.

Nông sản Tây Nam Bộ vào vụ Tết

Cập nhật: 09:53, 31/12/2024 (GMT+7)

Tây Nam Bộ được mệnh danh là “vương quốc trái cây”, chiếm 70% sản lượng cây ăn quả cả nước, trong đó có nhiều loại trái ngon, đặc sản có lợi thế cạnh tranh, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng như: vú sữa Lò Rèn, xoài cát Hòa Lộc, bưởi da xanh, sầu riêng, nhãn tiêu, thanh long...

a
Ông Vương Thành Công (xã Tường Đa, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) chăm sóc vườn bưởi chuẩn bị bán Tết.

Những năm qua, cây ăn quả của vùng tăng nhanh về diện tích, năng suất và chất lượng. Cùng với đó, mỗi địa phương chọn một số cây trồng đặc sản, chủ lực để tập trung đầu tư, xây dựng thương hiệu.

Thời điểm này, nhà vườn các tỉnh miền Tây Nam Bộ đang bước vào giai đoạn “nước rút” để chuẩn bị nguồn hàng nông sản chất lượng cao, hình dáng đẹp cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Đa dạng chủng loại

Gần một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán 2025 nhưng gia đình ông Vương Thành Công, ngụ ấp Hòa Thanh, xã Tường Đa, huyện Châu Thành (tỉnh Bến Tre) đã tất bật chăm sóc 1 ha bưởi da xanh đang cho trái cung ứng cho thị trường Tết. Mỗi năm, vườn bưởi của ông thu hoạch bình quân khoảng 20 tấn quả. Bưởi ra trái quanh năm nhưng gia đình ông tập trung xử lý cho ra quả nhiều nhất trong dịp cận Tết để bán được giá cao. Ông Công cho biết: “Hơn chục năm nay, năm nào gia đình tôi cũng tuyển những quả bưởi to, có cành, cuống đẹp để bán dịp cận Tết.

Năm nay, gia đình dự kiến sẽ thu hoạch khoảng 4 tấn bưởi; trong đó, chọn ra một tấn bưởi đẹp để bán phục vụ thị trường Tết, với giá cao hơn thị trường từ 10.000-15.000 đồng/kg”. Cũng ở huyện Châu Thành, gia đình ông Trần Văn Đời cùng con trai đang chăm sóc 0,7 ha bưởi sắp thu hoạch. Ông Đời cho biết: “Vườn bưởi của gia đình tôi một năm thu hoạch khoảng 15 tấn quả. Dịp cận Tết là thu hoạch nhiều nhất vì nhu cầu của thị trường khá lớn. Năm rồi, tôi tuyển khoảng 1 tấn bưởi đẹp, còn nguyên cành, cuống bán cho thương lái cung ứng thị trường Tết, với giá 35.000 đồng/kg, cao hơn thị trường 15.000 đồng/kg”.

Thời điểm này, nhà vườn các tỉnh miền Tây Nam Bộ đang bước vào giai đoạn “nước rút” để chuẩn bị nguồn hàng nông sản chất lượng cao, hình dáng đẹp cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Có thể nói, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, quả dưa hấu thường được người dân lựa chọn để trưng mâm ngũ quả cúng ông bà, tổ tiên. Nắm bắt được nhu cầu đó, người dân vùng Đồng Tháp Mười đã chuyển đổi từ đất lúa sang trồng dưa hấu trưng Tết. Ông Lê Văn Nhân, ấp Bình Đông, xã Bình Hòa Trung, huyện Mộc Hóa (tỉnh Long An), trồng 1 ha dưa hấu, chia sẻ:

“Nhiều bà con nơi đây không còn duy trì trồng dưa hấu bán Tết mà chuyển sang trồng lúa, do đó, sản lượng rất ít. Gia đình đang kỳ vọng dưa hấu bán Tết sẽ trúng mùa, được giá. Thời điểm này, dưa hấu trên thị trường có giá khoảng 8.000 đồng/kg tại ruộng. Dự báo trong dịp Tết, dưa hấu sẽ tăng lên 10.000-11.000 đồng/kg. Người trồng sẽ thu lợi nhuận hơn 60 triệu đồng/ha”.

Những ngày qua, anh Nguyễn Vỹ Khang ở xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang cùng gia đình tích cực chăm sóc, bao trái gần 2 ha mãng cầu xiêm để cung ứng cho thị trường Tết sắp tới. Mãng cầu xiêm cho trái quanh năm, tuy nhiên, gia đình anh tập trung xử lý trái vào dịp Tết bởi thời điểm này, mãng cầu xiêm hút hàng, bán được giá cao hơn những tháng khác trong năm từ 20-25%. Anh Khang cho biết: “Năm nào cũng vậy, cứ đến tháng 6 hằng năm là nông dân tập trung dưỡng cây và đến tháng 8 bắt đầu xử lý cho cây ra hoa, sau đó thụ phấn nhân tạo để hoa đậu trái và đạt chất lượng cao hơn. Xử lý cây cho trái vào dịp Tết có nhiều lợi thế hơn những mùa vụ khác trong năm, bởi người dân bán được trái đẹp, chất lượng tốt, thậm chí bán trái non cho người dân trưng vào dịp Tết”.

Diện tích sản xuất cây ăn quả của tỉnh Tiền Giang khoảng 88.000 ha, trong đó, diện tích cho sản phẩm khoảng 71.000 ha, sản lượng đạt 1,8 triệu tấn/năm. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Trần Hoàng Nhật Nam cho biết: Địa phương đã hình thành vùng trồng tập trung, với các loại cây đặc sản nổi tiếng như:

Xoài cát Hòa Lộc, bưởi long Cổ Cò (Cái Bè), sầu riêng Ngũ Hiệp (Cai Lậy), khóm Tân Lập (Tân Phước), thanh long (Chợ Gạo), vú sữa Lò Rèn (Châu Thành)... Trong đó, nhiều chủng loại có quy mô diện tích lớn như: Sầu riêng 24.500 ha, mít 15.800 ha, khóm 14.600 ha, thanh long 8.500 ha, bưởi hơn 4.100 ha... Hiện nay, sản lượng cây trồng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang bắt đầu tăng do nhiều loại trái cây vào chính vụ thu hoạch và một số loại được xử lý nghịch mùa để phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán sắp tới như thanh long, sầu riêng, xoài, mãng cầu xiêm...

Chú trọng chất lượng

Toàn tỉnh Bến Tre có khoảng 8.000 ha bưởi da xanh cung ứng thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong đó, các huyện có diện tích trồng bưởi da xanh lớn là: Châu Thành, Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc, Chợ Lách… Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre Nguyễn Chánh Bình cho biết: “Để nâng cao năng suất, chất lượng quả bưởi, hằng năm, Trung tâm phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng cây ăn quả cho người dân, nhất là nội dung về trồng, chăm sóc và bảo quản bưởi.

Để chăm sóc tốt quả bưởi bán vào dịp Tết Nguyên đán sắp đến, nhà vườn cần phòng tránh các loại sâu bệnh thường gặp trên các loại cây ăn quả; đồng thời, sử dụng các biện pháp sinh học để phòng trị khi sâu bệnh tấn công quả, nhằm không ảnh hưởng đến chất lượng, mẫu mã quả. Khi thu hái, người dân cần dùng kéo cắt cành quả, không để làm xây xát vỏ, gãy cành, dập quả; vệ sinh quả và để ở nơi sạch sẽ, phân loại và bảo quản nơi khô ráo, kín gió, tránh ánh nắng trực tiếp nhằm giữ được hương vị và chất lượng của bưởi”.

Xã Bình Hòa Trung, huyện Mộc Hóa (Long An) có hơn 70 ha trồng dưa hấu bán Tết, nhiều so với các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Long An. Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Hòa Trung Nguyễn Minh Phúc, người trồng dưa đang kỳ vọng vụ dưa Tết trúng mùa, trúng giá, vì năm nay diện tích trồng dưa hấu Tết của địa phương đã giảm rất nhiều do nông dân chuyển từ đất trồng dưa sang trồng lúa. Để tránh tình trạng thu hoạch tập trung, nhiều bà con xuống giống rải rác và thu hoạch từ 24-28 Tết.

Theo tính toán của người trồng, dưa hấu Tết bán tại ruộng có giá từ 7.000-10.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí đầu tư, nông dân thu lãi từ 40-60 triệu đồng/ha. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết: Nông dân trong tỉnh đang tất bật chăm sóc khoảng 2.000 ha xoài, bưởi, khóm, dưa hấu... để cung ứng dịp Xuân Ất Tỵ 2025, với sản lượng khoảng 20.000 tấn quả. Trong các loại trái cây, dưa hấu có diện tích trồng nhiều nhất với khoảng 1.000 ha, trong đó riêng huyện Mộc Hóa chiếm hơn 600 ha.

Để thúc đẩy ngành hàng cây ăn quả, rau màu phục vụ thị trường Tết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2024-2025, ban hành công văn đề nghị địa phương tăng cường chỉ đạo sản xuất vụ đông xuân 2024-2025.

Trong đó, địa phương tập trung các giải pháp chăm sóc bảo vệ cây trồng để bảo đảm sản lượng trong dịp Tết. Dự kiến sản lượng các loại cây ăn quả phục vụ Tết Nguyên đán 2025 tại Tiền Giang cao hơn năm 2024 khoảng 1.608 tấn (với diện tích 6.626 ha, sản lượng 84.752 tấn, chủ yếu là bưởi 11.772 tấn, thanh long 30.180 tấn, khóm 13.176 tấn, hồng xiêm 8.964 tấn, xoài 5.877 tấn, mận 5.400 tấn, đu đủ 2.900 tấn, mãng cầu xiêm 263 tấn...).

Một số loại cây ăn quả chủ lực của tỉnh cũng được sử dụng trong chế biến bánh kẹo dịp Tết như: Sầu riêng 30.720 tấn, mít 14.064 tấn. Diện tích rau màu phục vụ Tết tại Tiền Giang khoảng 1.400 ha, sản lượng hơn 29.000 tấn, chủ yếu là các loại như: Khổ qua, dưa leo, bầu, bí xanh.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Trần Hoàng Nhật Nam, những năm qua, tỉnh Tiền Giang đã không ngừng đầu tư thực hiện các chương trình, dự án nâng cao chất lượng sản phẩm như quy hoạch vùng trồng tập trung, chuyển giao và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu; các chính sách hỗ trợ sản xuất, quản lý sinh vật gây hại, tăng cường quản lý vật tư nông nghiệp; ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn; liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm..

Ngoài bưởi, nông dân tỉnh Bến Tre còn trồng nhiều loại cây lấy quả và tạo hình đẹp như dừa, quất bán trong dịp Tết. Năm nào, gia đình ông Nguyễn Văn Dị, ngụ xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách cũng xử lý cây quất cho ra quả chín, tạo hình những con thú độc đáo phục vụ nhu cầu thị trường Tết. Đây được xem là sản phẩm “độc, lạ” chỉ có những nghệ nhân tại làng hoa, cây cảnh Chợ Lách sáng tạo ra. Ông Dị cho biết: “Năm nào cũng vậy, vừa ăn Tết xong là tôi phải chuẩn bị cây quất nguyên liệu để chăm sóc, xử lý ra hoa, đậu quả sao cho chín vàng ngay đúng dịp Tết năm sau”. Người trồng dùng khung sắt rồi đưa những cây quất vào uốn, tạo hình làm sao quả lộ ra bên ngoài với hình dáng giống con vật nhất. Ngoài hình 12 con giáp, nghệ nhân tại đây có thể tạo hình nhiều loại như thỏi vàng, cá chép, lân, phụng, cây thông... theo nhu cầu của khách hàng, với giá từ vài triệu đến hơn chục triệu đồng, tùy theo kích thước.

Theo nhandan.vn


 

.
.
.