.

Những chính sách kinh tế nổi bật có hiệu lực từ tháng 1/2025

Cập nhật: 14:40, 28/12/2024 (GMT+7)

Từ tháng 1/2025, các chính sách kinh tế sẽ có hiệu lực như: Quy định về kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, giảm thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng, sửa đổi Luật Quản lý thuế 2019...

b
Lực lượng Thanh tra giao thông kiểm tra số lượng hành khách trên xe, tránh nhồi nhét hành khách trên tuyến cố định. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Quy định về kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng

Nghị định số 158/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.

Theo đó, xe ô tô vận chuyển hành khách theo hợp đồng không được đón, trả khách ngoài các địa điểm đã ghi trong hợp đồng. Đơn vị kinh doanh vận tải phải có Giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô và dán phù hiệu "XE HỢP ĐỒNG" trên phương tiện. Hợp đồng vận tải bằng văn bản phải được đàm phán và ký kết trước khi thực hiện vận chuyển, áp dụng cho cả các trường hợp thuê người lái xe. Đặc biệt, đơn vị kinh doanh không được bán vé, thu tiền ngoài hợp đồng hoặc xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách.

Nghị định này nhằm mục tiêu tăng cường quản lý hoạt động vận tải hành khách, đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ pháp luật. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Các chính sách thuế mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2025

- Giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) trong 6 tháng đầu năm

Theo Nghị quyết 174/2024/QH15, Quốc hội quyết định tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ từ mức 10% xuống 8% trong thời gian từ ngày 1/1/2025 đến hết ngày 30/6/2025. Tuy nhiên, một số nhóm ngành như viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, và kinh doanh bất động sản sẽ không được áp dụng chính sách giảm thuế này.

Chính sách này nhằm hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch, đồng thời giúp giảm gánh nặng chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

- Sửa đổi Luật Quản lý thuế 2019

Luật sửa đổi, bổ sung năm 2024 đối với Luật Quản lý thuế 2019 đưa ra nhiều điểm mới nhằm nâng cao trách nhiệm và hiệu quả quản lý thuế; trong đó nêu rõ trách trách nhiệm của người nộp thuế phải khai chính xác, trung thực và đầy đủ hồ sơ thuế, đồng thời chịu trách nhiệm pháp lý với thông tin đã cung cấp. Trong khi đó Luật cũng nhấn mạnh đến việc quản lý thuế đối với thương mại điện tử.

Theo đó, nhà cung cấp nước ngoài có nghĩa vụ đăng ký, khai báo và nộp thuế tại Việt Nam. Các sàn thương mại điện tử phải khấu trừ và nộp thuế thay người bán. Các quy định này giúp tăng cường quản lý thuế trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ.

- Chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử bán tài sản công

Theo khoản 2 Điều 95 Nghị định 151/2017/NĐ-CP sửa đổi, từ ngày 1/1/2025, tất cả giao dịch bán tài sản công phải sử dụng hóa đơn điện tử. Điều này giúp minh bạch hóa các giao dịch và giảm thiểu rủi ro gian lận.

- Danh sách doanh nghiệp lớn do Cục Thuế doanh nghiệp lớn trực tiếp quản lý

Quyết định 2838/QĐ-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 27/11/2024 xác định danh sách 303 doanh nghiệp lớn phân công Cục Thuế doanh nghiệp lớn trực tiếp quản lý từ ngày 1/1/2025, thay thế Quyết định số 1789/QĐ-BTC ngày 30/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành năm 2021. Tổng cục Thuế định kỳ 2 năm thực hiện rà soát, đánh giá hiệu quả công tác quản lý thuế đối với các doanh nghiệp lớn để báo cáo Bộ Tài chính bổ sung, thay thế doanh nghiệp lớn thuộc danh sách phân công Cục Thuế doanh nghiệp lớn trực tiếp quản lý thuế.

- Ngừng miễn thuế GTGT hàng hóa nhập khẩu qua chuyển phát nhanh dưới 1 triệu đồng

Quốc hội quyết định chấm dứt miễn thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với hàng hóa nhập khẩu trị giá dưới 1 triệu đồng qua chuyển phát nhanh từ ngày 14/1/2025. Chính sách này nhằm tăng cường kiểm soát và quản lý nguồn thu từ thương mại quốc tế…

Theo BNEWS (TTXVN)

.
.
.