Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sụt giảm nghiêm trọng
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện nay đang sụt giảm nghiêm trọng với mức giảm 266 USD/tấn so với hồi đỉnh cao. Nguyên nhân vì sao?
Giá gạo xuất khẩu giảm mạnh khiến giá lúa tươi thu mua cũng giảm mạnh theo. Ảnh minh họa |
Theo thông tin cập nhật từ Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương đến hôm qua 15-1, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang giảm sau nhiều năm ở đỉnh cao. Cụ thể, gạo 5% tấm hiện chỉ còn mức 434 USD/tấn, thấp hơn so với gạo Thái Lan (479 USD/tấn) và đạt mức thấp nhất trong 2 năm qua.
Đỉnh cao của giá gạo xuất khẩu Việt Nam là vào tháng 8-2013. Cụ thể, vào ngày 10-8-2023, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt tới 700 USD/tấn, cao nhất kể từ năm 2008 (trong vòng 11 năm).
Như vậy, so với mức giá hiện tại vào tháng 1-2025 là 434 USD/tấn, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm 266 USD/tấn, tương ứng với mức giảm khoảng 38%.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giảm giá này là do Ấn Độ nới lỏng lệnh hạn chế xuất khẩu gạo sau 2 năm tạm đóng cửa, làm tăng nguồn cung trên thị trường quốc tế và tạo áp lực cạnh tranh đối với các nước xuất khẩu khác, bao gồm Việt Nam.
Hiện nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu lớn như Philippines và Indonesia đang chững lại, do các nước này đã tích lũy đủ lượng gạo dự trữ trong năm 2024 và hiện đang chờ giá giảm thêm trước khi tiếp tục mua.
Về tình hình xuất khẩu, năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 9 triệu tấn gạo, thu về 5,75 tỷ USD, tăng 13% về khối lượng và 23% về giá trị so với năm trước.
Tuy nhiên, dự báo năm 2025 cho thấy xuất khẩu gạo của Việt Nam có thể gặp nhiều thách thức do nguồn cung toàn cầu dồi dào và sự cạnh tranh gia tăng từ các nước xuất khẩu khác.
Về giá lúa trong nước, giá lúa tươi tại ruộng ở ĐBSCL đang bước vào vụ thu hoạch Đông Xuân trong tháng 1-2025, loại lúa IR50404 chỉ ở mức 6.100 đồng/kg (tùy chất lượng). Tuy nhiên, các loại gạo đã qua chế biến, đóng gói và bán đến tay người tiêu dùng vẫn ở mức cao: giá bán lẻ tại các siêu thị, đại lý vẫn ở mức 20.000 - 30.000 đồng/kg.
Theo sggp.org.vn