Triển vọng từ mô hình trồng sả xen cây mai vàng ở huyện Tân Phú Đông
(ABO) Trong quá trình chọn lựa các giống cây trồng thích hợp với thổ nhưỡng vùng đất cù lao, nông dân huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang đã ưu tiên mở rộng diện tích trồng sả. Ngoài việc trồng chuyên canh, gần đây, nhiều nông dân trên địa bàn còn áp dụng mô hình trồng sả xen canh với cây trồng khác, trong đó có cây mai vàng.
Ông Núi bên mô hình trồng sả xen cây mai vàng của gia đình. |
Tiên phong trong thực hiện mô hình trồng sả xen canh với cây mai vàng ở huyện Tân Phú Đông có thể kể đến ông Huỳnh Văn Núi (ấp Bãi Bùn, xã Phú Thạnh) với diện tích canh tác khoảng 0,5 ha. Trước đây, gia đình ông Núi trồng sả, sau đó trồng xen cây mai vàng trên các liếp sả. Đến nay, ông Núi đã có vườn mai phát triển xanh tốt trong các ruộng sả.
Cây mai nào lớn, đủ tuổi thì ông bán ra thị trường, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán hằng năm. Sau đó, ông Núi tiếp tục trồng lại các cây mai nhỏ vào gốc vừa bứng. Nhờ vậy, vườn mai nhà ông lúc nào cũng sum sê, rậm rạp.
Cũng như ông Núi, gần đây, ông Nguyễn Văn Hùng (ấp Giồng Keo, xã Phú Thạnh) cũng thực hiện mô hình trồng sả xen cây mai vàng. Trên diện tích canh tác khoảng 1 ha sả, ông Hùng đã trồng xen khoảng 1.000 cây mai vàng.
Đến nay, nhiều cây mai trong vườn đã đủ tuổi, có thể bán ra thị trường. Ông Hùng cho biết, gia đình ông vừa bán 2 cây mai vàng trị giá trên 10 triệu đồng trong dịp Tết Nguyên đán 2025.
Có thể nhận thấy, mô hình trồng sả xen cây mai vàng là mô hình lấy ngắn nuôi dài, thích hợp với môi trường thổ nhưỡng vùng đất cù lao, đạt hiệu quả kinh tế, cần phát huy nhân rộng.
HỮU DƯ - ANH THƯ