.

Bước ngoặt bất ngờ về thuế đối ứng: "Ngọn lửa" thương mại hạ nhiệt

Cập nhật: 10:59, 10/04/2025 (GMT+7)

Động thái "quay đầu" 180 độ của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump dường như mở ra một cánh "cửa hẹp" cho các cuộc đàm phán và tìm kiếm giải pháp hài hòa lợi ích giữa các bên.

b

Những quyết sách kinh tế và đối ngoại của ông Trump luôn tiềm ẩn yếu tố khó đoán định, thường xuyên tạo ra những căng thẳng, đặc biệt trong quan hệ Hoa Kỳ-Trung. (Ảnh: Vietnam+)

Giữa bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã gây bất ngờ lớn khi thông báo tạm hoãn kế hoạch áp thuế đối ứng trong vòng 90 ngày đối với phần lớn các đối tác thương mại, đồng thời giảm đáng kể mức thuế xuống 10% trong giai đoạn này.

Quyết định được công bố trên mạng xã hội Truth Social vào ngày 9/4 (giờ địa phương) đã ngay lập tức thu hút sự chú ý của giới phân tích và cộng đồng doanh nghiệp trên toàn thế giới.

Bước ngoặt khó đoán định và ẩn số mang tên “Trump”

Thông báo của Tổng thống Trump đã nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý, đặc biệt là việc ông quyết định "nới lỏng" chính sách thuế quan đối với hơn 75 quốc gia đã chủ động liên hệ với Hoa Kỳ để đàm phán. Tuy nhiên, Trung Quốc không nằm trong danh sách "ưu đãi" này, khi mức thuế đối với hàng hóa quốc gia này tiếp tục bị đẩy lên mức 125%.

Về động thái này, ông Phạm Tuyến, Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, nhận định: “Việc ông Trump quay '180 độ' thay đổi hoàn toàn mức thuế quan đã thông báo trước đó đối với hầu hết các quốc gia trong vòng 90 ngày, đồng thời giảm thuế xuống 10% trong giai đoạn này, ngoại trừ Trung Quốc là một diễn biến bất ngờ. Điều này cho thấy trọng tâm trong chính sách áp thuế của chính quyền Trump từ trước đến nay vẫn là cuộc cạnh tranh thương mại gay gắt với Trung Quốc và được thể hiện rõ ràng ngay từ nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông."

Theo ông Tuyến, những quyết sách kinh tế và đối ngoại của ông Trump luôn tiềm ẩn yếu tố khó đoán định, thường xuyên tạo ra những căng thẳng, đặc biệt trong quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc.

b

Động thái tích cực này phần nào đáp ứng kỳ vọng của Chính phủ, doanh nghiệp và nhà đầu tư của đa số các nước, bao gồm cả Việt nam và Hoa Kỳ. (Ảnh: Vietnam+)

"Mặc dù tính cách này của Tổng thống Trump đã phần nào được thấy rõ trong nhiệm kỳ trước, nhưng việc áp đặt mức thuế cao trên diện rộng toàn cầu có nguy cơ châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại thực sự, dẫn đến suy thoái kinh tế với những hậu quả nghiêm trọng. Có lẽ chính vì lo ngại điều này, các cố vấn của ông Trump đã thuyết phục việc tạm hoãn việc áp thuế trong 90 ngày để các bên có cơ hội đối thoại, tìm kiếm một giải pháp dung hòa lợi ích," ông Tuyến phân tích.

Nhấn mạnh bản chất cốt lõi của thương mại là hướng đến tự do hóa và hợp tác song phương, nơi lợi ích được chia sẻ một cách hài hòa. Ông Tuyến cho rằng động thái trên có thể được xem là một sự thay đổi tích cực và cho thấy ông Trump đã lắng nghe. Đây có lẽ cũng là một thông điệp về mức thuế sàn mà các quốc gia bị áp thuế có thể thương lượng với Hoa Kỳ.

Có chung nhận định trên, tiến sỹ Cấn Văn Lực chia sẻ thêm rằng, động thái này cơ bản là tích cực, đáp ứng kỳ vọng của Chính phủ, doanh nghiệp và nhà đầu tư của đa số các nước, bao gồm cả Việt nam và Hoa Kỳ. Điều này tạo điều kiện để các bên rà soát, đàm phán các thoả thuận và thời gian 90 ngày cũng đủ dài để chốt các thỏa thuận. Như vậy, Chính phủ, doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước cũng có thêm thời gian để tính toán những kế hoạch khác, điều này cũng góp phần giảm lo lắng, chi phí thuế cho doanh nghiệp, người dân...

Chủ động ứng phó, tìm kiếm cơ hội trong thách thức

Trong những ngày qua, Việt Nam đã có những động thái chủ động và kịp thời trong việc ứng phó với nguy cơ bị áp thuế. Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm trực tiếp với Tổng thống Donald Trump về vấn đề này, đồng thời cử Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc sang Hoa Kỳ với vai trò Đặc phái viên để trực tiếp đàm phán.

Trong khuôn khổ chuyến thăm Hoa Kỳ từ ngày 9/4, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã có cuộc gặp với Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Jamieson Greer. Tại đây, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc khẳng định Việt Nam coi trọng việc tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Hoa Kỳ. Phó Thủ tướng đã nhấn mạnh Việt Nam kiên trì xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và theo đuổi đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại. Ông cũng khẳng định mong muốn hợp tác chặt chẽ với các cơ quan liên quan của Hoa Kỳ để cụ thể hóa những nội dung đã được trao đổi giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump trước đó, nhằm duy trì quan hệ kinh tế-thương mại ổn định, bền vững, mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và người dân hai nước.

Về quan hệ kinh tế-thương mại song phương, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho rằng mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ mang tính bổ trợ lẫn nhau. Việt Nam không cạnh tranh với các mặt hàng thế mạnh của Hoa Kỳ mà ngược lại, nhập khẩu nhiều sản phẩm dịch vụ và công nghệ cao từ Hoa Kỳ. Ông cũng chỉ ra rằng Việt Nam đã chủ động giải quyết nhiều vấn đề mà phía Hoa Kỳ quan tâm.

Trước những diễn biến khó lường từ chính sách thương mại của Hoa Kỳ, các cơ quan quản lý đã rất chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm tận dụng cơ hội và giảm thiểu tác động tiêu cực. Ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục thuế, Bộ Tài chính, cho biết: “Để ứng phó với quyết định từ phía Hoa Kỳ và thúc đẩy tăng trưởng GDP 2 con số như mục tiêu đề ra trong năm nay, chúng tôi đã có những giải pháp cụ thể."

Theo ông Mai Sơn, một trong những giải pháp trọng tâm là tăng cường kiểm soát hoàn thuế đối với các doanh nghiệp gia công lắp ráp đơn giản rồi xuất khẩu. Bên cạnh đó, ngành thuế đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, xây dựng cơ sở dữ liệu về các giao dịch thương mại quốc tế và thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin với cơ quan thuế Hoa Kỳ.

"Điều này sẽ giúp tăng cường tính minh bạch trong hoạt động thương mại song phương đồng thời tạo cơ sở để hai bên có thể phối hợp hiệu quả trong việc ngăn chặn các hành vi gian lận thuế xuyên quốc gia," ông Mai Sơn nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Sơn cho hay Bộ Tài chính cũng đẩy nhanh việc giải quyết các vướng mắc trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ theo chỉ định của thương nhân nước ngoài đã có hiện diện tại Việt Nam. Việc này nhằm khơi thông dòng vốn lưu động của các doanh nghiệp, khuyến khích mở rộng đầu tư và sản xuất khẩu. Mặt khác, Cơ quan Thuế cũng có những chế tài xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Phó Cục trưởng Cục thuế cũng chia sẻ về sự chủ động của ngành thuế ngay từ khi chính quyền Hoa Kỳ có sự thay đổi. "Trên cơ sở điều hành vĩ mô của Chính phủ, thời gian vừa qua chúng tôi đã chủ động đề xuất các chính sách nhằm tạo ra sức bật cho nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp trong nước. Với những tác động này, chúng tôi hy vọng sẽ chia sẻ được phần nào những khó khăn mà doanh nghiệp có thể gặp phải trước việc áp dụng thuế quan của Hoa Kỳ," ông Mai Sơn bày tỏ.

Ông Sơn dẫn chứng về Nghị định 73 của Chính phủ, trong đó giảm thuế suất nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng từ các đối tác thương mại lớn, bao gồm cả Hoa Kỳ với nhiều dòng thuế được giảm về 0%. Theo đó, có 16 nhóm mặt hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ vào Việt Nam được giảm thuế, như ô tô, sản phẩm nông nghiệp, than, gỗ…

“Đây là một bước thiện chí lớn ngay từ đầu của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước, đồng thời tạo điều kiện cho người tiêu dùng Việt Nam tiếp cận nhiều hơn với hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ,” ông Mai Sơn phân tích.

b

Việt Nam không cạnh tranh với các mặt hàng thế mạnh của Hoa Kỳ mà ngược lại, nhập khẩu nhiều sản phẩm dịch vụ và công nghệ cao từ Hoa Kỳ. (Ảnh: Vietnam+)

Ngoài ra, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khác, như Nghị định 81 gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước và Nghị định 82 gia hạn thời hạn nộp các loại thuế và tiền thuê đất trong năm 2025 cho nhiều ngành kinh tế. Số liệu từ Cục Thuế cho biết tổng số thuế được gia hạn trong năm 2025 ước tính lên đến 199.000 tỷ đồng. Trước đó, tính từ năm 2021 đến nay, tổng cộng đã có khoảng 900.000 tỷ đồng tiền thuế được Chính phủ và Quốc hội thông qua lệnh miễn giảm và gia hạn để hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo ông Tuyến, quyết định hoãn áp thuế của Tổng thống Trump, dù mang đến những “tia hy vọng” về việc hạ nhiệt căng thẳng thương mại nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Song, việc tiếp tục tăng thuế đối với Trung Quốc cho thấy Hoa Kỳ vẫn duy trì áp lực lớn lên nước này, từ đó khiến 90 ngày tới sẽ có vai trò then chốt trong việc định hình cục diện thương mại toàn cầu.

Cụ thể, ông Tuyến nhận định động thái chủ động trong đối ngoại và những nỗ lực từ phía cơ quan quản lý của Việt Nam đã cho thấy sự chuẩn bị kỹ lưỡng để ứng phó với những biến động bên ngoài. Việc được nằm trong danh sách các quốc gia được tạm hoãn áp thuế và giảm thuế cho thấy những nỗ lực đàm phán ban đầu đã mang lại những kết quả tích cực. Để đảm bảo lợi ích quốc gia một cách bền vững, Chính phủ cần tiếp tục theo dõi sát sao tình hình, duy trì đối thoại và linh hoạt điều chỉnh chính sách để tận dụng tối đa các cơ hội và giảm thiểu những rủi ro tiềm ẩn.

“Quyết định hoãn áp thuế của Tổng thống Trump là một diễn biến bất ngờ, mang đến những tín hiệu trái chiều cho nền kinh tế toàn cầu. Với sự chủ động và linh hoạt trong đối ngoại cùng những giải pháp điều hành kinh tế kịp thời từ phía Chính phủ, Việt Nam đang cho thấy khả năng ứng phó hiệu quả trước những biến động phức tạp của thương mại quốc tế, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ tối đa lợi ích quốc gia,” ông Tuyến nhận định./.

Theo Vietnam+ (TTXVN)

.
.
.