Chủ động khai phá thêm thị trường xuất khẩu nông sản
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại diễn ra gay gắt, xu thế bảo hộ gia tăng, Bộ Công thương cùng Bộ Nông nghiệp và Môi trường xác định, các mặt hàng nông lâm thủy sản Việt Nam cần đa dạng thị trường xuất khẩu và thực hiện mục tiêu dài hơi là nâng cao chất lượng để khai phá thêm những vùng đất mới.
![]() |
Thu gom, sơ chế, bảo quản sầu riêng xuất khẩu tại một cơ sở ở Đắk Lắk. Ảnh: CHÁNH THU |
Đa dạng và chuyển hướng
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN-MT), nông sản Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động tiêu cực từ những thay đổi trong chuỗi cung ứng và các chính sách thuế quan khắt khe (mang tính đơn phương) của các nước lớn. Tuy nhiên, điều này cũng mở ra cơ hội để Việt Nam điều chỉnh chiến lược xuất khẩu, tập trung vào các thị trường mới và tiềm năng. Trước hết, Đông Nam Á luôn là một trong những thị trường tiềm năng cho xuất khẩu nông sản.
Trong đó, năm 2024, Philippines là nước nhập khẩu nhiều gạo nhất của Việt Nam, với khoảng 3,6 triệu tấn, chiếm 40% tổng lượng gạo Việt Nam xuất khẩu. Tiếp đến là Liên minh châu Âu (EU) đã trở thành đối tác xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực vào tháng 8-2020. Các mặt hàng nông sản Việt Nam như gạo, cà phê và thủy sản đã được hưởng lợi từ ưu đãi thuế quan theo cam kết, mở ra nhiều cơ hội cho các sản phẩm Việt Nam gia nhập thị trường này.
Trong năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU ước đạt 51,7 tỷ USD, tăng 18,5% so với năm 2023. Trong đó, các mặt hàng nông sản đóng góp đáng kể nhờ ưu đãi thuế quan và nhu cầu tiêu thụ ổn định. Bên cạnh đó, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng là những thị trường ưa chuộng nông sản Việt Nam như gạo, cà phê, trái cây nhiệt đới và hạt tiêu nhờ chất lượng vượt trội và phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng ở các nước này.
Thứ trưởng Bộ NN-MT Phùng Đức Tiến cho biết, thời gian qua, bộ liên tục hướng dẫn doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc mở rộng thị trường Trung Đông và các quốc gia Hồi giáo. Đây là một hướng đi chiến lược trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ nông sản tại các quốc gia này ngày càng tăng, đặc biệt là các sản phẩm thực phẩm chế biến sẵn, trái cây và thủy sản.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, với sự gia tăng nhu cầu thực phẩm Halal (thực phẩm theo tiêu chuẩn Hồi giáo), Việt Nam hoàn toàn có cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu, đặc biệt trong lĩnh vực thủy sản, gạo và các sản phẩm chế biến sẵn. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết thêm, cá ngừ và cá tra Việt Nam đang là những sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong các mặt hàng mà Trung Đông nhập khẩu.
![]() |
Ngày 10-4, lần đầu tiên đặc sản bưởi Việt Nam được lên kệ siêu thị tại Hàn Quốc. Ảnh: CTV |
Theo đại diện Bộ Công thương, ngoài Trung Đông và các quốc gia Hồi giáo, nông sản Việt Nam còn có cơ hội và tiềm năng chinh phục cả những thị trường mới nổi khác như châu Phi, Ấn Độ và Mỹ Latinh. Đây là những khu vực có dân số đông, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm ngày càng tăng, đặc biệt trong các phân khúc thực phẩm chế biến sẵn, gạo, thủy sản và trái cây nhiệt đới. Chẳng hạn, với thị trường gần 1,4 tỷ dân như Ấn Độ, ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ chia sẻ, đây là một trong những thị trường tiềm năng, đang có nhu cầu lớn đối với thanh long Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường này vẫn chưa được doanh nghiệp Việt Nam chú trọng khai phá.
Nắm rõ thị trường, tuân thủ luật lệ
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại diễn ra gay gắt, xu thế bảo hộ gia tăng hiện nay, Bộ Công thương lưu ý việc mở rộng xuất khẩu sang các thị trường mới nổi sẽ giúp Việt Nam giảm bớt sự phụ thuộc vào những thị trường truyền thống như Trung Quốc và Mỹ, nơi đang có những tác động từ chiến tranh thương mại. Mặc dù các thị trường này mang lại nhiều cơ hội, nhưng Việt Nam cũng không tránh khỏi đối mặt với thách thức.
Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam), cho biết, các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước EU yêu cầu các tiêu chuẩn chất lượng cao và quy trình sản xuất nghiêm ngặt. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp nông sản trong nước phải nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm và cải tiến quy trình sản xuất để đáp ứng yêu cầu của họ. Mỗi thị trường mới nổi đều có những đặc thù riêng.
Chẳng hạn, thị trường Trung Đông yêu cầu các sản phẩm nông sản phải đạt chứng nhận Halal, trong khi châu Phi lại đối mặt với thách thức về hạ tầng và sự ổn định chính trị. Ấn Độ, với nhu cầu lớn, nhưng có những rào cản về tiêu chuẩn chất lượng và giá cả, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải có chiến lược tiếp cận phù hợp. Còn các thị trường Mỹ Latinh tuy có tiềm năng, nhưng lại có sự cạnh tranh lớn từ các quốc gia xuất khẩu khác.
Khẳng định nhu cầu tiêu thụ thủy sản tại khu vực Trung Đông đang tăng nhanh, đặc biệt là ở các quốc gia như: Israel, UAE, Saudi Arabia và Qatar, nhưng ông Nguyễn Hoài Nam lưu ý, để xâm nhập thị trường này, các doanh nghiệp cần phải chú trọng đáp ứng tiêu chuẩn Halal, do đa số người tiêu dùng tại đây theo đạo Hồi.
Theo ông Nguyễn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường, việc chuyển hướng xuất khẩu nông sản sang các thị trường mới không chỉ là phản ứng trước sự biến động của chiến tranh thương mại, mà còn là một bước đi chiến lược để đảm bảo sự phát triển lâu dài của ngành nông sản Việt Nam. Các thị trường Đông Nam Á, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc, Trung Đông… mở ra những cơ hội mới, giúp Việt Nam không chỉ duy trì được vị thế xuất khẩu nông sản, mà còn gia tăng giá trị trong bối cảnh biến động thị trường. |
Theo sggp.org.vn