.

Để thương hiệu xoài cát Hòa Lộc vươn xa

Cập nhật: 09:40, 25/12/2024 (GMT+7)

Xoài cát Hòa Lộc (XCHL) là 1 trong 11 loại cây ăn trái đặc sản chủ lực của Tiền Giang, những năm qua, lãnh đạo tỉnh đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao giá trị XCHL. Đặc biệt, thời gian gần đây, Tiền Giang đã đưa vào khai thác Vườn cây đầu dòng XCHL, góp phần tạo nguồn giống tốt, chất lượng cao, cung ứng cho thị trường trong cũng như ngoài tỉnh, mở ra triển vọng mới cho trái XCHL.

TRỨ DANH HƯƠNG VỊ XCHL

Vừa qua, chúng tôi có dịp về xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè - nơi được xem là nguồn gốc, xuất xứ của trái XCHL trứ danh. Theo các bậc cao niên xã Hòa Hưng kể lại, cây XCHL được trồng và phát triển từ những năm 1930. Giống xoài này ban đầu được tìm thấy tại xã Hòa Lộc, quận Giáo Đức, tỉnh Định Tường (nay là xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), do đó xoài được đặt tên là XCHL.

 XCHL là một trong những sản phẩm OCOP được trưng bày tại nhiều sự kiện quan trọng trong và ngoài tỉnh.
XCHL là một trong những sản phẩm OCOP được trưng bày tại nhiều sự kiện quan trọng trong và ngoài tỉnh Tiền Giang.

Thời gian đầu, chỉ là một vườn xoài nhỏ của một gia đình nông dân, nhưng nhờ điều kiện thổ nhưỡng đặc biệt của vùng đất phù sa sông Tiền đã tạo nên một giống xoài có hương vị độc đáo. Sau đó, xoài phát triển nhiều hơn, nhiều mảnh ruộng lên vườn trồng XCHL, dần dần người dân nhân giống trồng tại nhiều địa phương như: Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp), Châu Thành (tỉnh Hậu Giang) và Tri Tôn, Tịnh Biên (tỉnh An Giang) và một số địa phương tại Đông Nam bộ. Tuy nhiên, hương vị những trái XCHL “chính gốc” tại xã Hòa Hưng (huyện Cái Bè) vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng, đánh giá cao hơn so với các vùng khác.

Ông Trần Văn Đậm (ấp Hòa, xã Hòa Hưng) là người có thâm niên trồng XCHL hơn 30 năm cho biết, gia đình đã có 3 đời trồng XCHL, một số cây xoài được trồng từ thời của bà ngoại, đến nay ông vẫn còn chăm sóc và cây cho trái tốt; trong đó, cây có tuổi thọ cao nhất là 70 năm tuổi, còn lại nhiều cây trung bình từ 30 năm tuổi trở lên.

Thời gian qua, tỉnh Tiền Giang không ngừng nỗ lực xây dựng thương hiệu, nâng sức cạnh tranh của trái XCHL trên thị trường trong nước và xuất khẩu; cụ thể là tỉnh đã triển khai Chương trình Hỗ trợ phát triển toàn diện XCHL.

Song song đó là gắn phát triển vùng chuyên canh với du lịch văn hóa làng nghề truyền thống, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Hòa Lộc cho sản phẩm xoài cát, hỗ trợ quảng bá sản phẩm...

Hiện nay, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đang phối hợp với các địa phương tiếp tục triển  khai thực hiện Dự án Chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ XCHL trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

Dù trải qua nhiều thăng trầm, nhất là trước sức ép cạnh tranh về giá trị kinh tế của nhiều loại cây trồng khác, nhưng ông vẫn kiên trì với cây XCHL. Bởi đây chính là cái nôi, là nơi XCHL đã được công nhận Vườn cây đầu dòng XCHL, gần như cả nước chỉ có Tiền Giang có vườn đầu dòng này.

Thật vậy, theo phân tích của nhiều chủ vườn có thâm niên trong nghề trồng XCHL ở huyện Cái Bè, đặc điểm nổi bật của trái XCHL nơi đây có vỏ mỏng, màu vàng tươi, dày thịt, mịn dẻo, ráo nước, rất ít xơ, vị ngọt ngào, thanh dịu hơn các loại xoài khác…

Có thể do Tiền Giang có điều kiện tự nhiên thuận lợi, là vùng đất phù sa ven sông nên giàu chất dinh dưỡng, đã tạo cho trái XCHL có hương vị thơm ngon. Do có chất lượng cao nên trái XCHL đã được xuất khẩu sang nhiều quốc gia như: Pháp, Mỹ, Canada, Úc, Nhật, Singapore, Trung Quốc...

NỖ LỰC PHÁT TRIỂN CÂY XCHL

Dù được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Chỉ dẫn địa lý xuất xứ XCHL và trái XCHL cũng đã khẳng định thương hiệu trên thị trường trong nước và ngoài nước. Tuy nhiên, diện tích XCHL dần thu hẹp, theo UBND huyện Cái Bè, hiện nay, tổng diện tích xoài trên địa bàn huyện khoảng 1.448 ha; trong đó, diện tích XCHL 260 ha, tập trung ở một số xã như: Hòa Hưng, Mỹ Lương, An Hữu, Tân Thanh, Tân Hưng.

Thu hoạch XCHL tại xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè.
Thu hoạch XCHL tại xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè.

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Cái Bè cho biết, do nhiều nguyên nhân khiến diện tích XCHL dần thu hẹp; trong đó, chủ yếu do biến đổi khí hậu, năng suất cây XCHL bị sụt giảm, nhiều diện tích bị lão hóa và cây sầu riêng đang cho kinh tế cao đã lấn át cây XCHL.

Nhằm mở ra triển vọng mới cho sản phẩm XCHL, năm 2021, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang đã phê duyệt quyết định triển khai đề tài cấp cơ sở “Công nhận Vườn đầu dòng XCHL”, giao Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Cái Bè chủ trì thực hiện.

Sau thời gian thực hiện, năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang phối hợp với UBND huyện Cái Bè tổ chức công bố Quyết định công nhận vườn cây đầu dòng thuộc Đề tài “Công nhận Vườn đầu dòng XCHL tại huyện Cái Bè”.

Vườn cây đầu dòng được trồng trên diện tích 0,9 ha ở ấp Bình, xã Hòa Hưng, với 200 cây có độ tuổi từ 8 - 10 năm. Vườn cây đầu dòng được giới chuyên môn đánh giá là địa chỉ tin cậy trong cung ứng nguồn giống XCHL, mang đầy đủ những phẩm chất tốt của cây bố mẹ ban đầu để giữ gìn và phát triển cây đặc sản của tỉnh Tiền Giang.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang, từ vườn cây đầu dòng XCHL được công nhận, trong năm 2024, tỉnh Tiền Giang cung ứng khoảng 5.000 cây giống XCHL chất lượng cho thị trường giống cây ăn trái khu vực phía Nam.

Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng tiêu chuẩn xoài xuất khẩu, vấn đề đặt ra là cần phát triển theo chuỗi giá trị sản phẩm, liên kết: Từ người sản xuất - người thu mua - sơ chế, đóng gói, bảo quản - doanh nghiệp xuất khẩu, đảm bảo đáp ứng theo quy định của thị trường xuất khẩu, phát huy tốt vai trò của các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX).

Ông Nguyễn Văn Thực, Giám đốc HTX XCHL cho biết, HTX hiện có 138 thành viên quản lý trên 80 ha trồng XCHL, sản lượng hằng năm khoảng 500 tấn, nhưng chỉ xuất khẩu 30%, còn lại tiêu thụ thị trường trong nước. HTX cũng đang tiếp tục kiến nghị chính quyền các cấp tạo điều kiện để giữ vững diện tích vườn XCHL chuyên canh của huyện.

Đồng thời, có chính sách liên kết tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm giữa các công ty, doanh nghiệp với HTX, để tăng sản lượng XCHL xuất khẩu, tăng thu nhập cho người trồng cũng là góp phần đưa hương vị đặc sản quê nhà vươn xa ra thị trường quốc tế.

Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Bè Phan Thanh Sơn cũng cho biết, trong thời gian tới, huyện Cái Bè sẽ khuyến khích người dân phát triển nguồn giống chủ lực theo tinh thần quyết định của UBND tỉnh Tiền Giang về việc Ban hành danh mục giống nông nghiệp chủ lực và giống khác để được hỗ trợ phát triển sản xuất theo Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2022 - 2030.

Đồng thời, địa phương hỗ trợ người trồng XCHL tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, xây dựng mã vùng trồng, ứng dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trong sản xuất và gắn kết doanh nghiệp để tạo nên chuỗi giá trị, đảm bảo đầu ra bền vững cho sản phẩm, góp phần khẳng định thương hiệu, mở ra nhiều triển vọng mới cho sản phẩm XCHL.

“Riêng đối với Vườn cây đầu dòng XCHL, huyện sẽ chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Cái Bè tiếp tục chăm sóc tốt, bảo vệ vườn cây đầu dòng, khai thác vườn cây đầu dòng theo quy định đảm bảo chất lượng; chỉ đạo Phòng NN&PTNT tiếp tục quản lý và cấp mới mã số vùng trồng sản phẩm xoài (có 71,1 ha xoài đã cấp mã số và đang duy trì hoạt động)” - đồng chí Phan Thanh Sơn cho biết thêm.

HOÀI THU - TUẤN LÂM

.
.
.