Tiền Giang: Bàn giải pháp phát triển kinh tế sinh vật cảnh
(ABO) Ngày 27-12, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang phối hợp với Hội Sinh vật cảnh tỉnh tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Giải pháp phát triển kinh tế sinh vật cảnh theo Nghị định 52/2018/NĐ-CP ngày 12-4-2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn”.
Chủ trì buổi tọa đàm có các đồng chí: Võ Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh; Tiến sĩ Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh; Phạm Văn Chính, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh; cùng với sự tham dự của nhiều đại biểu có kinh nghiệm trong lĩnh vực sinh vật cảnh.
Quang cảnh buổi tọa đàm. |
Phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Phạm Văn Chính đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển ngành kinh tế sinh vật cảnh, đặc biệt trong bối cảnh thực hiện Nghị định 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo báo cáo số liệu, cả nước hiện có khoảng 50.000 ha sản xuất hoa cảnh, cây cảnh, cá cảnh, với giá trị sản lượng ước đạt trên 15.000 tỷ đồng/năm, trong đó giá trị xuất khẩu đạt khoảng 80 triệu USD/năm.
Tại Tiền Giang, nhiều vùng trồng hoa tết và các vườn sản xuất hoa lan, cá cảnh và các loại cây kiểng đặc sản đã phát triển mạnh, nhất là các huyện Chợ Gạo, Cai Lậy và TX. Cai Lậy. Tuy nhiên, ngành Sinh vật cảnh vẫn còn đối mặt với một số thách thức, như thiếu quy hoạch vùng nguyên liệu và nhận thức còn hạn chế về vai trò của ngành này trong phát triển kinh tế nông thôn.
Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Chính phát biểu tại buổi tọa đàm. |
Để giải quyết những vấn đề này, tọa đàm đã đưa ra các giải pháp, bao gồm việc đổi mới nhận thức về giá trị của sản phẩm sinh vật cảnh, xây dựng các mô hình sản xuất quy mô lớn và thúc đẩy các chương trình hỗ trợ từ nhà nước, như việc triển khai các chính sách về đất đai, tín dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ.
Mục tiêu chung là phát triển sinh vật cảnh trở thành ngành kinh tế sinh thái, với những sản phẩm đặc hữu có giá trị cao. Đồng thời, nỗ lực xây dựng các mô hình mẫu đạt hiệu quả từ các địa phương có tiềm năng, phát triển các sản phẩm sinh vật cảnh có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
QUANG MINH