Thời gian gần đây, ngành dừa bật lên như một ngành kinh tế mũi nhọn của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Duyên hải Nam Trung Bộ.
Với những bước tiến tích cực như Mỹ và châu Âu chấp thuận nhập khẩu dừa tươi của Việt Nam, Nghị định thư với Trung Quốc để đưa trái dừa Việt Nam tiến vào thị trường này… đã tạo đà cho trái dừa Việt Nam dần tiến vào các thị trường tỷ đô.
|
Thu mua dừa xiêm xanh của người dân. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN |
Nguồn lực mạnh
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước có hơn 200.000 ha dừa. Cây dừa hiện là 1 trong 6 loại cây thuộc Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030. Sản phẩm dừa Việt Nam vươn ra thị trường thế giới mang về kim ngạch 180 triệu USD vào năm 2010, đạt 900 triệu USD trong năm 2023, thì hiện nay sản phẩm dừa Việt Nam đang được kì vọng mang về kim ngạch tỷ USD trong năm 2024. Với đà này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu phát triển ngành dừa lớn hơn và chất lượng hơn khi tham gia thị trường thế giới.
Trên bản đồ sản xuất và xuất khẩu dừa, dừa Việt Nam xếp thứ 6 trong 10 quốc gia sản xuất dừa lớn nhất thế giới với sản lượng gần 2 triệu tấn/năm, năng suất và chất lượng xếp vào top đầu thế giới, với tỷ lệ cơm dừa 35%, tỷ lệ nước dừa 27%, cao hơn 5% so với tỷ lệ trung bình dừa trên thế giới, Tiến sĩ Trần Thị Mỹ Hạnh, Viện Cây ăn quả miền Nam chia sẻ.
Trong các địa phương trồng dừa, tỉnh Bến Tre là địa phương có diện tích lớn nhất, hơn 80.000 ha. Ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre cho biết, Bến Tre trở thành thủ phủ dừa của cả nước với diện tích chiếm 88% diện tích dừa vùng Đồng bằng sông Cửu Long và chiếm 42% diện tích dừa của cả nước. Tại tỉnh Bến Tre, cây dừa được xác định là cây trồng chủ lực và là nguồn thu nhập của hơn 200.000 hộ nông dân khu vực nông thôn. Những năm gần đây, cây dừa dần phát triển trên địa bàn tỉnh, bởi người dân chuyển đổi diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng dừa, nâng cao thu nhập và tạo sinh kế bản địa trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Với thế mạnh cây dừa, trong năm 2024, sản phẩm dừa đã mang về kim ngạch 500 triệu USD, chiếm hơn 50% kim ngạch xuất khẩu dừa cả nước. Hiện nay Bến Tre đã có 133 vùng trồng dừa được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu với trên 8.300 ha, có 14 doanh nghiệp được cấp mã số cơ sở đóng gói dừa tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Đánh giá về thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Phong Phú, Giám đốc kỹ thuật Công ty Vina T&T Group cho biết, Trung Quốc là thị trường đông dân, nhu cầu cao đối với các sản phẩm từ dừa, đặc biệt là dừa tươi, nước dừa, dầu dừa và các sản phẩm chế biến từ dừa. Với vị trí địa lý gần gũi, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về chi phí vận chuyển so với các đối thủ từ Đông Nam Á và châu Phi. Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN và Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi về giảm thuế và đẩy mạnh giao thương. Việt Nam là quốc gia có sản lượng dừa lớn, đặc biệt từ Bến Tre và các tỉnh miền Tây, đảm bảo khả năng cung cấp ổn định cho thị trường.
Ước tính, hàng năm Trung Quốc tiêu thụ 4 tỷ quả dừa; trong đó có khoảng 2,6 tỷ quả tươi... Trong khi nhu cầu lớn nhưng năng lực sản xuất của Trung Quốc còn hạn chế, đây chính là cơ hội cho cây dừa của Việt Nam.
|
Đóng gói dừa tươi xuất khẩu tại Công ty TNHH Trái cây Mekong, xã Hữu Định, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Công Trí/TTXVN |
Nhiều giải pháp nâng giá trị
Mặc dù đang có nhiều lợi thế về xuất khẩu và mang lại giá trị kim ngạch cao, nhưng các chuyên gia ngành chế biến dừa lại gióng lên tiếng chuông cần quản lý chặt hoạt động sản xuất và xuất khẩu ngay từ trong nước.
Theo ông Nguyễn Phong Phú, Giám đốc kỹ thuật Công ty Vina T&T Group, việc Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu dừa tươi cho Việt Nam đã mở ra cánh cửa rộng lớn cho sản phẩm này, giúp mang lại giá trị kinh tế cao cho người sản xuất khi được thị trường nhiệt tình đón nhận. Tuy nhiên, để có cơ hội này, trái dừa và những người trong cơ quan chính quyền lẫn người sản xuất đã trải qua cả quá trình chinh phục khách hàng lâu dài. Cho nên, nhà nước cần xây dựng hệ thống số hóa quản lý mã số vùng trồng để theo dõi chặt chẽ từ khâu sản xuất đến xuất khẩu. Chế tài mạnh mẽ đối với hành vi gian lận để bảo vệ uy tín của hàng nông sản Việt Nam. Tránh tình trạng có lỗ hổng cho các hành vi gian lận trong sử dụng mã số vùng trồng, đánh lận con đen trong xuất khẩu dừa tươi.
Cây dừa mang lại giá trị kinh tế cao không chỉ bằng hoạt động xuất khẩu trái tươi sang các thị trường Mỹ, Australia, Trung Quốc, mà còn nhiều giá trị khác trong ngành công nghiệp chế biến như xơ dừa, than hoạt tính từ dừa, sản phẩm mỹ nghệ dừa… Tại diễn đàn “Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dừa” mới đây, bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam nhấn mạnh, trong hơn 200.000 ha dừa hiện nay trên cả nước, thì đã có 120.000 dừa phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến dừa. Để nâng cao giá trị cây dừa, ngoài đầu tư giống dừa cho trái uống nước chất lượng, ngành dừa Việt Nam cũng phải chú trọng vào việc duy trì công nghiệp chế biến dừa.
Với thực tế cơ sở hạ tầng ngành chế biến hiện nay, Việt Nam đang trở thành nhà sơ chế nguyên liệu dừa cho các nhà nhập khẩu thế giới, phục vụ công nghiệp chế biến sâu của họ. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng tại các khu vực nông thôn trồng dừa cũng phải được nâng cấp để cây dừa tiếp cận trực tiếp với khách hàng, bỏ bớt khâu trung gian, rút ngắn khoảng cách tiếp cận giá thị trường cho nông dân, tạo động lực cho nông dân duy trì sinh kế với cây dừa, đưa dừa Việt Nam dần tiến vào thị trường tỷ đô.
Với những ưu thế hiện nay, có thể thấy ngành hàng dừa đang dần khẳng định vị thế loại cây mang lại giá trị cao cho người sản xuất, chế biến, một loại cây trồng không bỏ đi bất kì một bộ phận nào. Ông Lê Thanh Hoà, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường chia sẻ, cây dừa đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa dừa vào danh mục các cây công nghiệp chủ lực. Hiện nay, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành nhiều chính sách phát triển ngành dừa, các địa phương cần tận dụng các chính sách này để hỗ trợ hoạt động sản xuất của người dân.
(Theo https://baotintuc.vn/kinh-te/de-dua-viet-nam-tien-vao-thi-truong-ty-do-20241214095153841.htm)