Thứ Sáu, 20/12/2024, 18:43 (GMT+7)
.
HỘI CHỢ CÔNG NGHIỆP, THƯƠNG MẠI VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG - TIỀN GIANG NĂM 2024:

Góp phần phát triển kinh tế địa phương

Hội chợ Công nghiệp, Thương mại vùng Đồng bằng sông Cửu Long - Tiền Giang năm 2024 đã chính thức khai mạc vào tối ngày 19-12 tại Quảng trường Hùng Vương, xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Sự kiện do Sở Công Thương phối hợp cùng Cục Công thương địa phương - Bộ Công thương tổ chức, nhằm thúc đẩy giao thương, quảng bá sản phẩm và tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh cho các doanh nghiệp trong và ngoài khu vực.

ĐA DẠNG SẢN PHẨM

Hội chợ quy tụ 250 gian hàng của các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và cơ sở công nghiệp nông thôn đến từ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và nhiều tỉnh, thành khác. Các gian hàng trưng bày đa dạng sản phẩm như: Nông, lâm, thủy hải sản; máy móc công nghiệp; sản phẩm thủ công mỹ nghệ và các dịch vụ du lịch, tư vấn xúc tiến thương mại.

Đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm nông sản của Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang tại Hội chợ.                                                                                                                                                             Ảnh: VĂN THẢO
Đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm nông sản của Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang tại Hội chợ. Ảnh: VĂN THẢO

Các sản phẩm, hàng hóa trưng bày trong các gian hàng tại hội chợ được trang trí đẹp mắt, thu hút đông đảo khách tham quan. Đặc biệt, nhiều sản phẩm độc đáo như các loại giống cây trồng đặc sản, sản phẩm thủ công truyền thống và thiết bị công nghệ hiện đại nhận được sự quan tâm lớn từ khách tham quan.

Khách tham quan, đặc biệt là người dân địa phương rất thích thú khi được tham quan và trải nghiệm các sản phẩm đa dạng tại hội chợ. Chị Nguyễn Thị Lan ở phường 5 cho biết: “Tôi rất ấn tượng với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo và các loại đặc sản địa phương, giá cả lại rất hợp lý, phù hợp với túi tiền của nhiều người”.

Anh Nguyễn Tấn Tới ở xã Tân Mỹ Chánh cho biết, anh khá hài lòng khi có cơ hội tiếp cận trực tiếp với các sản phẩm chất lượng cao và dịch vụ tư vấn tận tình. Đi hội chợ giúp anh cũng như khách hàng hiểu rõ hơn về nguồn gốc và công dụng của từng sản phẩm. Hội chợ không chỉ là nơi mua sắm, mà còn là dịp để người dân khám phá, trải nghiệm và tự hào về các sản phẩm do chính các doanh nghiệp trong khu vực sản xuất.

KỲ VỌNG TÌM ĐƯỢC ĐỐI TÁC TIỀM NĂNG

Nhiều doanh nghiệp tham gia cũng chia sẻ sự hài lòng với công tác tổ chức và kỳ vọng tìm được các đối tác tiềm năng. Anh Nguyễn Ngọc Tư, HTX Kiều Trân Phát (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) cho biết, cơ sở của anh chuyên sản xuất các loại nhang như: Nhang trầm hương, thảo mộc khuynh diệp, nhang sen, nhang sả, nhang trầm hương… với ưu điểm không hóa chất độc hại, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Tuy sản phẩm mới ra thị trường được 1 năm nhưng rất được khách hàng tin dùng.

Tại miền Trung, khách hàng đã biết rất nhiều về sản phẩm của HTX, còn miền Nam thì đây là thị trường mới. Anh mong thông qua hội chợ, sản phẩm của mình sẽ được mở rộng ra thị trường miền Nam.

Chị Phạm Thị Lệ Quyên, chủ cơ sở bánh tét Lệ Quyên (xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè) cho biết: “Tôi hy vọng thông qua việc giới thiệu và cho khách hàng dùng thử, họ sẽ hiểu hơn về quy trình sản xuất của cơ sở, cũng như chất lượng của sản phẩm. Điều này không chỉ giúp khách hàng thêm an tâm khi lựa chọn, mà còn tạo dựng niềm tin lâu dài với thương hiệu bánh tét Lệ Quyên”. Chị Quyên tin rằng những giá trị truyền thống kết hợp cùng sự chăm chút trong từng chiếc bánh sẽ để lại ấn tượng đẹp trong lòng người tiêu dùng.
Chị Nguyễn Thị Phi Phụng, thành viên của HTX Dừa Chợ Gạo chia sẻ rằng, hội chợ là cơ hội quý giá để giới thiệu các sản phẩm đặc trưng từ dừa như: Dừa tươi, dừa đóng gói, dừa trọc, dừa kim cương, dừa đóng nút.

Chị kỳ vọng thông qua sự kiện này, HTX có thể mở rộng mạng lưới đối tác, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu và đưa sản phẩm dừa Chợ Gạo vươn xa hơn trên thị trường trong nước và quốc tế. “Chúng tôi luôn chú trọng mang đến những sản phẩm thiên nhiên, dễ sử dụng và tốt cho sức khỏe, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay” -  chị Phụng nhấn mạnh.

Chú Nguyễn Hữu Công, là “cha đẻ” của giống chanh leo ngọt Sáu Công đến từ huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng tự hào chia sẻ về sản phẩm do chính tay mình lai tạo. Lần đầu tham gia hội chợ tại Tiền Giang, chú mang theo những trái chanh leo ngọt đặc trưng, được khách hàng yêu thích. “Sản phẩm của tôi không chỉ thơm ngon mà còn có lợi cho sức khỏe, hỗ trợ điều trị một số bệnh.

Tôi hy vọng các cơ quan, ban, ngành sẽ tạo điều kiện tổ chức thêm nhiều hội chợ; đồng thời tăng cường truyền thông và quảng bá sự kiện trên các phương tiện báo chí để người dân biết đến. Hội chợ không chỉ là nơi để doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, mà còn là cơ hội để khách hàng trực tiếp trải nghiệm. Từ việc nhìn thấy, nghe giới thiệu cho đến nếm thử, cảm nhận rõ nét giá trị sản phẩm”- chú Sáu Công bày tỏ.

Hội chợ Công nghiệp, Thương mại vùng Đồng bằng sông Cửu Long - Tiền Giang năm 2024 là một sự kiện ý nghĩa, không chỉ góp phần phát triển kinh tế địa phương, mà còn thúc đẩy sự gắn kết giữa các doanh nghiệp trong và ngoài khu vực. Với sự thành công này, hội chợ sẽ trở thành hoạt động thường niên, ngày càng quy mô và chuyên nghiệp hơn trong tương lai.

LÝ OANH - T.T

 

.
.
.