Thứ Sáu, 21/03/2025, 16:32 (GMT+7)
.

Đẩy mạnh tín dụng ngân hàng,​ góp phần ​thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Khu vực 13

(ABO) Sáng 21-3, tại Tiền Giang, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam tổ chức Hội nghị đẩy mạnh tín dụng ngân hàng, góp phần tăng trưởng kinh tế Khu vực 13 (gồm các tỉnh: Tiền Giang, Long An, Bến Tre và Trà Vinh).
 
Dự hội nghị có các đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thống đốc NHNN Việt Nam; Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang; lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Tiền Giang, UBND tỉnh Tiền Giang, Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh trong Khu vực 13; hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã trong khu vực…
 
Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.
 
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo của NHNN Chi nhánh Khu vực 13 về tình hình hoạt động tín dụng trên địa bàn. NHNN Chi nhánh Khu vực 13 hiện quản lý mạng lưới hoạt động, tính đến cuối tháng 1-2025, có 96 tổ chức tín dụng (gồm 36 ngân hàng, 59 Quỹ tín dụng nhân dân và 1 Tổ chức Tài chính vi mô CEP) với mạng lưới 592 điểm giao dịch, 910 máy ATM và 3.869 máy POS đang hoạt động. Trong đó, tỉnh Long An có số lượng tổ chức tín dụng nhiều nhất, tiếp đến là các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh. Mạng lưới ngân hàng phủ khắp các huyện, thị, thành trong toàn khu vực, đảm bảo nguồn vốn và cung ứng kịp thời các dịch vụ thanh toán đến người dân, doanh nghiệp.
 
Đại biểu các tỉnh trong Khu vực 13 dự hội nghị.
Đại biểu các tỉnh trong Khu vực 13 dự hội nghị.
 
Đến cuối năm 2024, tổng dư nợ khu vực đạt 363.996 tỷ đồng, tăng 8,26% so với cuối năm 2023. Đến cuối tháng 1-2025, tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng tại Khu vực 13 đạt 364.357 tỷ đồng, tăng 0,1% (trong khi tốc độ tăng trưởng của Đồng bằng sông Cửu Long, toàn quốc lần lượt -0,18%, 0,63%); tỷ lệ nợ xấu 1,98%. Đến cuối tháng 2-2025, dư nợ của các tổ chức tín dụng  tại Khu vực 13 đạt 368.986 tỷ đồng, tăng 1,4% so với cuối năm 2024. Mức tăng này cao hơn đáng kể so với vùng Đồng bằng sông Cửu Long (0,53%) và toàn quốc (0,8%).
 
Đến cuối năm 2024, lãi suất cho vay bình quân trong khu vực giảm 1,56% so với năm 2023, giúp doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay với chi phí hợp lý. Tín dụng tiếp tục được phân bổ vào các lĩnh vực trọng điểm như: Nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Khối ngân hàng thương mại nhà nước và có vốn nhà nước tiếp tục đóng vai trò chủ đạo với 63,8% tổng dư nợ khu vực.
 
 
Đối với chương trình 145.00 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33 của Chính phủ, trên địa bàn Khu vực 13 có 3/4 tỉnh triển khai Chương trình, có 4 dự án nhà ở xã hội được UBND các tỉnh công bố theo danh mục. Trong đó, đến tháng 1-2025, HDBank TP. Hồ Chí Minh đã giải ngân cho chủ đầu tư 1 dự án trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, với tổng số cho vay gần 92 tỷ đồng. 
 
Bước vào năm 2025, NHNN Chi nhánh Khu vực 13 xác định loạt giải pháp trọng tâm, trong đó tiếp tục triển khai có hiệu quả chính sách tín dụng đặc thù theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hạ lãi suất cho vay, đơn giản hóa thủ tục tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng khu vực được đặt ra ở mức tối thiểu 9,22%, trong đó Tiền Giang 10,7%, Bến Tre 12,86%, Trà Vinh 7,77% và Long An 6,88%...
 
Bà Lương Thị Diễm Trang, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Tiền Giang phát biểu tại hội nghị.
Bà Lương Thị Diễm Trang, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Tiền Giang phát biểu tại hội nghị.
 
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận một số nội dung chính như: Kết quả hoạt động tín dụng chung trên cả nước và tín dụng trên địa bàn Khu vực 13 những tháng đầu năm 2025. Trong đó, có tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, một số chương trình tín dụng; chính sách lãi suất cho vay; khả năng mở rộng tín dụng có hiệu quả trong năm 2025 góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững; các khó khăn, vướng mắc; định hướng về hoạt động tín dụng trong thời gian tới...
 
Phát biểu tại hội nghị, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong khu vực, thời gian tới, NHNN tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp về điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng. Trong đó, tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn bám sát các chủ trương, nghị quyết, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Triển khai các giải pháp ổn định lãi suất huy động và tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để hạ lãi suất cho vay. Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Xây dựng các sản phẩm tín dụng cho các ngành, lĩnh vực phù hợp với chiến lược kinh doanh, khả năng cân đối nguồn lực của tổ chức tín dụng.
 
Đẩy mạnh đầu tư tín dụng vào các dự án, công trình trọng điểm khả thi phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và các ngành, lĩnh vực thế mạnh của địa phương theo định hướng tại các Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 78 của Chính phủ. Trong đó, chú trọng đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn vay của người dân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, thu mua, tạm trữ, tiêu thụ một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực, đảm bảo an ninh lương thực của khu vực và quốc gia (như lúa, gạo). Đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là chương trình đặc thù của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
 
Phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng ngân hàng phù hợp từng loại hình, nhu cầu sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Tăng cường cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Thực hiện quyết liệt các giải pháp để nâng cao chất lượng tín dụng, phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh. Chủ động triển khai, tăng cường hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp bằng hình thức phù hợp. Đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách nhằm giúp doanh nghiệp và người dân nắm bắt, tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng thuận lợi. 
 
Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại hội nghị.
Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại hội nghị.
 
Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, bên cạnh các giải pháp trên, ngành Ngân hàng cần sự phối hợp của các sở, ban, ngành, các hội, hiệp hội liên quan trên địa bàn Khu vực để triển khai các giải pháp, chính sách hiệu quả, đồng bộ, giúp người dân, doanh nghiệp của Khu vực 13 ổn định sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ, các địa phương đã đề ra.
 
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các tỉnh trong Khu vực 13 chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo chủ chốt NHNN Chi nhánh Khu vực 13.
Lãnh đạo NHNN Việt Nam và các tỉnh trong Khu vực 13 chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo chủ chốt NHNN Chi nhánh Khu vực 13.
 
Trước đó, hội nghị đã Công bố Quyết định thành lập và ra mắt NHNN Chi nhánh Khu vực 13 trên cơ sở hợp nhất NHNN 4 tỉnh: Tiền Giang, Long An, Bến Tre và Trà Vinh. NHNN Chi nhánh Khu vực 13 đi vào hoạt động từ ngày 1-3-2025; trụ sở chính đặt tại TP. Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) và 3 điểm giao dịch tại các tỉnh còn lại. Hội nghị đã công bố, trao các quyết định điều động, bổ nhiệm các Phó Giám đốc; lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc NHNN Chi nhánh Khu vực 13. NHNN Khu vực 13 có 7 phòng nghiệp vụ với tổng số 148 cán bộ, công chức, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối trên địa bàn.
HÀ NAM
 
.
.
.