.
HUYỆN TÂN PHÚ ĐÔNG:

Hướng tới vùng nuôi tôm công nghệ cao

Cập nhật: 21:00, 07/01/2025 (GMT+7)

Những năm qua, không những diện tích thả nuôi, mà năng suất, sản lượng thu hoạch tôm nuôi cũng ngày càng tăng, khẳng định tiềm năng, thế mạnh của nghề nuôi thủy sản nói chung và nghề nuôi tôm nói riêng.

Hiện huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang có 5/6 xã đã hình thành được vùng nuôi tôm trong bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích hợp với thổ nhưỡng và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, hiện việc quy hoạch vùng nuôi trên địa bàn huyện vẫn chưa đồng bộ, phong trào nuôi tôm tự phát còn khá phổ biến ở các xã dẫn đến tình trạng quản lý dịch bệnh trên tôm lỏng lẻo, nhất là công tác kiểm soát nguồn tôm giống còn rất hạn chế. Đây là một trong những nguyên nhân chính làm phát sinh mầm bệnh trên tôm trong thời gian qua.

Khách tham quan Dự án mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại Công ty Tuấn Hiền.
Khách tham quan Dự án mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại Công ty Tuấn Hiền.

Do vậy, để nghề nuôi thủy sản thật sự là kinh tế mũi nhọn của huyện Tân Phú Đông, phát triển ổn định và bền vững trong thời gian tới, yêu cầu quan trọng trước nhất là quy hoạch vùng nuôi trên cơ sở các mô hình đã được xác định mang lại hiệu quả kinh tế cao là nuôi tôm công nghệ cao, nuôi tôm trong nhà kính.

Theo đó, ngành Nông nghiệp huyện chủ động phối hợp với các ngành có liên quan tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật phục vụ sản xuất nông - ngư nghiệp nói chung và nghề nuôi thủy sản nói riêng.

Điển hình trong số đó là hiện nay, trên địa bàn xã Phú Tân đang triển khai Dự án trình diễn hệ thống nuôi tôm tiết kiệm năng lượng sử dụng sinh khối tại trại nuôi tôm của Công ty Tuấn Hiền ở ấp Bà Từ. Mục tiêu của dự án là trình diễn mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao với mật độ nuôi 500 con/m3 và nâng tỷ lệ sống đạt 85% nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, thông qua việc sử dụng các thiết bị cảm biến để đo lường chất lượng nước trong ao nuôi và môi trường xung quanh được giám sát, thu thập dữ liệu trên website, giúp người nuôi chủ động theo dõi trực quan, phát hiện nhanh nhiều nguồn tác động xấu, hỗ trợ đánh giá và đề ra giải pháp quản lý phù hợp.

Mục tiêu dự án còn xây dựng tích hợp mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao gắn với hệ thống tạo năng lượng điện xoay vòng từ bùn thải ao nuôi dưới dạng sinh khối và phụ phẩm lá sả, góp phần giải quyết tình trạng cung cấp điện không ổn định và xử lý bùn thải, phụ phẩm nông nghiệp, thông qua ứng dụng túi ủ lên men khí mê tan…

Ngoài ra, các đơn vị liên quan còn xây dựng mô hình hiệu quả giảm phát thải khí nhà kính, giảm lượng phát thải đáng kể CO2 so với hình thức nuôi bán canh và phương pháp truyền thống.

Qua triển khai thực hiên đến nay cho thấy, Dự án trình diễn hệ thống nuôi tôm tiết kiệm năng lượng sử dụng sinh khối tại trại nuôi tôm của Công ty Tuấn Hiền đã phát huy tối đa hiệu quả quy trình nuôi tôm mật độ cao, ứng dụng các công nghệ tiên tiến.

Đây là động lực, cơ hội để nghề nuôi thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng ở huyện phát triển bền vững. Đồng thời, tạo cơ hội phát triển nguồn năng lượng tái tạo của địa phương, góp phần đạt các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính vào năm 2050.

HỮU DƯ

.
.
.