia súc và hơn 51 tấn thịt gia cầm. Ngoài ra, trong kế hoạch dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu tết còn có các mặt hàng tiêu dùng khác như: Bánh mứt, lạp xưởng, nước giải khát, bột giặt…
Theo kế hoạch, giá trị hàng hóa dự trữ phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 có tăng hơn so với các năm trước, cụ thể tăng 8,75% so với năm 2024 và tăng 23,5% so với năm 2023. Số lượng hàng hóa dự trữ cũng tăng hơn so với năm 2024 từ 5,03% - 15,69% (tùy mặt hàng) và so với năm 2023 tăng từ 5,9% - 26,4%, riêng thịt gia súc giảm 12,5%.
Ngoài các doanh nghiệp, HTX tham gia dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu tết, trên địa bàn tỉnh hiện có 180 chợ, 6 siêu thị tổng hợp, 94 cửa hàng tiện ích và các cửa hàng bách hóa phủ khắp địa bàn thành thị và nông thôn. Do đó, việc cung ứng hàng hóa thiết yếu sẽ được đảm bảo trên mọi kênh phân phối, bán lẻ trên địa bàn tỉnh.
Cũng như thông lệ hằng năm, thời gian thực hiện bán hàng theo kế hoạch dự trữ, cung ứng hàng hóa tết là 2 tháng, kể từ ngày 31-12-2024 đến hết ngày 27-2-2025. Các doanh nghiệp tham gia dự trữ được xem xét vay vốn từ các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có xem xét ưu đãi về lãi suất (giảm từ 1,5% đến 2,5%/năm so với lãi suất thông thường); hỗ trợ cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất ưu đãi trong thời gian 4 tháng, tổng số tiền vay dự kiến hơn 39 tỷ đồng, thời gian ưu đãi kể từ ngày bắt đầu giải ngân; nguồn vốn cho vay từ các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
T.A - T.T