Nhiều hiệu quả tích cực trong công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2024
(ABO) Chiều 31-12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tham dự tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang có đồng chí Nguyễn Thành Diệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang; cùng đại diện lãnh đạo Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh, Kho bạc Nhà nước Tiền Giang và Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Mỹ Tho.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang. |
Năm 2024, Bộ Tài chính đã hoàn thành 70/71 đề án, nhiệm vụ được giao. Tính cả các đề án đã trình từ những năm trước chuyển sang, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 23 nghị định và 20 dự thảo nghị định đang xem xét ban hành; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 quyết định và 2 dự thảo quyết định đang xem xét ban hành. Đồng thời, Bộ Tài chính đã ban hành 86 thông tư hướng dẫn trong lĩnh vực tài chính - ngân sách nhà nước.
Chính sách tài khóa được điều hành chủ động, mở rộng hợp lý, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm. Các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất trong năm 2024 được thực hiện ước đạt khoảng 197,3 ngàn tỷ đồng. Trong đó, miễn, giảm khoảng 99 ngàn tỷ đồng; gia hạn khoảng 98,3 ngàn tỷ đồng.
Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2024 ước đạt khoảng 2.025,4 ngàn tỷ đồng, bằng 119,1% (tăng 324,4 ngàn tỷ đồng) so dự toán, tăng 15,5% so thực hiện năm 2023 (thu ngân sách trung ương ước đạt 123,7% dự toán, thu ngân sách địa phương ước đạt 114,4% dự toán).
Tổng chi đạt khoảng 1.830,8 ngàn tỷ đồng, bằng 86,4% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 78,1% dự toán Quốc hội quyết định; tỷ lệ giải ngân ước đạt 77,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; chi thường xuyên ước đạt 94,5% dự toán. Cân đối ngân sách trung ương, ngân sách địa phương các cấp được đảm bảo.
Nợ công được quản lý chặt chẽ, thấp hơn ngưỡng cho phép. Đến cuối năm 2024, các chỉ tiêu dư nợ công khoảng 36% - 37% GDP, nợ Chính phủ khoảng 33% - 34% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so thu ngân sách nhà nước khoảng 20% - 21%.
Công tác quản lý, điều hành giá năm 2024 đã bám sát theo đúng kịch bản điều hành, giá cả thị trường cơ bản ổn định, chỉ số CPI bình quân 11 tháng tăng 3,69% so cùng kỳ, lạm phát cơ bản tăng 2,7%; ước cả năm CPI bình quân tăng dưới 4%, thấp hơn mục tiêu (4% - 4,5%).
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, năm 2024, có 96 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với khối lượng 396,7 ngàn tỷ đồng, tăng 33,6% so với năm 2023; khối lượng mua lại trước hạn khoảng 187 ngàn tỷ đồng; có 1.431 mã trái phiếu của 326 tổ chức phát hành đã thực hiện đăng ký giao dịch. Tổng giá trị giao dịch trái phiếu doanh nghiệp đạt 1.026,6 ngàn tỷ đồng, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt khoảng 4.224,8 tỷ đồng/phiên.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị tiếp tục nắm chắc tình hình, phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, góp phần đảm bảo tình hình kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, thúc đẩy lực tăng trưởng; tích cực tăng thu, tiết kiệm chi, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và tập trung vào các dự án lớn mang tính xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái chứ không dàn trải. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách, để thu đủ chi và đảm bảo chi cho các nhiệm vụ quan trọng an ninh - quốc phòng, an ninh tài chính quốc gia…
LÊ MINH