Tạo điều kiện cho vùng ĐBSCL phát triển nhanh, mạnh và bền vững
(ABO) Chiều 3-1, Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức hội nghị lần thứ năm. Hội nghị do Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng chủ trì. Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tuyến, bàn về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2024, kế hoạch hoạt động năm 2025 của Hội đồng.
Dự tại điểm cầu Tiền Giang có đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Năm 2024, tăng trưởng kinh tế cả nước cũng như tăng trưởng trong vùng đang phục hồi tích cực, nhiều chính sách hỗ trợ ban hành đã có tác động rõ nét vào nền kinh tế.
Ngay từ đầu năm, các tỉnh, thành phố trong vùng đã chủ động thực hiện quyết liệt, đồng bộ, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trên các lĩnh vực; qua đó tình hình phát triển kinh tế - xã hội của vùng có nhiều kết quả khả quan.
Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2024 của vùng đạt 7,31%, cao hơn mức tăng bình quân cả nước (cả nước khoảng 7%), đứng thứ 4/6 các vùng kinh tế.
Về giải ngân vốn đầu tư công, đến hết ngày 31-12-2024, giải ngân của cả vùng đạt trên 64.500 tỷ đồng, đạt trên 72%, cao hơn so bình quân chung cả nước (70,24%).
Thu ngân sách toàn vùng ước đạt 116.707 tỷ đồng, tăng 5,4% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.
Xuất khẩu cả vùng đạt 25,7 tỷ USD, tăng 17% so cùng kỳ. Tỷ lệ hộ theo chuẩn nghèo đa chiều giảm còn 4,15%, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước (5,71%). Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 80,7 triệu đồng/năm, tăng 1,8 lần so với năm 2020…
Vùng ĐBSCL đã khẳng định vị thế là trung tâm sản xuất, xuất khẩu lúa - gạo, thủy - hải sản và cây ăn quả hàng đầu của cả nước, góp phần vào bảo đảm an ninh lương thực, mang lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể cho đất nước.
Nhiều dự án, công trình trọng điểm trong vùng được triển khai, xây dựng, tạo thuận lợi cho kết nối nội vùng, liên vùng, các tuyến đường trọng điểm đang được đẩy nhanh tiến độ như: Tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, cao tốc An Hữu - Cao Lãnh.
Công tác an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng chính sách, người có công, đối tượng bảo trợ xã hội tiếp tục được quan tâm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được bảo đảm, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững.
Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh phát biểu tham luận tại hội nghị lần thứ năm. |
Tuy nhiên, kinh tế - xã hội vùng còn nhiều khó khăn hạn chế. Kinh tế của vùng tuy tăng trưởng khá, nhưng quy mô kinh tế vùng còn nhỏ, chỉ chiếm khoảng 12% tỷ trọng của cả nước; 12/13 địa phương trong vùng chưa tự cân đối thu chi ngân sách, mô hình tăng trưởng chưa thực sự bền vững.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về 3 vấn đề nổi lên, đang là thách thức lớn đối với vùng ĐBSCL, đó là: Giao thông; xâm nhập mặn, sạt lở; thiếu nước ngọt. Các địa phương trong vùng cũng bàn về các giải pháp tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030 để đóng góp cho tăng trưởng của cả nước.
Phát biểu tham luận tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, năm 2024, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh đều đạt và vượt, trong đó có nhiều chỉ tiêu đạt cao; qua đó đã đóng góp vào sự phát triển chung của vùng.
Thời gian qua, Tiền Giang đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ mang tính chất vùng và liên vùng mà Thủ tướng và Văn phòng Chính phủ giao, như: Cầu Rạch Miễu 2, cao tốc An Hữu - Cao Lãnh… Bên cạnh đó, Tiền Giang là một trong những địa phương cung cấp cát cho các dự án trọng điểm quốc gia về giao thông vận tải.
Bên cạnh đó, Tiền Giang phối hợp với các địa phương thực hiện các thủ tục để mở rộng cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận và tuyến đường bộ ven biển. Hiện nay, Tiền Giang đang triển khai lập Đề án Xây dựng TP. Mỹ Tho thành Trung tâm tổng hợp, chuyên ngành và hình thành Trung tâm đầu mối ở Tiền Giang gắn với vùng nguyên liệu chính về trái cây, rau màu.
Đối với các giải pháp triển khai hệ thống hồ thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ liên kết sản xuất, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, Tiền Giang là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu, đặc biệt là hạn, mặn (xảy ra năm 2016, 2019 - 2020 và 2024). Do vậy, Tiền Giang thấu hiểu tình trạng hạn, mặn với ĐBSCL.
Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh cho rằng, hiện nay vấn đề xâm nhập mặn đối với vùng ĐBSCL là thách thức cực kỳ lớn. Trữ nước ngọt phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt cho người dân là cực kỳ bức thiết, cần có giải pháp trước mắt và giải pháp lâu dài cho cả vùng trong giai đoạn 2026 - 2030. Trong đó, chú trọng việc quy hoạch đồng bộ hệ thống thủy lợi cho cả vùng, xây dựng hồ trữ nước ngọt, hệ thống thủy lợi ngăn mặn…
Tiền Giang cũng kiến nghị Trung ương đầu tư xây dựng đập trên sông Hàm Luông (tỉnh Bến Tre) nhằm trữ nước ngọt; hạn chế tình trạng xâm nhập mặn lan sang sông Tiền làm ảnh hưởng đến các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến tre và các vườn cây ăn trái.
Thời gian qua, Tiền Giang thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô ở khu vực phía Đông, kiến nghị Trung ương đầu tư xây dựng các hồ trữ nước phục vụ sản xuất và dân sinh đảm bảo an ninh nguồn nước cho vùng phía Đông của tỉnh.
Quang cảnh tại điểm cầu Tiền Giang. |
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Thành Long biểu dương một số địa phương có tỷ lệ giải ngân cao, như: Bến Tre (đạt gần 85,97%), Tiền Giang (85,8%), Đồng Tháp (82,27%), Long An (82,8%), An Giang (81,08%)...
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Thành Long ghi nhận và biểu dương tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực của các đồng chí thành viên Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL, đã góp phần quan trọng, thiết thực vào các thành tựu phát triển của vùng.
Định hướng phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh, bối cảnh vùng ĐBSCL đang phải đối mặt với hiện tượng biến đổi khí hậu đang tác động sâu sắc đến an ninh nguồn nước tại vùng. Năm 2025, bên cạnh triển khai các công tác theo chức năng, nhiệm vụ và kế hoạch đề ra, chúng ta phải tập trung thực hiện đồng thời 3 nhiệm vụ, đó là: Tập trung phấn đấu tăng trưởng cao; tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng; sắp xếp tổ chức bộ máy.
Với những nhiệm vụ, các đề án của Hội đồng vùng chưa được hoàn thành, phải cố gắng tổ chức thực hiện, đẩy nhanh tiến độ; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; nghiên cứu đề xuất các giải pháp về cơ chế, chính sách cho vùng về an ninh nguồn nước.
Các địa phương tập trung các giải pháp triển khai các quy hoạch đã được phê duyệt như: Quy hoạch vùng, tài nguyên nước quốc gia… Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các đề án về nông nghiệp, phát triển vùng nguyên liệu. Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát các dự án quan trọng của vùng để ưu tiên nguồn vốn thực hiện sớm… tạo điều kiện cho vùng ĐBSCL phát triển nhanh, mạnh và bền vững.
Phó Thủ tướng lưu ý, cần nghiên cứu, lựa chọn các dự án quan trọng, cấp bách theo nghị quyết của Bộ Chính trị và quy hoạch vùng để ưu tiên nguồn vốn bố trí trong kế hoạch trung hạn 2026 - 2030; trong đó, dành nguồn vốn phù hợp làm công tác chuẩn bị đầu tư trong năm 2025, để triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công 2026 - 2030.
HÀ NAM
.