Thứ Hai, 24/02/2025, 15:05 (GMT+7)
.

Định hình lại thương hiệu gạo Việt

Từ vị trí dẫn đầu thế giới, kể từ đầu năm 2025, giá gạo Việt Nam đã lao dốc xuống mức thấp nhất, trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu tăng mạnh. Diễn biến này phản ánh rõ sức cạnh tranh yếu của gạo Việt và sự bấp bênh của thị trường.

a
Thu hoạch lúa chất lượng cao tại tỉnh Hậu Giang. Ảnh: CAO PHONG

Xuất khẩu giảm, giá lao dốc Giá gạo Việt Nam đã giảm liên tục kể từ tháng 10-2024 và đến thời điểm hiện tại, giá xuất khẩu luôn ở mức dưới 400 USD/tấn (thấp nhất trong 4 quốc gia xuất khẩu gạo). Nguyên nhân chủ yếu là do Ấn Độ mở cửa xuất khẩu gạo trở lại (với nguồn gạo lớn và giá rẻ), trong khi một số thị trường nhập khẩu như Indonesia, Philippines đã nhập đủ lượng gạo dự trữ trong năm 2024. Trung Quốc là khách hàng lớn của gạo Việt Nam nhưng gần đây lại gia tăng nhập khẩu từ Thái Lan và Campuchia do chính sách ưu đãi thương mại, khiến lượng gạo Việt Nam xuất sang thị trường này giảm mạnh.

Theo một doanh nghiệp xuất khẩu gạo, hiện sức cạnh tranh của gạo Việt suy giảm mạnh. Việc giá thành sản xuất cao do chi phí nhân công, vật tư nông nghiệp và logistics tăng mạnh những năm gần đây, khiến gạo Việt không cạnh tranh được với gạo Ấn Độ, Thái Lan. Đại diện Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho rằng, nhiều năm qua, Việt Nam có xu hướng tập trung xuất khẩu gạo chất lượng cao, trong khi Ấn Độ có thể xuất khẩu cả gạo giá rẻ và gạo cao cấp với số lượng lớn, tạo áp lực cạnh tranh với gạo Việt Nam.

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy nhận định, mặc dù sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam luôn đạt con số ấn tượng (trung bình từ 7-8 triệu tấn mỗi năm) nhưng giá trị gia tăng của gạo Việt còn rất hạn chế. Nguyên nhân là gạo Việt vẫn chủ yếu xuất thô và thiếu một thương hiệu mạnh là rào cản lớn trong hoạt động xuất khẩu; chưa đủ sức cạnh tranh với gạo Thái Lan và gạo Ấn Độ. Đến nay, Thái Lan đã xây dựng được những dòng gạo cao cấp và có danh tiếng như hom mali; còn Ấn Độ có gạo basmati nổi tiếng toàn cầu.

Cùng với đó, Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào những thị trường dễ biến động như: Trung Quốc, Philippines, Indonesia và châu Phi. Đây là những thị trường có chính sách nhập khẩu dễ thay đổi theo tình hình kinh tế hoặc chính trị. Khi Trung Quốc giảm nhập khẩu, hoặc Philippines điều chỉnh thuế nhập khẩu, giá gạo Việt Nam lập tức bị ảnh hưởng mạnh. Trong khi Thái Lan và Ấn Độ có thị trường rộng hơn, bao gồm cả Mỹ, châu Âu và Trung Đông... nên ít bị ảnh hưởng khi một thị trường gặp biến động.

a
Thu hoạch lúa ở Tiền Giang

Thêm điểm yếu nữa ảnh hưởng đến giá bán và sức cạnh tranh của gạo Việt trên thị trường xuất khẩu là Việt Nam vẫn đang thiếu sự chủ động trong điều tiết cung cầu. TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn, cho biết, các nước xuất khẩu gạo lớn có chính sách điều tiết xuất khẩu linh hoạt hơn. Khi giá thế giới giảm, họ có thể giữ lại một phần nguồn cung để tránh bán tháo, hoặc tập trung vào những phân khúc cao cấp để duy trì giá trị. Trong khi đó, Việt Nam chưa có chiến lược dự trữ hợp lý, khiến giá dễ bị thao túng khi thị trường biến động.

TS Cao Đức Phát, Chủ tịch HĐQT Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI), chia sẻ: Giá trị gia tăng của gạo không thể nằm ở sản phẩm thô, mà nằm ở các sản phẩm chế biến. Cải thiện hạ tầng logistics, nâng cấp hệ thống kho bãi, cảng biển và phương tiện vận chuyển để giảm chi phí và thời gian giao hàng cũng sẽ là lợi thế để gạo Việt Nam cạnh tranh ở thị trường xuất khẩu.

Tập trung xây dựng và phát triển thương hiệu

Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ ngành lúa gạo, nhưng phần lớn vẫn tập trung vào sản lượng hơn là nâng cao giá trị. Nông dân vẫn bị phụ thuộc vào thương lái và doanh nghiệp xuất khẩu, không có tiếng nói mạnh trong chuỗi cung ứng. Để nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế, các chuyên gia lúa gạo cho rằng, cần triển khai một loạt giải pháp đồng bộ và chiến lược. Mục tiêu then chốt là phải xây dựng và phát triển được thương hiệu gạo Việt Nam. Để có thương hiệu, đòi hỏi phải phát triển giống lúa đặc sản (có chất lượng cao, hương thơm đặc trưng và giá trị dinh dưỡng vượt trội) tạo ra sự khác biệt và thu hút người tiêu dùng quốc tế. Song song đó, tiến hành đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu chính, đảm bảo quyền lợi và uy tín cho sản phẩm; chú trọng an toàn thực phẩm. Đây là những yếu tố quyết định để chinh phục thị trường quốc tế.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, để cạnh tranh hiệu quả trên thị trường quốc tế, Việt Nam cần đầu tư vào công nghệ chế biến sâu, xây dựng thương hiệu và đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cao cho sản phẩm. Việc áp dụng quy trình, kỹ thuật sản xuất tiên tiến và đạt được các chứng nhận an toàn thực phẩm, chất lượng như GlobalGAP, HACCP... giúp tăng niềm tin của người tiêu dùng và mở rộng thị trường xuất khẩu. Trong khi đó, theo lãnh đạo Bộ Công thương, cùng với xây dựng thương hiệu lúa gạo, cần đầu tư cho xúc tiến thương mại và quảng bá để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Theo sggp.org.vn
 

 

.
.
.