Đến Tiền Giang mua gì về làm quà?
Trong thời gian qua, du khách trong và ngoài nước đến Tiền Giang ngày càng tăng, cùng với đó là nhu cầu mua sắm các loại sản phẩm quà lưu niệm cũng tăng theo. Chính vì vậy, việc phát triển, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm quà lưu niệm, đáp ứng nhu cầu mua sắm ngày càng cao của du khách luôn được các cơ quan, đơn vị đặc biệt quan tâm.
ĐA DẠNG SẢN PHẨM QUÀ LƯU NIỆM
Tiền Giang từ lâu được biết đến là vùng đất với nhiều loại trái cây ngon và những thương hiệu gạo nổi tiếng. Từ những nguyên liệu sẵn có, người dân tỉnh nhà đã chế biến ra nhiều loại sản phẩm được đóng gói, bao bì đẹp mắt như: Xoài cát sấy dẻo, sầu riêng sấy, các loại kẹo từ trái khóm ở huyện Tân Phước, các loại sản phẩm kẹo từ dừa, sản phẩm mứt sơ ri, gạo Nàng hoa 9 (đặc sản huyện Chợ Gạo), gạo VD20 Gò Công (đặc sản gạo Gò Công), các sản phẩm từ mắm của thương hiệu Mắm Bà Hai Diễm, các sản phẩm từ yến của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Trí Sơn…
Du khách tham quan, mua sắm tại khu bán quà lưu niệm - Cảng du thuyền, TP. Mỹ Tho. |
Đó là những sản phẩm quà lưu niệm phục vụ du khách trong và ngoài nước, mang đậm nét đặc trưng của Tiền Giang. Bên cạnh đó, Tiền Giang còn nổi bật với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đặc biệt là các sản phẩm làm từ cây cỏ bàng ở huyện Tân Phước như: Túi xách, giỏ xách, nón…, những sản phẩm này không chỉ bền đẹp mà còn mang đậm bản sắc của Tiền Giang.
Chị Nguyễn Thị Loan, chủ lò kẹo dừa Hồng Loan, xã Thới Sơn, TP. Mỹ Tho cho biết, lò kẹo của chị hoạt động đến nay đã hơn 15 năm, với 5 đến 6 loại sản phẩm từ dừa. Qua nhiều năm kinh nghiệm, các sản phẩm từ lò kẹo dừa của chị được làm bằng thủ công truyền thống luôn được du khách trong và ngoài nước rất ưa chuộng. Khoảng hơn 1 năm nay, lò kẹo của chị cho ra mắt thêm sản phẩm kẹo dừa non. Sản phẩm này đang được du khách rất ưa thích mua để sử dụng trong hành trình du lịch và làm quà tặng cho người thân.
Chủ tịch UBND xã Thới Sơn Nguyễn Thị Phương Thủy cho biết, trong năm 2024, bình quân mỗi ngày có từ 1.400 đến 1.800 du khách trong và ngoài nước đến Thới Sơn tham quan, mua sắm và trải nghiệm. Hiện tại, trên địa bàn xã có khoảng hơn 10 loại sản phẩm quà lưu niệm, bao gồm các sản phẩm từ: Kẹo dừa, vỏ dừa, rượu truyền thống, các sản phẩm từ mật ong… Đặc biệt, thời gian qua, sản phẩm kẹo dừa non và cốm rong biển đang được du khách rất ưa chuộng.
Tại Cảng du thuyền Mỹ Tho, chị Hồ Thị Yến Nhi, quản lý khu bán quà lưu niệm cho biết, sản phẩm nơi đây khá phong phú và đa dạng, ngoài các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, còn có nhiều sản phẩm OCOP nổi tiếng của tỉnh như các sản phẩm từ Trại rắn Đồng Tâm, Sữa dê Đông Nghi, rượu từ Công ty TNHH SX-TM-DV Nông Việt…
Đặc biệt, trong thời gian qua, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ được các nghệ nhân chế tác với phong cảnh làng quê, giá chỉ từ 20.000 - 50.000 đồng, được du khách trong và ngoài nước rất thích thú và mua về làm quà tặng.
Tại Trung tâm Phát triển du lịch tỉnh Tiền Giang, hiện có hàng nhiều mặt hàng quà lưu niệm được bày bán tại đây rất đa dạng về chủng loại như quần áo các loại, túi xách các loại, các loại nón… được vẽ hoa văn là phong cảnh làng quê, sông nước rất bắt mắt.
Chị Nguyễn Thị Ánh Đang, chủ một quầy bán quà lưu niệm tại trung tâm cho biết, quầy của chị chủ yếu bán các mặt hàng từ da (da cá sấu, da trăn, da rắn, da đà điểu…) như: Túi xách, dây thắt lưng, ví nam, ví nữ… và nhiều sản phẩm từ Trại rắn Đồng Tâm như: Rượu rắn, mỡ trăn, Cobratoxan trị bong gân, nhức mỏi…
Giám đốc Trung tâm Phát triển du lịch tỉnh Tiền Giang Nguyễn Vũ Khanh cho biết, hiện tại Trung tâm có 9 quầy bán quà lưu niệm với khoảng 30 sản phẩm từ đồ thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm quần áo, các loại nón, các sản phẩm từ da…, các sản phẩm đều có nguồn gốc rõ ràng. Nhìn chung, trong thời gian qua, khu bán quà lưu niệm đã phục vụ khá tốt nhu cầu mua sắm của du khách khi đến đây tham quan.
ĐƯA SẢN PHẨM OCOP ĐẾN VỚI DU KHÁCH
Có thể thấy, sản phẩm quà lưu niệm mang nét đặc trưng của Tiền Giang khá phong phú và đa dạng, chất lượng tốt, nhất là các sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, có thể thấy, ở những điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, các sản phẩm mang nét đặc trưng của tỉnh, nhất là sản phẩm OCOP vẫn chưa được giới thiệu, bày bán rộng rãi, vì vậy khách du lịch cũng khó tiếp cận được các loại sản phẩm OCOP chất lượng của tỉnh để mua sắm làm quà.
Du khách tham quan mua, mua sắm và thưởng thức tiết mục đờn ca tài tử Nam bộ tại Khu du lịch đờn ca tài tử cốm Làng Quê. |
Vì vậy, để các sản phẩm quà lưu niệm mang nét đặc trưng của Tiền Giang được du khách biết đến rộng rãi, bên cạnh việc xây dựng thương hiệu, thì cần phải quảng bá, xây dựng nhiều điểm bán hàng OCOP ở các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, các tour, tuyến du lịch phải có sự kết nối với các điểm bán hàng OCOP để giúp du khách có thể vừa tham quan, khám phá văn hóa địa phương, vừa mua sắm các sản phẩm quà lưu niệm, quà tặng đặc trưng.
Bên cạnh đó, các sản phẩm quà lưu niệm cần được chú trọng vào chất lượng nguyên liệu, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các sản phẩm ăn uống như: Mứt trái cây, kẹo dừa, kẹo khóm, mắm, rượu…
Giám đốc Trung tâm Phát triển du lịch tỉnh Tiền Giang Nguyễn Vũ Khanh cũng cho biết, trong năm 2025, trung tâm sẽ phối hợp với các đơn vị mở điểm trưng bày và bán các sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh phù hợp với nhu cầu thị hiếu của du khách. Bên cạnh đó, trung tâm sẽ tổ chức đưa các nhân viên đi học tập kinh nghiệm tại các điểm du lịch nổi tiếng ở TP. Hồ Chí Minh, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng bán hàng cho nhân viên các quầy lưu niệm. Từ đó, nâng cao uy tín, chất lượng từ khâu phục vụ đến khâu bán hàng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách trong và ngày nước. |
Ngoài ra, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ cũng cần được làm từ những vật liệu bền đẹp, thân thiện với môi trường. Trong đó, các sản phẩm cần đảm bảo tính độc đáo và sáng tạo, đổi mới về kiểu dáng, mẫu mã để không bị trùng lặp với các sản phẩm của các địa phương khác.
Đồng thời, để đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách du lịch trong và ngoài nước, trong thời gian tới cần tăng cường phát triển các nền tảng bán hàng trực tuyến, các ứng dụng mobile hoặc website thương mại điện tử chuyên về quà lưu niệm của Tiền Giang.
HỮU THÔNG