Thứ Hai, 09/12/2024, 09:58 (GMT+7)
.

Huyện Cái Bè: Hoạt động kinh tế tập thể chuyển biến tích cực

Với việc tập trung nhiều giải pháp hỗ trợ, lĩnh vực kinh tế tập thể (KTTT) của huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang đã có sự chuyển biến tích cực. Hiệu quả hoạt động của các HTX trên địa bàn từng bước được nâng lên, giúp nâng cao thu nhập cho thành viên.

ĐỔI MỚI NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG

Theo UBND huyện Cái Bè, toàn huyện hiện có 30 hợp tác xã (HTX), 2 quỹ tín dụng nhân dân và 24 tổ hợp tác (THT). Thời gian qua, Ban Chỉ đạo đổi mới phát triển KTTT huyện Cái Bè đã triển khai nhiều hoạt động củng cố, nâng chất, đổi mới, phát triển các HTX.

Hoạt động của các HTX trên địa bàn huyện Cái Bè từng bước được nâng cao.
Hoạt động của các HTX trên địa bàn huyện Cái Bè từng bước được nâng cao.

Theo đó, huyện đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thành lập mới THT, HTX. Đồng thời, tư vấn, hướng dẫn các HTX tiếp cận các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh…

Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội cũng phát huy được vai trò trong việc triển khai thực hiện tuyên truyền, vận động thành viên, hội viên xây dựng và tham gia các mô hình KTTT; tham gia triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển KTTT đến hội viên, thành viên ở cơ sở. Qua công tác tuyên truyền đã làm thay đổi cách nhìn của người dân về mô hình HTX kiểu mới.

Trên cơ sở đó, các HTX đã không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động thông qua việc nâng cao nâng lực quản trị, điều hành. Các HTX tổ chức đa dạng hình thức liên kết, hợp tác, các khâu dịch vụ hỗ trợ thành viên, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Theo UBND huyện Cái Bè, tổng doanh thu các HTX trong năm 2024 dự kiến khoảng 32,22 tỷ đồng. Bình quân doanh thu của mỗi HTX khoảng 1,11 tỷ đồng, lợi nhuận 110 triệu đồng/HTX. Toàn huyện có 27 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (chiếm 90% tổng số HTX).

Trong 26 HTX nông nghiệp có 7 HTX hoạt động tương đối ổn định, doanh thu lớn, sản xuất, kinh doanh có lãi, nộp thuế hằng năm và phân chia lợi nhuận cho thành viên, điển hình như: HTX Hòa Lộc, HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Mỹ Quới, HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Thiên Hộ, HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Hưng, HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lương, HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lợi A...

Đồng thời, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào quản lý, sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Điều này đã tạo điều kiện cho thành viên tham gia vào chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ.

Bên cạnh đó, một số HTX trên địa bàn còn tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và có sản phẩm được công nhận với thứ hạng cao. Các HTX đã chung tay cùng với chính quyền xây dựng và phát triển các sản phẩm tiềm năng, chủ lực, có lợi thế của địa phương. Qua đó, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống thành viên và người lao động khu vực KTTT.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Bè Phan Thanh Sơn, hoạt động của các HTX thời gian qua đã thúc đẩy kinh tế hộ gia đình phát triển, tạo mối liên kết, hợp tác giữa các thành viên trong HTX và thành viên với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ và vừa khác, góp phần gia tăng sản lượng hàng hóa nông sản. Hoạt động kinh doanh có hiệu quả của các HTX đã tạo điều kiện để tổ chức sản xuất ổn định, giúp đời sống thành viên không ngừng được nâng lên.

TIẾP TỤC ĐỒNG HÀNH

Theo đánh giá của UBND huyện Cái Bè, mặc dù đã có sự chuyển biến tích cực, nhưng các HTX vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động. Điều này đòi hỏi các HTX phải có những thay đổi kịp thời để đứng vững trong xu hướng mới. Các HTX cần phát huy vai trò để giúp thành viên nghiên cứu thị trường, sản xuất theo nhu cầu thị trường; tổ chức tiêu thụ sản phẩm…

Các HTX chú trọng xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Các HTX trên địa bàn huyện Cái Bè chú trọng xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Theo đồng chí Phan Thanh Sơn, để tạo điều kiện cho các HTX trên địa bàn huyện Cái Bè phát triển hiệu quả, bền vững, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch 126 về việc phối hợp thực hiện xây dựng mô hình điểm củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động và giải thể các HTX trên địa bàn huyện Cái Bè năm 2024. Theo đó, huyện sẽ xây dựng một số mô hình điểm để tập trung nguồn lực hỗ trợ nhằm giúp các HTX nâng chất hoạt động từ yếu, trung bình lên hoạt động khá, tốt. Từ đó, rút kinh nghiệm trong thực hiện, làm mô hình mẫu để nhân rộng phương pháp, cách làm trong thời gian tới.

Cũng theo đồng chí Phan Thanh Sơn, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức buổi làm việc mời các đơn vị có liên quan, UBND xã và các HTX trên địa bàn để rà soát, đánh giá lại thực trạng hoạt động, tồn tại, hạn chế và định hướng để thống nhất các nhiệm vụ, giải pháp cần hỗ trợ, củng cố hoạt động xây dựng mô hình điểm trong thời gian tới. Trên cơ sở thống nhất các giải pháp, Phòng NN&PTNT sẽ chủ trì tổ chức, hướng dẫn các HTX củng cố, kiện toàn lại bộ máy hoạt động theo hướng năng động, hiệu quả.

Trong thời gian tới, địa phương sẽ hỗ trợ, hướng dẫn HTX tiếp cận cơ chế, chính sách để có nguồn lực nâng cao hiệu quả hoạt động. Theo đó, huyện sẽ phối hợp Liên minh HTX tỉnh Tiền Giang tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực HTX.

Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành hỗ trợ HTX tiếp cận các chính sách như: Đầu tư kết cấu hạ tầng, hỗ trợ lao động trẻ, tín dụng, đất đai, xúc tiến thương mại, xây dựng sản phẩm OCOP, xây dựng nhãn hiệu, tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, xây dựng mã số vùng trồng, tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hỗ trợ liên kết tiêu thụ, kết nối đầu vào, đầu ra, xây dựng dự án/kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản...

Các ngành của huyện sẽ đẩy mạnh thông tin các chương trình, dự án, kế hoạch có liên quan đến UBND xã và tạo điều kiện cùng phối hợp thực hiện. Định kỳ hằng quý sẽ đánh giá kết quả hỗ trợ xây dựng mô hình điểm; tổng hợp các vướng mắc, khó khăn, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu UBND huyện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ.

ANH THƯ

.
.
.