.

Huyện Cái Bè: Khai thác tối ưu tiềm năng, lợi thế du lịch

Cập nhật: 09:47, 07/12/2024 (GMT+7)

Huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang có vị trí địa lý vô cùng thuận lợi cho cả 2 tuyến giao thông thủy - bộ, có nhiều di tích lịch sử, di tích kiến trúc văn hóa, nền văn hóa ẩm thực mang đậm hương vị làng quê, tấm lòng mến khách của người dân nơi đây, tất cả như hòa quyện vào nhau tạo cho Cái Bè có một sắc thái riêng mà không nơi nào có được. Những năm qua, huyện Cái Bè đã tập trung đầu tư, khai thác các thế mạnh, phát triển các sản phẩm du lịch.

THẾ MẠNH DU LỊCH HUYỆN CÁI BÈ

Từ TP. Mỹ Tho, dọc theo Quốc lộ 1A, đến ngã ba Cái Bè, rẽ vào tỉnh lộ 875 khoảng 6 km, chúng tôi tìm về làng cổ Đông Hòa Hiệp những ngày đầu tháng 12. Nhiều ngôi nhà cổ ở đây được xây cất bằng các loại gỗ quý, mái lợp ngói, cao và rộng theo kiến trúc phương Đông lẫn phương Tây, nằm ẩn mình bên những dòng sông, vườn cây ăn trái thoáng mát, đã góp phần tạo nên diện mạo kiến trúc và cảnh quan nổi trội của làng so với các địa phương khác từ cuối thế kỷ thứ XIX đến đầu thế kỷ XX.

Làng cổ Đông Hòa Hiệp là một trong những địa điểm tham quan, du lịch nổi tiếng ở huyện Cái Bè.      Ảnh: Võ Nguyên Phú
Làng cổ Đông Hòa Hiệp là một trong những địa điểm tham quan, du lịch nổi tiếng ở huyện Cái Bè. Ảnh: Võ Nguyên Phú

Ghé thăm nhà cổ ông Lê Quang Xoát, chúng tôi mới cảm nhận được vẻ đẹp kiến trúc nghệ thuật độc đáo, kiểu nhà rường của Huế nhưng mang đậm sắc thái Nam bộ. Nhà được khởi công xây dựng năm 1818 đến năm 1821 mới hoàn thành, do ông tổ 6 đời trước của ông Lê Quang Xoát là ông Lê Văn Ký đứng ra xây dựng.

Bà Đoàn Thị Trí, chủ nhân của nhà cổ ông Xoát cho biết, từ ngày tiếp quản căn nhà, hằng năm, gia đình tiến hành phun thuốc diệt mối, mọt để bảo vệ bộ khung gỗ của ngôi nhà. Hiện tại, nhà cổ ông Xoát đang đầu tư phát triển theo hướng phục vụ du lịch để những giá trị của nhà cổ ông Xoát được nhiều người biết đến.

Theo UBND xã Đông Hòa Hiệp, Đông Hòa Hiệp là 1 trong 3 làng cổ của Việt Nam được Tổng cục Du lịch Việt Nam và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) chọn để đầu tư phát triển mô hình du lịch nông thôn. Với những lợi thế sẵn có và sự đầu tư của Tổ chức JICA đã làm cho du lịch cộng đồng tại làng cổ Đông Hòa Hiệp ngày càng khởi sắc.

Trong năm 2023, lượng khách đến tham quan, du lịch tại huyện đạt khoảng 87.525 lượt khách, tăng gấp 3,39 lần so cùng kỳ năm 2022 (trong đó có 48.700 lượt khách quốc tế).

Trong 9 tháng năm 2024, lượng khách du lịch đến với huyện Cái Bè là 87.311 lượt, tăng hơn 65% so với cùng kỳ 2023 (trong đó có 47.076 lượt khách quốc tế).

Theo đó, từ năm 2011, được sự tài trợ của JICA và Trường Đại học Nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tiền Giang phối hợp với UBND huyện Cái Bè triển khai Dự án “Phát huy vai trò hỗ trợ cộng đồng trong phát triển du lịch bền vững thông qua du lịch di sản” tại xã Đông Hòa Hiệp.

Lễ hội Làng cổ Đông Hòa Hiệp được tổ chức hằng năm thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, thưởng lãm với nhiều hoạt động: Phiên chợ quê, Hội thi Làm bánh dân gian, Hội thi Chưng nghi, mâm ngũ quả, thả đèn hoa đăng, biểu diễn múa lân sư rồng và biểu diễn nghệ thuật…

Theo UBND huyện Cái Bè, bên cạnh tham quan các khu nhà cổ, đến với Cái Bè, du khách còn được đi trong màu xanh mát dịu của miệt vườn châu thổ Cửu Long, tiếp xúc với những người dân quê chân chất và hào phóng, được tham quan chợ nổi trên sông; cùng với đó, làng nghề làm bánh tráng, bánh phồng ở Cái Bè có từ những năm của thập niên 40 thế kỷ XX ngày càng phát triển quy mô hơn cũng như thị trường tiêu thụ ngày càng rộng lớn nên được sản xuất quanh năm, có thương hiệu, được sự tín nhiệm của khách hàng, thu hút du khách đến tham quan, nghiên cứu.

Cồn Quy thuộc xã Tân Thanh, nằm trên dòng sông Tiền, giáp ranh với 2 tỉnh là Vĩnh Long và Đồng Tháp, rất thuận lợi quy hoạch phát triển thành khu du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, với không khí trong lành cùng những dịch vụ du lịch sông nước miệt vườn; đồng thời rất thuận lợi khi kết nối với các điểm du lịch của tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp, phục vụ tốt nhu cầu của du khách đến với Tiền Giang.

Công viên trái cây huyện Cái Bè (Công viên trái cây Tiền Giang) định hướng hình thành điểm hấp dẫn về du lịch, đặc biệt đối với du khách quốc tế. Bằng cách kết hợp với hình thức du lịch sinh thái, vườn cây ăn trái và giá trị lịch sử văn hóa, làng nghề truyền thống nhằm kết nối các tuyến du lịch trong tỉnh, đóng góp vào phát triển du lịch, kinh tế - xã hội cho địa phương.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện Cái Bè còn có 16 cơ sở lưu trú, trong đó: 3 khách sạn 1 sao, 1 khách sạn 2 sao, 1 khách sạn đạt tiêu chuẩn, 8 nhà nghỉ du lịch và 3 homestay. Cơ sở vật chất phục vụ du lịch cũng từng bước được đầu tư, phát triển, nhất là các khu resort nghỉ dưỡng đạt chất lượng cao được hình thành, phát triển 2 khu resort cao cấp là: Mekong Lodge và Mekong RiverSide dọc theo dòng sông Tiền. Hình thức nghỉ dưỡng homestay cũng ngày càng được ưa chuộng, phổ biến ở huyện Cái Bè.

ĐỂ DU LỊCH CÁI BÈ PHÁT TRIỂN

Theo UBND huyện Cái Bè, trong thời gian tới, huyện Cái Bè sẽ nỗ lực phát triển du lịch. Theo đó, để phát triển du lịch, huyện đã đề ra nhiều chiến lược phát triển, kích cầu du lịch. Theo đó, địa phương sẽ tiếp tục thực hiện Đề án Phát triển du lịch giai đoạn 2015 - 2020 và định hướng đến năm 2025, qua đó, bám sát quy hoạch của huyện cũng như quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh Tiền Giang đến năm 2030 để thúc đẩy phát triển du lịch.

Nhà cổ Ông Kiệt.
Nhà cổ Ông Kiệt.

Cùng với đó, nhằm phát huy lợi thế du lịch sông nước, miệt vườn, huyện đã tái khởi động Dự án Công viên trái cây Cái Bè gắn với chợ nổi Cái Bè; đồng thời định hướng kết nối với chợ lúa, gạo Bà Đắc và quy hoạch phát triển du lịch vườn cây ăn trái để khai thác và làm phong phú tour du lịch chợ nổi Cái Bè.

Bến tàu du lịch huyện Cái Bè.
Bến tàu du lịch huyện Cái Bè.

Bên cạnh đó, huyện cũng quan tâm công tác trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa của làng cổ Đông Hòa Hiệp; duy trì và phát triển các điểm du lịch làng nghề truyền thống xã Đông Hòa Hiệp, Lễ hội Văn hóa - Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp; đồng thời củng cố và phát triển các tour, tuyến du lịch mới, trong đó có liên kết tour, tuyến với các doanh nghiệp cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy), xã Bình Hòa Phước (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long).

Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, tạo tiền đề để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, từng bước thay đổi tư duy quản lý, tạo ra sức hút mạnh mẽ trong đầu tư phát triển du lịch, tạo dựng hình ảnh chuyên nghiệp, thân thiện, thu hút du khách... phấn đấu xây dựng Cái Bè là huyện phát triển du lịch hàng đầu của tỉnh Tiền Giang.

Từ những định hướng đúng đắn của Huyện ủy, UBND huyện, cùng quá trình triển khai thực hiện một cách khoa học, hợp lý cùng với những lợi thế sẵn có, thế mạnh về du lịch sinh thái của huyện Cái Bè chắc chắn sẽ được khai thác hiệu quả và ngày một phát triển, đạt mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.

ĐỖ PHI - T.T

.
.
.