.

Tiền Giang: Đề xuất xây dựng 3 hồ trữ nước ngọt tại khu vực phía Đông

Cập nhật: 14:02, 12/11/2024 (GMT+7)

(ABO) Ngày 12-11, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện tỉnh đang xây dựng báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư thực hiện Dự án Xây dựng hồ trữ nước ngọt phòng, chống hạn, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trên địa bàn các huyện Gò Công Tây, Gò Gông Đông, Tân Phú Đông và TP. Gò Công, tỉnh Tiền Giang.

Tiền Giang đang đề xuất xây dựng 3 hồ trữ nước ngọt tại khu vực phía Đông, trong đó có hồ chứa nước Tân Thới.
Tiền Giang đang đề xuất xây dựng 3 hồ trữ nước ngọt tại khu vực phía Đông, trong đó có hồ chứa nước Tân Thới.

Theo đề xuất sơ bộ, dự án sẽ đầu tư các hạng mục chính, gồm: Hồ chứa nước Tân Thới (xã Tân Thới, huyện Tân Phú Đông) với diện tích 20 ha, dung tích khoảng 800.000 m3; hồ chứa nước Gò Gừa tại huyện Gò Công Tây (nạo vét mở rộng sông Gò Gừa tạo hồ chứa nước với diện tích khoảng 56,7 ha, dung tích khoảng 1,5 triệu m3); hồ chứa nước Vàm Gié tại TP. Gò Công và huyện Gò Công Tây (nạo vét mở rộng rạch Vàm Gié tạo hồ chứa nước với diện tích là 69,6 ha, dung tích khoảng 2 triệu m3).

Dự kiến tổng mức đầu tư sơ bộ 3 hồ chứa nước này hơn 1.286 tỷ đồng. Trong đó, hồ chứa nước Tân Thới hơn 254 tỷ đồng; hồ chứa nước Gò Gừa hơn 437 tỷ đồng; hồ chứa nước Vàm Gié hơn 593 tỷ đồng. Dự kiến, dự án sẽ sử dụng vốn ngân sách trung ương và địa phương để đầu tư.

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, hiện ngành Nông nghiệp đang phối hợp với các đơn vị liên quan lập dự án. Sau đó, sẽ tổ chức hội thảo để đánh giá dự án phát huy hiệu quả như thế nào, làm cơ sở để đề xuất đưa vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030.

Theo đánh giá, dự án được đầu tư với mục tiêu tăng cường tích trữ nước ngọt, nâng cao đầu nước trong mùa khô kiệt để đảm bảo an ninh nguồn nước, phòng, chống hạn, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ cung cấp nước thô cho các nhà máy nước để phục vụ nước sinh hoạt cho người dân các huyện phía Đông của tỉnh.

Để ứng phó với tình hình hạn, mặn xuất hiện ngày càng nhiều, diễn biến nhanh, khó lường của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, việc bổ sung nguồn nước ngọt cho khu vực cuối nguồn trong mùa khô, đảm bảo ổn định nguồn nước ngọt cho huyện phía Đông là rất cần thiết.

Việc đầu tư xây dựng dự án sẽ giải quyết được các khó khăn thách thức nêu trên. Công trình sẽ từng bước hạn chế đến mức thấp nhất người dân đào, khoan giếng lấy nước ngầm để sử dụng. Đây cũng là tiền đề để các địa phương phát triển đa dạng các loại cây trồng.

T. ĐẠT

.
.
.