Thứ Hai, 17/02/2025, 16:26 (GMT+7)
.

Khai thác lợi thế, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển

Huyện Gò Công Đông với lợi thế ven biển và hệ thống sông ngòi phong phú, đang từng bước khẳng định vai trò là vùng kinh tế động lực của tỉnh Tiền Giang.

Tận dụng điều kiện tự nhiên thuận lợi, huyện Gò Công Đông tập trung phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững, đẩy mạnh nuôi trồng và khai thác thủy hải sản gắn với chế biến xuất khẩu. Đồng thời, địa phương chú trọng đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, thúc đẩy du lịch sinh thái biển và thu hút các dự án quy mô lớn, tạo động lực phát triển toàn diện.

LỢI THẾ TỪ ĐÂU?

Là huyện ven biển của tỉnh Tiền Giang, huyện Gò Công Đông có điều kiện tự nhiên thuận lợi với hai cửa sông lớn Soài Rạp và Cửa Tiểu thông ra Biển Đông, tuyến đê dài 21,2 km bảo vệ, giao thông đường thủy và đường bộ kết nối thuận tiện. Ứng dụng tối đa những lợi thế này, huyện đang tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế biển, thúc đẩy giao thương hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tàu cá tại huyện Gò Công Đông sẵn sàng ra khơi, góp phần phát triển ngành Thủy sản địa phương.
Tàu cá tại huyện Gò Công Đông sẵn sàng ra khơi, góp phần phát triển ngành Thủy sản địa phương.

Xác định kinh tế huyện Gò Công Đông phát triển theo hướng nông ngư nghiệp - công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ, trong đó nông ngư nghiệp̣ đóng vai trò chủ lực. Để khai thác tốt tiềm năng và thế mạnh này, thời gian qua, huyện đã triển khai khai thác đồng bộ hai lợi thế đặc thù là nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản gắn với phát triển công nghiệp chế biến xuất khẩu. 

Trong đó, chú trọng chuyển từ nuôi trồng, khai thác hải sản theo phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Từ đó, thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản bền vững, tăng cường bảo vệ, tái sinh nguồn lợi hải sản.

"Phát huy tiềm năng lợi thế sẵn có, Gò Công Đông là huyện ven biển hiện có trên 2.000 ha đất bãi bồi ven sông, ven biển, hơn 5.000 ha mặt nước sâu và không gian biển tương đối lớn. Đây là điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế biển ở địa phương như: Phát triển du lịch sinh thái biển, đô thị biển, năng lượng biển và cảng biển. 

Tập trung cả hệ thống chính trị, đặc biệt là phối hợp với các ngành Công an, Quân sự, Biên phòng đóng trên địa bàn huyện đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân yên tâm lao động sản xuất, kinh doanh và tạo môi trường tốt mời gọi các nhà đầu tư vào địa bàn huyện”.

PHÓ BÍ THƯ HUYỆN ỦY, CHỦ TỊCH UBND HUYỆN GÒ CÔNG ĐÔNG LÊ VĂN SƠN

Trên địa bàn huyện Gò Công Đông hiện có 704 phương tiện khai thác, đánh bắt thủy sản với 4.905 lao động trên biển, trong đó có 520 phương tiện kích thướt dài từ 15 m trở lên. Các cơ quan, ban, ngành huyện phối hợp tổ chức vận động các chủ phương tiện đánh bắt thủy sản xa bờ thành lập 32 Tổ hợp tác khai thác thủy hải sản nhằm bảo vệ, hỗ trợ nhau trong quá trình khai thác thủy sản ngoài khơi.

Về hậu cần nghề cá, toàn huyện có trên 35 cơ sở, 3 doanh nghiệp đóng, sửa tàu thuyền nằm rải rác trên các xã ven biển, 7 doanh nghiệp chế biến thủy sản và trên 30 cơ sở cá thể chế biến thủy sản phục vụ tốt nhu cầu đánh bắt thủy hải sản của huyện.

Bên cạnh đó, huyện duy trì và phát triển vùng nuôi nghêu 2.200 ha tại xã Tân Thành, với sản lượng khai thác bình quân 20.000 tấn/năm. Nghêu Gò Công có chất lượng cao, hướng đến chứng nhận MSC để xuất khẩu sang các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản...

VÀ PHÁT HUY THẾ NÀO?

Đi đôi với phát triển kinh tế biển dựa trên hai lợi thế đặc thù là nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản, thời gian qua, huyện Gò Công Đông tập trung kêu gọi đầu tư, thu hút phát triển ngành công nghiệp có lợi thế như cảng biển, công nghiệp chế biến, cơ khí…; khuyến khích phát triển các ngành, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp; tập trung đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Soài Rạp và 2 Cụm công nghiệp Gia Thuận 1 và Gia Thuận 2.

Bờ biển huyện Gò Công Đông với cảnh quan thiên nhiên đẹp mắt, thu hút du khách tham quan, khám phá.                                                                Ảnh: MINH THÀNH
Bờ biển huyện Gò Công Đông với cảnh quan thiên nhiên đẹp mắt, thu hút du khách tham quan, khám phá. Ảnh: MINH THÀNH

Hiện tại, Cụm công nghiệp Gia Thuận 1 đã tiếp nhận 5 nhà đầu tư thứ cấp, đạt tỷ lệ lấp đầy 54,53% (21,975 ha/40,3 ha đất công nghiệp) với các doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực như: Chế biến, may giày, bê tông... diện tích còn lại đang tiếp tục kêu gọi đầu tư. Ngoài ra, Cụm công nghiệp Gia Thuận 2, chủ đầu tư đang triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật, dự kiến mời gọi tiếp nhận nhà đầu tư thứ cấp vào năm 2025.

Nhiều dự án đã được UBND tỉnh Tiền Giang cấp Giấy chấp thuận nhà đầu tư, thống nhất chủ trương nghiên cứu dự án như: Dự án Nhà máy Hydro xanh Tiền Giang; Dự án Cảng tổng hợp Gò Công; Dự án Điện gió Tân Thành; Dự án Khu đô thị thông minh Tân Điền… 

Bên cạnh đó, huyện Gò Công Đông cũng tập trung nhiều giải pháp trong việc khai thác tiềm năng thế mạnh của vùng biển, các di tích văn hóa lịch sử để phát triển du lịch. Ngoài điểm du lịch biển tại xã Tân Thành, trên địa bàn huyện còn có các địa điểm du lịch sinh thái ở các xã Tân Điền, Kiểng Phước, Phước Trung; Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định (xã Gia Thuận), Lăng ông Nam Hải (thị trấn Vàm Láng), đình Tân Đông, Điểm du lịch vườn táo Sáu Hồi (xã Tân Thành), Điểm du lịch Trương Gia Phủ (xã Bình Nghị) thu hút đông du khác đến tham quan vui chơi, giải trí vào dịp lễ, tết, ngày nghỉ cuối tuần…

Huyện Gò Công Đông tập trung thu hút phát triển công nghiệp.  Ảnh: MINH THÀNH
Huyện Gò Công Đông tập trung thu hút phát triển công nghiệp. Ảnh: MINH THÀNH

Địa phương sẽ tập trung chủ trương hướng ra biển của trung ương và của tỉnh để cụ thể hóa mục tiêu đến năm 2030 phát triển thành công và đột phá các ngành kinh tế biển, phát triển du lịch và dịch vụ biển. Trong đó, huyện sẽ hiện đại hóa công tác quản lý nghề cá trên biển, đẩy mạnh liên kết sản xuất theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã, xây dựng một số doanh nghiệp mạnh tham gia khai thác thủy sản xa bờ.

Theo UBND huyện Gò Công Đông, một trong những giải pháp quan trọng là ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong nuôi trồng, khai thác, bảo quản chến biến thủy hải sản, tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. 

Bước đầu là hình thành vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tại các xã: Phước Trung, Kiểng Phước, Tân Thành để nhân rộng ra các khu vực ven biển khác, phát triển vùng nuôi nghêu theo hình thức quản lý cộng đồng bền vững.

Đồng thời, trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung thu hút phát triển ngành công nghiệp có lợi thế như: Cảng biển, logistic, công nghiệp chế biến, cơ khí, tập trung đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Soài Rạp, Cụm công nghiệp Gia Thuận 2. 

Huyện sẽ tập trung phát triển đồng bộ từng bước hình thành khu công nghiệp, khu kinh tế, khu đô thị sinh thái ven biển. Trên lĩnh vực du lịch, huyện sẽ tập trung kêu gọi đầu tư phát triển Khu du lịch biển Tân Thành, Khu du lịch Hàng Dương và khôi phục rừng ngập mặn và phát triển sản phẩm du lịch tiêu biểu…

Huyện Gò Công Đông xác định kinh tế biển là hướng phát triển chủ đạo, với trọng tâm hoàn thiện hạ tầng đồng bộ phục vụ kinh tế - xã hội. Địa phương cam kết đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi trong đầu tư. 

Hiện nay, hạ tầng kết nối, kỹ thuật phục vụ các cụm công nghiệp phía Đông đã được quy hoạch và đầu tư, đáp ứng nhu cầu phát triển. Đây là nền tảng quan trọng để Gò Công Đông thu hút đầu tư, phát triển bền vững, hướng tới trở thành vùng kinh tế động lực của tỉnh Tiền Giang.

Q. TOÀN - T. LÝ

.
.
.