Tiền Giang và những chặng đường xuất khẩu - Bài cuối: Hướng đến đích mới
Tiền Giang và những chặng đường xuất khẩu - Bài 1: Những bước nhảy vọt
Tiền Giang và những chặng đường xuất khẩu - Bài 2: Xây dựng các "kịch bản"
Tiền Giang và những chặng đường xuất khẩu - Bài 3: Sự "chuyển dịch"
(ABO) Giá trị xuất khẩu của Tiền Giang chắc chắn sẽ chạm đến những mốc mới khi môi trường đầu tư không ngừng được cải thiện, thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư mới đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu nhóm ngành hàng có lợi thế của địa phương.
TẠO SÂN CHƠI MỚI
Một trong những điểm đáng chú ý là trong những năm gần đây, bên cạnh chủ trương đẩy mạnh phát triển công nghiệp, Tiền Giang còn tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đây là tiền đề rất quan trọng để kinh tế Tiền Giang chuyển hướng mạnh mẽ, thu hút được nhiều nhà đầu tư mới và đây cũng là bước đi chiến lược để thúc đẩy giá trị xuất khẩu hằng năm.
Nhìn từ thực tiễn mới thấy, cải thiện môi trường đầu tư; thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp; huy động các nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội là bước đi quan trọng và mang lại hiệu quả thiết thực của Tiền Giang. Điểm nhấn quan trọng để thực hiện chủ trương này là Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang đã ban hành Nghị quyết 07-NQ/TU ngày 26-7-2021 nhằm chỉ đạo các cấp ủy, đảng, chính quyền thực hiện chủ trương, đẩy mạnh giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, nhất là việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, phát huy phong trào khởi nghiệp, tạo điều kiện cho hộ kinh doanh phát triển thành doanh nghiệp; hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lớn dẫn dắt, liên kết với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã để tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị…
![]() |
Ngành hàng trái cây còn nhiều cơ hội để xuất khẩu. |
Kết quả rõ nét nhất là qua 4 năm, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có khoảng 3.274 doanh nghiệp thành lập mới, đạt gần 80% mục tiêu Nghị quyết 07-NQ/TU đề ra, cả giai đoạn 2021-2025 có 4.190 doanh nghiệp thành lập mới, vượt 2,2% mục tiêu đề ra (4.100 doanh nghiệp) và dự kiến đến cuối năm 2025 Tiền Giang có trên 7.150 doanh nghiệp đang hoạt động.
Song song đó, Tiền Giang còn tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua việc chú trọng nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh. Theo đó, PCI của Tiền Giang đã có sự cải thiện đáng kể cả về điểm số lẫn thứ hạng. Kết quả cụ thể là, điểm số PCI từ 62.78 (năm 2020) lên 66.8 (năm 2023) và thứ hạng từ vị trí thứ 45 (năm 2020) lên hạng 29 (năm 2023). Kết quả này phản ánh nỗ lực không ngừng của tỉnh trong cải cách môi trường đầu tư, đặc biệt ở các lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp và nâng cao chất lượng dịch vụ công, đồng thời khẳng định hiệu quả của các giải pháp tăng cường tính minh bạch và hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước.
Chưa dừng lại ở đó, Tiền Giang còn triển khai có hiệu quả kế hoạch “chấm điểm” các sở, ngành, địa phương. Theo đó, UBND tỉnh Tiền Giang cũng đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cải cách hành chính thông qua việc triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành tỉnh và địa phương (gọi tắt là DDCI). Năm 2022 là năm đầu tiên Tiền Giang bắt đầu triển khai thực hiện chỉ số này. Đây là cơ sở quan trọng để các sở, ngành, địa phương soi rọi lại hoạt động và nỗ lực hơn nữa trong lãnh đạo, điều hành.
TĂNG CƯỜNG HỖ TRỢ
Song song với việc triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương chính, Tiền Giang còn thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động ổn định, mở rộng thị trường xuất khẩu. Bên cạnh nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, Tiền Giang còn chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp địa phương xuất khẩu sản phẩm có lợi thế của tỉnh, đặc biệt là đối với ngành hàng nông, thủy sản. Nhờ đó, trong những năm gần đây xuất khẩu chính ngạch hàng nông sản, trọng điểm là trái cây của Tiền Giang mang lại hiệu ứng tích cực, đang là đích đến rất quan trọng, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Kết quả năm 2024 cũng cho thấy, xuất khẩu hàng rau quả của Tiền Giang đã đạt hơn 112 triệu USD, tăng gần 90% về lượng và tăng khoảng 80% về trị giá so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu sầu riêng chiếm tỷ trọng lớn, xấp xỉ khoảng 50%. Cơ hội xuất khẩu rau quả nói chung, trái cây nói riêng vẫn còn lớn nên giá trị kim ngạch mang về của nhóm ngành hàng này dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
![]() |
Tiền Giang đã và đang tập trung hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. Ảnh: MINH THÀNH. |
Theo kế hoạch của Sở Công thương tỉnh Tiền Giang, năm 2025 giá trị xuất khẩu của Tiền Giang ước đạt khoảng 6,3 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh những nhóm ngành hàng có sản phẩm xuất khẩu ổn định, Tiền Giang sẽ tiếp tục đầu tư, kêu gọi đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để kêu gọi các doanh nghiệp đến đầu tư tại Tiền Giang.
Theo Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang Lưu Văn Phi, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025 là sở sẽ tham mưu cho Tỉnh ủy Tiền Giang ban hành nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; đồng thời xây dựng kế hoạch phát triển 2 vùng công nghiệp trọng điểm của tỉnh là vùng Đông Nam Tân Phước và Gò Công. Bên cạnh đó, ngoài việc tập trung hỗ trợ các nhà đầu tư, Sở Công thương tỉnh Tiền Giang cũng sẽ tăng cường các hoạt động kết nối cung cầu; theo dõi sát diễn biến của thị trường để thông tin nhanh, kịp thời đến các doanh nghiệp các văn bản, chính sách ưu đãi về tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa; vận chuyển hàng hóa qua các cửa khẩu, đặc biệt là các cửa khẩu giáp với Trung Quốc để các doanh nghiệp biết, chủ động triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh…
Nhìn lại chặng đường đã qua mới thấy, giá trị xuất khẩu của Tiền Giang nói riêng, kinh tế Tiền Giang nói chung đã có bước tiến khá lớn. Mặc dù đây cũng là xu hướng chung của các tỉnh, thành của cả nước nhưng suy cho cùng những gì mà Tiền Giang đạt được cũng được khơi nguồn từ nhiều “kịch bản” đã được tính toán, cân nhắc và quyết tâm thực hiện. Trên đà này, chắc chắn Tiền Giang cũng sẽ song hành với các tỉnh, thành bước vào một kỷ nguyên mới với nhiều bước đi vững chắc hơn.
TA