.

Giá gạo xuất khẩu giảm mạnh: Cần đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng thị trường

Cập nhật: 21:32, 18/02/2025 (GMT+7)

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng giải pháp để thoát khỏi tình trạng giá gạo giảm là phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Sản phẩm gạo xuất khẩu của Công ty TNHH gạo Vinh Phát (An Giang). Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN
Sản phẩm gạo xuất khẩu của Công ty TNHH gạo Vinh Phát (An Giang). Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Để duy trì vị thế trên thị trường quốc tế trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, ngành gạo Việt Nam cần tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết.

Tại sao giá gạo xuất khẩu giảm mạnh?
 
Từ đầu năm 2025, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục giảm và hiện đã xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2022. Đặc biệt, trong 10 ngày đầu tháng 2/2025, giá gạo xuất khẩu tiếp tục giảm mạnh khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gặp không khỏi lo lắng.
 
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến ngày 17/2, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang duy trì ở mức dưới 400 USD/tấn. Cụ thể, gạo xuất khẩu 5% tấm đang được chào bán với giá 395 USD/tấn; gạo 25% tấm đang chào bán với giá 372 USD/tấn; gạo 100% tấm đang được chào bán với giá 310 USD/tấn.
 
Hiện nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang thấp nhất trong nhóm 4 nước xuất khẩu hàng đầu gồm: Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam và Pakistan.
 
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá gạo Việt Nam giảm mạnh trong thời gian qua. Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng giảm giá gạo là do Ấn Độ sau hai năm hạn chế xuất khẩu đã nới lỏng lệnh cấm và quay trở lại thị trường tạo sức ép giảm giá trên toàn cầu.
 
Thêm vào đó, nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn như Philippines, Indonesia đều suy giảm do trước đó đã nhập khẩu một lượng lớn gạo để đảm bảo an ninh lương thực năm 2024 và hiện đang chờ giá giảm thêm trước khi tiếp tục mua. Đặc biệt, Philippines là thị trường chiếm hơn 46% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đang kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu nhằm hỗ trợ sản xuất trong nước, khiến lượng đơn hàng từ thị trường này giảm mạnh.
 
Việc giá gạo xuất khẩu giảm càng trở nên đáng lo ngại khi Việt Nam sắp bước vào vụ thu hoạch Đông Xuân - vụ mùa lớn nhất trong năm. Với điều kiện thời tiết thuận lợi, sản lượng dự báo sẽ rất dồi dào, nhưng nhu cầu từ các nhà nhập khẩu lại yếu khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại giá gạo sẽ tiếp tục giảm.
 
Đẩy mạnh xuất khẩu vào các tháng có lượng thu hoạch lớn
 
Theo báo cáo cân đối cung cầu lúa gạo hàng hóa phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo năm 2025 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi Bộ Công Thương, ước sản xuất cả năm vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 3,778 triệu ha, năng suất bình quân ước 63,4 tạ/ha; sản lượng ước đạt 23,965 triệu tấn. Trong đó, tiêu thụ nội địa và sử dụng làm giống, thức ăn chăn nuôi... là khoảng 8,9 triệu tấn. Lúa hàng hóa ước khoảng 15,085 triệu tấn, tương đương 7,542 triệu tấn gạo hàng hóa phục vụ cho xuất khẩu.
Dây chuyền đóng bao gạo xuất khẩu tại tỉnh An Giang. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Dây chuyền đóng bao gạo xuất khẩu tại tỉnh An Giang. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Bộ Công Thương tập trung đẩy mạnh xuất khẩu gạo vào các tháng có sản lượng thu hoạch lớn là tháng 2, 3, 4, 7, 8 và tháng 9 trong năm 2025 để ứng phó với diến biến thị trường.

Theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cần có cơ chế quản lý hệ thống thương lái thu mua lúa theo hướng chuyên nghiệp, có đăng ký kinh doanh, thương lái ký hợp đồng với nông dân sản xuất trên cơ sở hợp đồng ký với doanh nghiệp xuất khẩu về chủng loại giống, chất lượng lúa và các thương lái được hưởng các chính sách hỗ trợ như doanh nghiệp.
 
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề xuất Bộ Công Thương tăng cường xúc tiến thương mại để mở rộng các thị trường xuất khẩu gạo nhằm đảm bảo xuất khẩu hết lượng gạo hàng hóa đồng thời đảm bảo lợi ích hài hòa giữa người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết diện tích gieo cấy lúa năm 2025 cả nước ước đạt 7 triệu ha, giảm 132.000 ha. Năng suất bình quân ước đạt 61,6 tạ/ha, tăng 0,7 tạ/ha so với cùng kỳ năm 2024. Sản lượng ước đạt 43,143 triệu tấn, giảm 323.000 tấn so với cùng kỳ năm 2024.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định rằng giá gạo đã “chạm đáy” và có thể sớm phục hồi khi các nhà nhập khẩu quay trở lại thị trường. Dự kiến, Philippines, Indonesia và Malaysia sẽ sớm ký kết thêm các hợp đồng nhập khẩu gạo trong thời gian tới, giúp giá gạo xuất khẩu tăng trở lại. Với thị trường Philippines, Indonesia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với các doanh nghiệp xúc tiến để giữ khối lượng xuất khẩu gạo ổn định và giá phù hợp theo từng thời điểm.

Về dài hạn, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng giải pháp để thoát khỏi tình trạng giá gạo giảm là phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường cho xuất khẩu gạo.
 
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, hiện nay, gạo Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Philippines, Indonesia và Trung Quốc, nhưng để phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần mở rộng sang EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông - những thị trường có nhu cầu cao về gạo chất lượng. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phát triển các giống lúa chịu hạn, chịu mặn để ứng phó với biến đổi khí hậu, giúp đảm bảo sản lượng ổn định trong tương lai. Việc đa dạng hóa sản phẩm và thị trường là yếu tố sống còn để phát triển bền vững.
 
(Theo https://www.vietnamplus.vn/gia-gao-xuat-khau-giam-manh-can-da-dang-hoa-san-pham-va-mo-rong-thi-truong-post1012950.vnp)

 

.
.
.