Bảo tồn và phát huy làng nghề truyền thống
(ABO) Trên địa bàn huyện Cái Bè có 2 làng nghề truyền thống. Những năm qua, từ các làng nghề này không chỉ giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân mà còn góp phần lưu giữ nét văn hóa truyền thống của địa phương.
Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát triển làng nghề là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện Cái Bè, từ đó thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
SỨC SỐNG TỪ CÁC LÀNG NGHỀ
Tìm về Làng nghề Bánh tráng Hậu Thành những ngày đầu tháng 12, đi từ đầu ngõ đến cuối xóm, đâu đâu cũng cảm nhận được hương vị thơm lừng bốc lên nghi ngút từ các ống khói đốt lò tráng bánh tỏa ra từ nhiều căn nhà. Những ngày này, người dân làng bánh tráng đang tất bật sản xuất bánh phục vụ cho dịp tết sắp tới.
Lò bánh của gia đình chị Nguyễn Thị Kim Yến ở khu vực ấp Hậu Thuận, đang hối hả lao động khẩn trương. Chị Yến cho biết, nghề tráng bánh này cha truyền con nối, chính nghề này đã nuôi sống cả gia đình trong suốt nhiều năm qua. Ngoài hiên bếp, củi lửa đã sẵn sàng, hơi nóng trong lò cũng đã bốc lên, chị Yến thoăn thoắt đổ bột vào khuôn; chỉ trong lát, chiếc bánh đầu tiên cũng đã ra lò trong làng khói thơm ngát mùi bột nếp hòa lẫn mùi thơm nước cốt dừa. Chưa đầy 5 phút, vỉ bánh đầu tiên đã hoàn tất, chị Yến thoăn thoắt đem vỉ ra sân phơi rồi vào làm tiếp mẻ bánh tiếp theo.
Làng nghề Bánh tráng Hậu Thành. |
Vừa nâng niu chiếc bánh đặt lên vỉ để phơi, chị Yến vừa nói: “Bánh năm nay giá cũng khấm khá, khoảng 700 nghìn đồng/100 bánh. Cũng mừng lắm, vậy cho có động lực làm chứ, chứ cực dữ lắm. Thường vào những ngày cận Tết, khi mà nguồn đơn đặt hàng tăng cao, phải làm suốt ngày đêm, không có thời gian nghỉ ngơi”.
Theo anh Phạm Phương Bình, Công chức Văn hóa - Xã hội xã Hậu Thành thì làng nghề có khoảng 30 hộ gia đình sản xuất bánh ở ấp Hậu Hòa và Hậu Thuận. Bánh tráng Hậu Thành có 2 loại, thứ nhất là bánh tráng dừa làm từ gạo, mè và nước cốt dừa; thứ hai là bánh tráng trắng để phục vụ cho các bữa ăn dân dã.
“Để tạo ra được những chiếc bánh thơm ngon, đòi hỏi người làm nghề phải thật sự khéo tay và tinh tế đến từng chi tiết.
Một trong những bí quyết làm nên thành công một chiếc bánh là lượng bột phải chuẩn xác, được cân, đong một cách vừa phải, không quá ít thế nhưng cũng không quá nhiều. Bánh sau khi tráng xong được xếp đều trên vỉ đem phơi nắng. Để bánh đảm bảo độ giòn và không bị bể thì người phơi phải canh thời gian. Nếu nắng đẹp thì chỉ phơi khoảng 30 phút là bánh đã khô, nếu để lâu quá thì bánh dễ bị nứt”, anh Bình cho biết thêm.
Cùng với Làng nghề Bánh tráng Hậu Thành, Làng nghề Bánh phồng Cái Bè, ấp An Hiệp, xã Đông Hòa Hiệp và khu 4, thị trấn Cái Bè cũng đang những ngày cuối năm. Anh Nguyễn Văn Phước, ấp An Hiệp, xã Đông Hòa Hiệp, làm nghề bánh phồng được hơn 30 năm cho biết, làm nghề này rất cực, khoảng 0 giờ người thợ phải thức để làm bánh. Làm bánh phồng tốn nhiều công sức, bởi để có được một cái bánh thơm ngon phải trải qua nhiều công đoạn. Mỗi ngày gia đình anh cán hơn 60 kg khoai mì, sau khi trừ chi phí còn lời khoảng 300.000 đồng/ngày.
BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ
Theo UBND huyện Cái Bè, qua đồ án quy hoạch chung được duyệt, trên địa bàn huyện có 2/24 xã có quy hoạch làng nghề, làng nghề truyền thống. Tại xã Đông Hòa Hiệp có Làng nghề Bánh phồng Cái Bè với lịch sử hình hành trên 70 năm và được UBND tỉnh công nhận “Làng nghề Bánh phồng Cái Bè” thuộc xã Đông Hòa Hiệp và thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè tại Quyết định 3370/QĐ-UBND ngày 1-9-2003. Thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ yếu là TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
Cùng với Làng nghề Bánh phồng Cái Bè, Làng nghề bánh tráng Hậu Thành cũng được UBND tỉnh Tiền Giang công nhận “Làng nghề Bánh tráng xã Hậu Thành” tại Quyết định 3371/QĐ-UBND vào ngày 1-9-2003. Làng nghề Bánh tráng Hậu Thành hoạt động trên 4 ấp, diện tích 210 ha với quy mô 103 hộ, có 335 lao động. Thu nhập bình quân của các hộ còn tùy thuộc vào thời điểm và sản lượng làm ra, bình quân 1 hộ từ 4 - 5 triệu đồng/ tháng và phải sử dụng ít nhất là 2 lao động trở lên; doanh thu khoảng 240 triệu/năm.
Để duy trì làng nghề không bị mai một và góp phần phát triển làng nghề truyền thống, huyện Cái Bè đã ban hành các quyết định phê duyệt phương án bảo vệ môi trường làng nghề. UBND các xã có làng nghề đã xây dựng các kế hoạch và có báo cáo về công tác triển khai tuyên truyền về tầm quan trọng của làng nghề, làng nghề truyền thống đối với kinh tế - xã hội trên địa bàn xã; cấp phát tài liệu tuyên truyền hỗ trợ phát triển làng nghề nông thôn, hoạt động bảo vệ môi trường; xây dựng kế hoạch và có báo cáo về công tác bảo tồn và phát triển làng nghề; báo cáo kết quả thực hiện thu gom và xử lý chất thải tại làng nghề…
Theo UBND huyện Cái Bè, việc bảo tồn và phát triển ngành nghề, làng nghề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công cuộc xây dựng nông thôn mới, góp phần quan trọng vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội ở nông thôn theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong thời gian tới, huyện Cái Bè sẽ tập trung bám sát, thực hiện tốt Kế hoạch Bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2023 - 2030 của UBND tỉnh Tiền Giang.
Trong đó, sẽ tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông kết nối giao thương, tham gia chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Khuyến khích phát triển các sản phẩm, làng nghề trên cơ sở ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; đa dạng hóa sản phẩm về mẫu mã, kiểu dáng; nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của thị trường; hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư mở rộng sản xuất. Đồng thời, trong quá trình phát triển chú trọng các vấn đề về môi trường; hướng dẫn đảm bảo các điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định tại các làng nghề.
Cùng với đó, huyện Cái Bè sẽ thiết kế, xây dựng các tuyến, điểm và tổ chức hoạt động du lịch, tham quan; giáo dục, trải nghiệm nghề và làng nghề truyền thống; liên kết chặt chẽ với các chương trình du lịch nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm của làng nghề và các sản phẩm của địa phương…
ĐỖ PHI - T.T