Nửa thế kỷ vươn lên cùng đất nước - Bài 2: Quyết định "lịch sử"
Thực tiễn sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đòi hỏi phải có những chủ trương, quyết sách mới để ổn định và nâng cao đời sống của người dân sau những năm dài chịu cảnh tàn phá của chiến tranh.
Sau những chuyến khảo sát thực tế, trên mặt trận kinh tế, những quyết định mang tính “lịch sử” cũng được ra đời, đánh dấu quan trọng cho khởi đầu chuỗi 50 năm vươn lên của Tiền Giang.
GIẢI BÀI TOÁN NÔNG NGHIỆP
Công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, phục hồi kinh tế của Tiền Giang được bắt đầu ngay từ những “điểm nóng”. Bởi ngay sau những chuyến khảo sát của lãnh đạo tỉnh sau ngày miền Nam giải phóng, lãnh đạo tỉnh thống nhất đưa ra những quyết định quan trọng.
![]() |
Nhân dân Tiền Giang khai hoang, phục hóa Đồng Tháp Mười. Ảnh: T.L |
Đó là phân công ngành Thủy lợi và Nông nghiệp tranh thủ Bộ Thủy lợi và Bộ Nông nghiệp đầu tư thiết bị, lắp đặt cống thủy lợi Bình Phan (huyện Chợ Gạo), địa phương vận động nhân dân đào, nạo vét kinh cặp lộ 24 từ Bình Phan đến sát TX. Gò Công (nay là TP. Gò Công) để phục vụ cho nhân dân sản xuất 2 vụ, từng bước ngọt hóa Gò Công.
Đồng thời, tỉnh chuẩn bị xây cống, đập thủy lợi Bình Phan và tính toán quy hoạch đào kinh 5 m, cách bờ kinh Nguyễn Văn Tiếp 500 m từ kinh 12 huyện Cai Lậy đến xã Phú Mỹ, huyện Châu Thành (nay là huyện Tân Phước), với gần 20 km phân lô vận động nhân dân trở về khai hoang, an cư lập nghiệp với tinh thần động viên sức dân tự làm cho mình, chính quyền lo phục vụ hậu cần gạo, muối, mắm… bán cho dân cùng nhau ra sức xây dựng lại quê hương.
Đồng thời với 2 điểm nóng trên, Tỉnh ủy Tiền Giang chỉ đạo đầu tư vật tư mở rộng vùng sản xuất lúa 2 vụ của 2 bên Nam - Bắc lộ 4 thuộc huyện Cai Lậy, huyện Cái Bè và một phần huyện Châu Thành, xem đây là khâu quyết định, thúc đẩy toàn bộ các mặt công tác khắc phục hậu quả chiến tranh. Bên cạnh đó, phải tập trung phục vụ nhân dân các xã vùng căn cứ cách mạng, chính quyền phải hỗ trợ khôi phục lại cầu đường, trường, trạm, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại làm ăn, trẻ em được học hành và người bệnh tạm thời có y tế xã chăm lo, để tỏ lòng biết ơn đối với đồng bào các xã vùng căn cứ…
Thực tiễn đã chứng minh, qua 3 lần Đại hội (lần thứ nhất năm 1976, lần thứ 2 năm 1980, lần thứ 3 vào năm 1982), Đảng bộ Tiền Giang trưởng thành về mọi mặt. Vượt qua khó khăn, thách thức, Tiền Giang đã đạt được những thành tựu quan trọng trong khôi phục và phát triển kinh tế, cải tạo quan hệ sản xuất, phát triển văn hóa, y tế, giáo dục. Những hậu quả nặng nề do chiến tranh và thiên tai gây ra đã được khắc phục. Đặc biệt, đối với nông nghiệp, nhờ chủ trương đúng đắn, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến nên sản xuất, nông nghiệp bắt đầu phát triển toàn diện cả về diện tích, năng suất, sản lượng; bằng nhiều biện pháp khai hoang, thâm canh, tăng vụ, diện tích gieo trồng hằng năm tăng. Theo đó, nếu như năm 1975 có 90.000 ha sản xuất lúa, năng suất 26,04 tạ/ha, sản lượng lúa đạt 447.910 tấn thì đến năm 1985, diện tích tăng lên 201.347 ha, năng suất đạt 40,4 tạ/ha, sản lượng lúa đạt 813.570 tấn. |
Nhìn nhận một cách toàn diện hơn, sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước, việc khôi phục và phát triển kinh tế được đặt trong tình thế “hết sức khó khăn”. Ngoài tình hình khó khăn sau thời gian dài bị tàn phá của chiến tranh, năm 1978, tỉnh Tiền Giang liên tiếp bị thiên tai, địch họa. Đó là dịch rầy nâu tàn phá mùa màng; cơn lũ gây ngập hoàn toàn các huyện phía Tây làm hàng ngàn người thiếu ăn, nhiều gia đình phải rời quê đến tận vùng Cà Mau kiếm sống.
Chưa kể, chiến tranh biên giới Tây - Nam xảy ra và nhiều yếu tố chính trị khác. Giai đoạn này cả nước đang ở thời kỳ “vừa có hòa bình, vừa có chiến tranh”. Lúc này, quân và dân Tiền Giang vừa tiếp tục hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa đóng góp sức người, sức của cho cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và giúp đỡ nước bạn Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Mặc dù tình hình hết sức khó khăn, nhưng Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang đã thể hiện bản lĩnh vững vàng, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới.
VỚI QUYẾT TÂM CAO
Nhìn lại chiều dài lịch sử mới thấy quyết tâm cao của tỉnh Tiền Giang nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế thông qua những chủ trương, quyết sách lớn. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ II (ngày 3-1-1980) và lần thứ III (ngày 7-1-1982) đều khẳng định phải phát triển toàn diện nông nghiệp tỉnh nhà, trọng tâm sản xuất cây lương thực, thực phẩm, đẩy mạnh việc khai hoang Đồng Tháp Mười; đồng thời, phát triển thương nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và phân phối lưu thông từng bước cải thiện đời sống nhân dân, nhất là nhân dân vùng căn cứ kháng chiến…
![]() |
Khu vực Gò Công hiện nay trở thành vùng trọng điểm sản xuất lúa. |
Vậy là, từ quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, chủ trương ngọt hóa Gò Công, khai hoang Đồng Tháp Mười dần được định hình và đi vào triển khai đồng bộ. Từ những quyết định mang tính “lịch sử” này đã góp phần chuyển dịch ngành Nông nghiệp sang trang mới, đưa Tiền Giang tiến lên.
Đi thẳng vào mặt trận nông nghiệp, đặc biệt là đối với những khu vực tiềm năng như Đồng Tháp Mười hay khu vực phía Đông của tỉnh, nhằm góp phần nâng cao đời sống người dân được xem là quyết sách mang tính căn cơ, tạo nền tảng cho Tiền Giang phát triển sau này. Nhưng đây cũng là nhiệm vụ hết sức khó khăn.
Bởi, nếu nhìn vào chiều dài lịch sử, trước năm 1975, vùng Đồng Tháp Mười còn hoang sơ, dân cư thưa thớt. Mỗi năm có 6 tháng mùa nước nổi, cả vùng ngập chìm trong biển nước và 6 tháng mùa khô hết sức khắc nghiệt; nơi đây còn là vùng tranh chấp ác liệt giữa ta và địch; giặc oanh kích ngày đêm, vô số đạn bom, chất hóa học hủy diệt ném xuống, Đồng Tháp Mười trở thành vùng đất chết. Sau năm 1975, cuộc sống người dân rất khó khăn, thiếu ăn, nghèo khổ.
Tiền Giang thực hiện chương trình khai hoang và xây dựng các vùng kinh tế mới. Từ năm 1976, Nhà nước có chương trình điều tra cơ bản vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đánh giá vùng Đồng Tháp Mười để khai thác tiềm năng đất đai phát triển nông, lâm, ngư nghiệp và cây công nghiệp phục vụ cho chế biến với khoảng 700.000 ha hoang hóa thuộc 3 tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang.
Sự khai thác hợp lý gắn với kinh doanh tổng hợp là điều kiện quan trọng để thực hiện chiến lược phân bố lại sản xuất, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động (trong đó Tiền Giang có hơn 21.000 ha hoang hóa chưa khai thác). Từ thực tế đó, năm 1976 UBND tỉnh ký ban hành Chỉ thị đào kinh Trương Văn Sanh mở màn cho chiến dịch khai phá Đồng Tháp Mười, khởi đầu để mang lại những “kỳ tích” cho hôm nay.
Trong khi đó, ngọt hóa Gò Công là chủ trương lớn, đến nay cũng mang lại những điều ký tích. Đề cập đến chủ trương này, đồng chí Huỳnh Văn Niềm, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, đã từng nhấn mạnh rằng, vấn đề ngọt hóa Gò Công không phải gói gọn trong kế hoạch của Dự án Ngọt hóa Gò Công sau này.
Bởi ngọt hóa Gò Công là ý định của Tỉnh ủy từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, được làm từng bước, đến Dự án Ngọt hóa Gò Công thì làm tập trung, mang quyết định. Kế hoạch thực hiện Dự án Ngọt hóa Gò Công sau cùng được coi như là trận “quyết chiến” chiến lược để kết thúc vấn đề ngọt hóa khu vực Gò Công.
Đây là dự án rất tập trung, để kết thúc luôn vấn đề ngọt hóa Gò Công. Bởi, sau ngày giải phóng, tỉnh nhận thấy rằng, giữa 2 vùng phía Đông và phía Tây của tỉnh thì vùng phía Đông tình hình sản xuất hơi ổn định hơn phía Tây, vì qua “bình định” của địch vấn đề sản xuất duy trì được, cuộc sống của người dân cũng không phải quá khó khăn như khu vực phía Tây.
Nhưng khi đi sâu mới thấy rằng, sự phát triển của vùng Gò Công là khó vô cùng. Tương lai muốn đưa Gò Công đi lên phải có những kế hoạch lớn, chứ không sẽ đến lúc gặp khó khăn. Bởi vì vùng này chỉ độc canh cây lúa, chỉ làm có 1 vụ, cuộc sống người dân cứ bị “giam hãm” trong tình trạng tự cấp tự túc rất nặng nề.
Nói chung, ngọt hóa Gò Công là kế hoạch toàn diện chứ không phải ngọt hóa là chỉ đưa nước ngọt, mà còn cải tạo đồng ruộng, thay đổi phương thức sản xuất, cải tạo quy hoạch để làm sao đưa nông nghiệp lên toàn diện hơn và giải quyết cuộc sống người dân. Đến nay, chủ trương này đã phát huy hiệu quả rất cao.
Khi đất nước bước vào giai đoạn đổi mới toàn diện, khởi đầu từ năm 1986, Tiền Giang cũng bắt đầu vươn lên. Các chương trình kinh tế trọng điểm, chủ trương thay đổi cơ cấu ngành cũng dần được định hình để bước vào chu kỳ mới.
ANH PHƯƠNG
(còn tiếp)