.
Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang:

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong nông nghiệp

Cập nhật: 17:06, 28/12/2024 (GMT+7)

(ABO) Sáng 28-12, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 ngành NN&PTNT.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Chủ trì hội nghị có Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Trọng; Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Hoàng Nhật Nam; Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trịnh Công Minh. Cùng tham dự có Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, các huyện, thị, thành.

Đồng chí Phạm Văn Trọng phát biểu tại hội nghị.
Đồng chí Phạm Văn Trọng phát biểu tại hội nghị.

Năm 2024, Sở NN&PTNT đã chủ động phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nghiêm túc, chặt chẽ, từ đó đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể, trên cây lúa, nhờ áp dụng giảm chi phí sản xuất, trong khi đó giá lúa tăng nên nông dân thu được lợi nhuận từ khoảng 27 đến 44 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn năm 2023 trung bình 6,6 triệu đồng/ha/vụ. Người trồng rau màu thu được lợi nhuận dao động từ khoảng 74 đến 287 triệu đồng/ha/vụ, tăng so với năm 2023 từ 4,9 đến 11 triệu đồng/ha/vụ.

Đồng chí Trần Hoàng Nhật Nam phát biểu tại hội nghj.
Đồng chí Trần Hoàng Nhật Nam phát biểu tại hội nghị.

Từ đầu năm 2024 đến nay, thị trường tiêu thụ trái cây ngày càng được mở rộng, nhiều loại trái cây chủ lực của tỉnh tiếp tục tham gia vào chuỗi xuất khẩu như sầu riêng, mít, thanh long, xoài, chuối, bưởi... nên nông dân trồng cây ăn trái thu được lợi nhuận cao (từ 104,5 triệu đồng đến khoảng 1,4 tỷ đồng/ha, có một số hộ trồng sầu riêng đạt 1,845 tỷ đồng/ha, cao hơn năm 2023 từ 5,1 đến 99,7 triệu đồng/ha). 

Công tác hướng dẫn đăng ký, kiểm tra, giám sát mã số vùng trồng (MSVT) cây ăn trái xuất khẩu được chú trọng thực hiện theo quy định, số diện tích được cấp MSVT tăng 180/7.917,1 ha so với năm 2023. 

Chăn nuôi gia cầm trang trại chiếm 62% tổng đàn/801 trang trại, trong đó chăn nuôi heo trang trại chiếm 26% tổng đàn/224 trang trại heo (cả hai đều tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023). Đến nay, có 2 doanh nghiệp của tỉnh được cấp mã code xuất khẩu tổ yến sang thị trường Trung Quốc theo Nghị định thư là Công ty TNHH Nông sản Tân Đông và Công ty TNHH TMDV Trí Sơn.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả Miền Nam phát biểu tại hội nghị.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam phát biểu tại hội nghị.
 
Ngành NN&PTNT tỉnh đã triển khai thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản nuôi theo quy định, nên giảm tối thiểu thiệt hại và không để dịch bệnh lây lan diện rộng. 
 
Việc hỗ trợ người dân sản xuất theo tiêu chuẩn GAP được tiếp tục triển khai thực hiện, trong năm 2024, có 13 cơ sở được chứng nhận với diện tích 286,264 ha (sầu riêng, dừa, rau, lúa). Lũy kế, đến nay đã được chứng nhận GAP với 238 giấy chứng nhận/4.936,33 ha lĩnh vực trồng trọt (còn hạn 110 giấy chứng nhận/1.869,66 ha); 32 giấy chứng nhận/835.068 con lĩnh vực chăn nuôi (còn hạn 6 giấy chứng nhận/128.098 con) và 18 giấy chứng nhận/77 ha lĩnh vực nuôi trồng thủy sản (còn hạn 6 giấy chứng nhận/39,28 ha). 
 
Công tác chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được một số kết quả nhất định. Qua tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các quy định liên quan đến hoạt động khai thác trên biển đã giúp ngư dân nâng cao ý thức, hiểu rõ, nắm vững và tự giác chấp hành các quy định về chống khai thác IUU, nhất là việc chấp hành quy định về giám sát hành trình tàu cá hoạt động trên biển. Từ năm 2023 đến nay, tỉnh Tiền Giang không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. 
 
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Văn Trọng đề nghị ngành NN&PTNT tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có quy hoạch ngành NN&PTNT tỉnh; thực hiện Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với thực hiện Nghị quyết 10 về phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng của tỉnh. Khẩn trương thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo chủ trương của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18. 
 
Tăng cường công tác phòng, chống hạn, xâm nhập mặn và thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu; tập trung công tác kiểm tra, xử lý tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và thủy sản.
 
Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới phải quyết liệt, đẩy mạnh, tăng cường phối hợp với các ngành và địa phương đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch, lộ trình đã đề ra. 
 
Chủ trì phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện có hiệu quả Đề án 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ cao, từng bước thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp. 
 
Kịp thời hỗ trợ các địa phương phát triển kinh tế hợp tác, trọng tâm là củng cố, nâng chất và hình thành mới hợp tác xã nông nghiệp, xây dựng hợp tác xã nông nghiệp thật sự năng động, vững mạnh, hoạt động có hiệu quả. Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 07/2019 ngày 12-7-2019 cùa HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Hỗ trợ các địa phương cấp MSVT, mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu ngành hàng trái cây chủ lực của tỉnh.
 
Bên cạnh đó, ngành NN&PTNT tỉnh nghiên cứu, phối hợp với các địa phương xây dựng các điểm trình diễn ứng dụng công nghệ cao, tập trung vào các sản phẩm trái cây có lợi thế của tỉnh, có khả năng nhân rộng, phục vụ xuất khẩu, nâng cao đời sống người dân.
H. THÔNG
 
.
.
.