.

Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản

Cập nhật: 09:36, 13/12/2024 (GMT+7)

Để phát triển bền vững, hiệu quả, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp (DN) trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, một số HTX đã xây dựng được mô hình liên kết hiệu quả, mang lại lợi ích cho thành viên.

KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU

Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang), trong năm 2024, toàn tỉnh có khoảng 37 HTX sản xuất và liên kết tiêu thụ lúa với các DN, thương nhân trong và ngoài tỉnh; tập trung chủ yếu ở các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Gò Công Đông, Gò Công Tây. Diện tích liên kết khoảng 5.800 ha; với các giống lúa đang sản xuất chủ yếu như: OM 18, OM 5451, Đài thơm 8, ST25, Nàng hoa 9, nếp, IR4625, VD20.

Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giúp hoạt động của các HTX ổn định và hiệu quả.
Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giúp hoạt động của các HTX ổn định và hiệu quả.

Tính đến hiện tại, toàn tỉnh Tiền Giang đã có 19 dự án, kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa theo Nghị định 98/2018 của Chính phủ được phê duyệt với ngân sách hỗ trợ giai đoạn 2020 - 2026 hơn 12,9 tỷ đồng, với hơn 35 DN, thương nhân trong và ngoài tỉnh tham gia liên kết.

Hình thức liên kết chủ yếu là cung cấp đầu vào (giống, vật tư phân bón, kỹ thuật), đảm bảo đầu ra cho sản phẩm thông qua các hợp đồng liên kết. Qua đó, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số mô hình liên kết tiêu thụ lúa hiệu quả.

Điển hình như mô hình liên kết giữa HTX DVNN Mỹ Quới với Công ty TNHH MTV Phước Lộc Thiên Hộ tại xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè. Quy mô liên kết 400 - 600 ha/năm, với giống lúa OM 18, OM 5451. Hay mô hình liên kết giữa HTX DVNN Bình Nhì, HTX Nông nghiệp Lợi An liên kết với Công TNHH TM HK Green, Công ty cổ phần Vinh Hiển Farm để sản xuất và xây dựng thương hiệu gạo VD20 Gò Công, quy mô 300 - 600 ha/năm.

Bên cạnh những thuận lợi, thời gian qua, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản của các HTX cũng còn gặp một số khó khăn. Trước hết là một số DN, siêu thị đặt ra yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn an toàn, hữu cơ.

Đối với mặt hàng trái cây xuất khẩu, thị trường Nhật Bản, Mỹ, châu Âu... luôn đòi hỏi tiêu chuẩn rất cao về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, xuất xứ nguồn gốc, bảo vệ môi trường.

Việc thực hiện liên kết tiêu thụ nông sản theo Nghị định 98/2018 của Chính phủ đối với trái cây trên địa bàn tỉnh chưa nhiều. Vẫn còn tình trạng phá vỡ hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm khi giá thị trường biến động lớn, nhưng đơn vị bao tiêu không điều chỉnh giá theo tiệm cận với giá của thị trường.

Trên rau màu, diện tích sản xuất và liên kết tiêu thụ tập trung chủ yếu ở một số xã trên địa bàn huyện Châu Thành, Gò Công Tây, Gò Công Đông. Trong năm 2024, trên địa bàn tỉnh có khoảng 26 HTX liên kết tiêu thụ rau màu. Sản lượng rau màu liên kết tiêu thụ của các HTX trung bình từ 3 - 4 tấn/ngày, với các siêu thị trong và ngoài tỉnh như: Saigon Co.op, Big C, Bách Hóa Xanh, Mega Market, nhà hàng, bếp ăn tập thể... và các chợ đầu mối. Năng suất từ 10 - 40 tấn/ha/vụ tùy từng loại rau màu. Giá thu mua các loại rau được HTX cam kết với giá ổn định, bình quân từ 4.000 - 8000 đồng/kg (tùy loại).

Hiện toàn tỉnh có 6 dự án, kế hoạch liên kết tiêu thụ rau theo Nghị định 98/2018 của Chính phủ được phê duyệt với tổng ngân sách nhà nước hỗ trợ giai đoạn 2020 - 2026 hơn 3 tỷ đồng. Một số HTX rau màu có diện tích liên kết sản xuất - tiêu thụ rau lớn và ổn định với các siêu thị, chợ đầu mối.

Điển hình như HTX SXTM&DVNN sạch Mỹ Phong cung cấp dưa lưới 100 tấn/tháng; HTX Nông nghiệp tổng hợp Hòa Thạnh cung cấp 200 tấn/tháng đối với các loại rau ăn lá, 2 - 3 tấn/ngày đối với dưa hấu; HTX Nông nghiệp TMDV Phú Quới cung cấp 100 tấn/tháng đối với các loại rau ăn lá, rau mùi, củ quả.

Trên lĩnh vực cây ăn trái, diện tích có liên kết sản xuất, tiêu thụ khoảng 8.700 ha với hơn 90 HTX. Hiện nay, các HTX đã thực hiện liên kết tiêu thụ cho các thành viên theo hình thức ký kết hợp đồng với các DN, các đơn vị thu mua, thương nhân trong và ngoài tỉnh.

HTX đứng ra thu mua trực tiếp hoặc làm trung gian giới thiệu cho các đơn vị thu mua trên cơ sở thỏa thuận giá cả, chất lượng, số lượng. Giá bán một số loại trái cây tương đối ổn định. Hiện toàn tỉnh có 11 dự án/kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ trái cây theo Nghị định 98/2018 của Chính phủ được phê duyệt. Tổng ngân sách nhà nước hỗ trợ giai đoạn 2022 - 2027 trên 6,9 tỷ đồng.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Võ Văn Lập, đa số các HTX đều có liên kết đầu ra ổn định, ký kết với các DN, thương nhân. Một số HTX được tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với cây lúa như: Nghị định 35/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa; Nghị định 98/2018 của Chính phủ. Nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào canh tác, kỹ thuật canh tác ngày càng hoàn thiện, từ đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.

TẬP TRUNG HỖ TRỢ

Theo đồng chí Võ Văn Lập, trong thời gian tới, để thúc đẩy chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, các HTX sản xuất lúa cần chủ động xuống giống theo đúng lịch gieo sạ, đảm bảo triển khai đồng bộ phù hợp với điều kiện từng huyện; tránh ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, nhất là các huyện phía Đông.

Nhiều HTX xây dựng được mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hiệu quả.
Nhiều HTX xây dựng được mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hiệu quả.

Một trong những giải pháp quan trọng là thực hiện chuyển đổi cây trồng theo định hướng, quy hoạch của Nhà nước. Đồng thời, sản xuất theo hướng bền vững, chất lượng cao, thay đổi một số giống mới chất lượng theo nhu cầu thị trường.

Các HTX, nông dân luôn tuân thủ đúng và đầy đủ về các nguyên tắc sản xuất sản phẩm nông sản sạch theo cam kết; đầu tư công nghệ sản xuất rau trong nhà kính, sản xuất trái cây đạt chuẩn an toàn (GAP). Các HTX cần đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ chế biến, bảo quản sau thu hoạch để gia tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp.

Bên cạnh đó, các HTX cần tiếp tục tăng cường tìm kiếm các DN, đối tác liên kết đầu ra để thực hiện kết nối tiêu thụ. Đồng thời, hỗ trợ nông dân áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong canh tác để tăng năng suất, đẩy nhanh tiến độ xây dựng mã số vùng trồng cho nông sản nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục đôn đốc hỗ trợ các huyện có đăng ký danh mục dự án/kế hoạch liên kết sản xuất, đẩy nhanh tiến độ thực hiện phê duyệt để tranh thủ chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho các HTX.

T. ĐẠT

 

.
.
.