.

Tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực nông nghiệp

Cập nhật: 13:55, 21/02/2025 (GMT+7)

Trong năm 2024, công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực nông nghiệp tại tỉnh Tiền Giang tiếp tục được đẩy mạnh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) tỉnh Tiền Giang đã phối hợp với các ngành chức năng thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ quyền lợi người sản xuất và người tiêu dùng.

ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN

Nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp về tác hại của buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức 35 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật với hơn 2.802 lượt người tham dự. 

Thanh tra ngành Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang phối hợp các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, quản lý các cơ sở  sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Thanh tra ngành Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang phối hợp các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Nội dung thông tin, tuyên truyền phổ biến văn bản pháp luật lĩnh vực nông nghiệp như: Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản; chăn nuôi và thú y, trồng trọt và bảo vệ thực vật, thủy sản...; khuyến cáo các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp và người dân thực hiện đầy đủ quyền lợi và trách nhiệm có liên quan đến việc bảo đảm chất lượng vật tư nông nghiệp; nâng cao nhận thức về việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng vật tư nông nghiệp đúng quy định pháp luật.

Công tác tuyên truyền luôn được quan tâm thực hiện, với những hình thức phù hợp như hội nghị, tập huấn, hội thảo, tọa đàm, trực tiếp thông qua công tác thanh tra, kiểm tra. Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đem lại hiệu quả cao trong quá trình sản xuất nông nghiệp, tạo ra sản phẩm sạch, góp phần bảo vệ sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng. 

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thị trường vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định; quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và nhà sản xuất, kinh doanh hợp pháp được quan tâm, bảo vệ; hoạt động sản xuất nông nghiệp không ngừng tăng trưởng…

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, tình trạng vi phạm trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn xảy ra. Trong năm 2024, Thanh tra ngành Nông nghiệp tỉnh đã thực hiện 17 cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát với 409 vụ theo kế hoạch, 53 vụ đột xuất trong hoạt động kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thủy sản, thức ăn chăn nuôi; vận chuyển, giết mổ kinh doanh động vật, sản phẩm động vật; chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, khai thác thủy sản… thuộc phạm vi quản lý của ngành Nông nghiệp. Qua đó, xử lý vi phạm hành chính 82 trường hợp, thu phạt nộp ngân sách nhà nước số tiền 920,81 triệu đồng.

Các hành vi vi phạm chủ yếu bao gồm: Hàng hóa không đảm bảo chất lượng, không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật (37 trường hợp). Hàng hóa vi phạm về giá trị sử dụng, công dụng (17 trường hợp); không đảm bảo điều kiện kinh doanh, thiếu chứng chỉ hành nghề (9 trường hợp). Giết mổ, kinh doanh động vật không đảm bảo điều kiện (3 trường hợp). Khai thác thủy sản trái phép (12 trường hợp) và các vi phạm khác (5 trường hợp).

Những con số trên cho thấy, tình trạng vi phạm trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là các thủ đoạn gian lận ngày càng tinh vi, gây khó khăn cho công tác quản lý và xử lý vi phạm. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều thủ đoạn gian lận thương mại mới, bao gồm: Chia nhỏ hàng hóa để kinh doanh tại nhiều địa điểm khác nhau, không tập trung về một kho bãi nhất định nhằm tránh bị kiểm tra. Chứa hàng hóa trong kho kín, không bảng hiệu, không đăng ký kinh doanh, gây khó khăn cho công tác phát hiện vi phạm.

Một số công ty, doanh nghiệp hoạt động cung cấp vật tư nông nghiệp thường xuyên tổ chức hội thảo đầu bờ, nhóm nhỏ với nông dân và sau đó cho nhân viên trực tiếp xuống tận vườn, trang trại, ao cá… tiếp thị bán hàng. Một số tổ chức, cá nhân không có địa chỉ cụ thể, gây khó khăn khi xảy ra sự cố.

Hoạt động kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử như Facebook, Zalo, YouTube, TikTok… ngày càng phổ biến, đặc biệt qua hình thức “livestream” bán hàng. Nhiều đối tượng lợi dụng hình ảnh hàng thật, hàng chính hãng để quảng cáo với giá rẻ, thu hút người mua. Sau khi chốt đơn, họ sử dụng thanh toán trung gian hoặc dịch vụ giao hàng thu tiền, nhưng thực tế nhiều sản phẩm là hàng giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.

CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN TRONG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG

Mặc dù công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực nông nghiệp đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng theo Thanh tra ngành Nông nghiệp tỉnh, hiện nay công tác này vẫn còn một số khó khăn. Cụ thể, việc kiểm định chất lượng mất thời gian, khi có kết quả, hàng hóa thường đã tiêu thụ hết, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Việc xử lý vật tư nông nghiệp kém chất lượng gặp khó khăn do cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, sản phẩm đa dạng từ các công ty ngoài tỉnh. Khi vi phạm, chỉ đại lý bị xử phạt, còn công ty sản xuất thì chỉ báo cáo vụ việc và việc xử lý tiếp theo phụ thuộc vào địa phương nơi đăng ký sản xuất. Chưa có quy định xử phạt đối với hành vi liên quan đến việc sử dụng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói trái cây xuất khẩu.

Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra các giải pháp trọng tâm: Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua nhiều hình thức để nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp. 

Tăng cường đào tạo, tập huấn cho lực lượng thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là nâng cao kỹ năng điều tra, phát hiện vi phạm trong môi trường thương mại điện tử. Siết chặt công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đặc biệt là các vi phạm liên quan đến phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, thủy sản. 

Phối hợp chặt chẽ với các địa phương và ngành chức năng, xử lý triệt để các cơ sở kinh doanh vi phạm, tạo môi trường cạnh tranh công bằng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nhà sản xuất.

LÝ OANH

 

.
.
.