Thứ Hai, 02/12/2024, 18:06 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Khảo sát mô hình canh tác lúa chất lượng cao và giảm phát thải

(ABO) Chiều 2-12, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang Trần Hoàng Nhật Nam đến khảo sát mô hình canh tác lúa chất lượng cao và giảm phát thải tại xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.

Hiện các diện tích lúa trong mô hình đang phát triển tốt, giảm lượng phân bón.
Đồng chí Trần Hoàng Nhật Nam khảo sát mô hình canh tác lúa chất lượng cao và giảm phát thải tại xã Phước Trung.

Theo đó, mô hình canh tác lúa chất lượng cao và giảm phát thải được triển khai cho các thành viên của Hợp tác xã Nông nghiệp Phước Trung trong vụ đông xuân 2024 - 2025 với diện tích 20 ha. Nông dân tham gia mô hình áp dụng máy sạ hàng hiệu ứng hàng biên kết hợp vùi phân.

Lượng giống gieo sạ 80 kg/ha. Tham gia mô hình, nông dân sẽ sản xuất lúa theo quy trình ngập khô xen kẽ. Đến thời điểm này, các diện tích lúa trong mô hình đang phát triển tốt, giảm lượng phân bón so với sản xuất lúa theo kiểu truyền thống.

Tham gia canh tác lúa chất lượng cao và giảm phát thải, nông dân sẽ giảm được lượng giống gieo sạ, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật…

Hiện các diện tích lúa trong mô hình đang phát triển tốt, giảm lượng phân bón.
Hiện các diện tích lúa trong mô hình đang phát triển tốt, giảm lượng phân bón.

Sau chuyến khảo sát, đồng chí Trần Hoàng Nhật Nam đã có buổi làm việc với Phòng NN&PTNT huyện Gò Công Tây về triển khai mô hình trên địa bàn và kế hoạch tổ chức Lễ phát động Đề án Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án).

Tại buổi làm việc, đồng chí Trần Hoàng Nhật Nam cho biết, hiện nay, Sở NN&PTNT đã phối hợp với các nhà tài trợ thực hiện 2 mô hình thí điểm canh tác lúa giảm phát thải tại xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông (20 ha) và xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè (20 ha).

Ngành NN&PTNT chọn huyện Gò Công Tây để tiếp tục thực hiện mô hình canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải và kết hợp với tổ chức Lễ phát động Đề án.

Đồng chí Trần Hoàng Nhật Nam cùng các cơ quan chuyên môn của Sở NN&PTNT trao đổi với hợp tác xã và chính quyền địa phương về mô hình canh tác.
Đồng chí Trần Hoàng Nhật Nam cùng các cơ quan chuyên môn của Sở NN&PTNT trao đổi với hợp tác xã và chính quyền địa phương về mô hình canh tác.

Tại buổi làm việc, Sở NN&PTNT và huyện Gò Công Tây đã thống nhất sẽ triển khai mô hình canh tác lúa chất lượng cao và giảm phát thải thấp tại xã Yên Luông với diện tích 20 ha. Thời gian tổ chức Lễ phát động dự kiến diễn ra từ ngày 15 đến ngày 20-12-2024.

Lễ phát động sẽ có sự tham dự của các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương và nông dân… tại 45 xã, thị trấn thuộc 7 đơn vị cấp huyện tham gia Đề án.

Đồng chí Trần Hoàng Nhật Nam làm việc với huyện Gò Công Tây về triển khai mô hình canh tác lúa chất lượng cao và giảm phát thải và tổ chức Lễ phát động Đề án.
Đồng chí Trần Hoàng Nhật Nam làm việc với huyện Gò Công Tây về triển khai mô hình canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải và tổ chức Lễ phát động Đề án.

Theo Sở NN&PTNT, hiện tỉnh có hơn 54.000 ha đất trồng lúa, diện tích gieo trồng lúa hằng năm khoảng 130.000 ha, sản lượng thu hoạch gần 800.000 tấn.  Hiện nay, Tiền Giang đã đăng ký tham gia Đề án với diện tích 29.500 ha, tại 7 địa phương gồm: Các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, Gò Công Đông, Gò Công Tây, TX. Cai Lậy và TP. Gò Công.

Theo đó, tỉnh đã thành lập Tổ đề xuất dự án tham gia Đề án và đã phối hợp với Ban Quản lý các dự án nông nghiệp - Bộ NN&PTNT rà soát, đề xuất danh mục đầu tư “Dự án Hỗ trợ hạ tầng và kỹ thuật cho sản xuất lúa các bon thấp vùng ĐBSCL, vay vốn WB, tỉnh Tiền Giang” trên cơ sở nguồn vốn đã được phân bổ.

Tổng nguồn vốn đề xuất cho toàn Dự án hơn 481 tỷ đồng; trong đó, vốn vay WB hơn 331 tỷ đồng, vốn đối ứng trên 90 tỷ đồng để sử dụng đầu tư xây dựng, phát triển, chuyển giao công nghệ và nguồn vốn khác hơn 59 tỷ đồng.

Dự án thực hiện tại tỉnh gồm 3 hợp phần. Trong đó, hợp phần 1 là phát triển cơ sở hạ tầng cho chuỗi lúa gạo chất lượng cao các bon thấp. Tỉnh Tiền Giang đã đề xuất đầu tư hợp phần này với tổng kinh phí hơn 397 tỷ đồng gồm: Đầu tư hệ thống tưới tiêu để nâng cao hiệu quả quản lý nước và sử dụng nước, gắn với đầu tư 3 hệ thống năng lượng mặt trời tại các trạm bơm điện; cải thiện hệ thống giao thông.

Hợp phần 2 là phát triển và chuyển giao công nghệ, ước tính mức đầu tư hơn 74 tỷ đồng; trong đó, 14,16 tỷ đồng từ vốn đối ứng và 59,645 tỷ đồng từ nguồn vốn khác (doanh nghiệp, vốn hỗ trợ khác). Hợp phần 3 là quản lý dự án với kinh phí hơn 9,9 tỷ đồng.

M. THÀNH

.
.
.