Thứ Tư, 02/04/2025, 10:17 (GMT+7)
.
HƯỚNG ĐI NÀO CHO NGÀNH HÀNG "TỶ ĐÔ"?

Bài 3: Nhiều thách thức, lắm rủi ro

Bài 1: Đua nhau trồng cây ăn trái

Bài 2: Khai thác tối đa lợi thế

Sản xuất nông nghiệp nói chung, cây ăn trái nói riêng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã có nhiều bước tiến vượt bậc, nhưng thực tế cho thấy vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức, rủi ro.

Rào cản về chất lượng, liên kết sản xuất, tiêu thụ còn rời rạc… đã và đang là câu chuyện nội tại, trở thành những thách thức lớn trong sản xuất cây ăn trái hiện nay.

ĐẦU RA CHƯA ỔN ĐỊNH

Tiêu thụ nông sản là câu chuyện muôn thuở, được nhắc đi nhắc lại trên nhiều diễn đàn. Mặc dù những năm gần đây, tình hình tiêu thụ nông sản, trọng điểm là trái cây có chuyển dịch theo hướng tích cực, tư duy kinh tế nông nghiệp cũng đã được định hình rõ nét hơn, đặc biệt là dấu hiệu tích cực ở yếu tố xuất khẩu chính ngạch đối với một số nhóm ngành hàng, nhưng bấy nhiêu cũng chưa đủ so với lợi thế, tiềm năng, đặc biệt là sản lượng được nông dân làm ra. 

Sản xuất cây ăn trái còn gặp nhiều thách thức, khó khăn.
Sản xuất cây ăn trái còn gặp nhiều thách thức, khó khăn.

Thực tế cho thấy, từ lâu “trị bệnh” đầu ra cho nông sản, trong đó có mặt hàng trái cây dường như vẫn chưa có liều thuốc hiệu quả. Nông dân vẫn thường xuyên loay hoay với câu chuyện “được mùa mất giá”, “được giá mất mùa”. Tất nhiên, câu chuyện “giải cứu” nông sản vẫn hay được nhắc đến như một thực tế nội tại của một số nhóm ngành.

Ở góc nhìn sản xuất, nông dân dường như cũng đã thấm thía với những câu chuyện quá cũ. Gia đình ông Huỳnh Văn Hân (ấp Quang Khương, xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo) bén duyên với cây thanh long cách nay hơn 20 năm. Hiện gia đình ông đang canh tác 7 công thanh long ruột đỏ, với hơn 1.000 gốc. Thời gian đầu, ông Hân trồng thanh long theo kiểu truyền thống. 

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, ĐBSCL là vựa trái cây của cả nước. Toàn vùng đồng bằng hiện có khoảng 400.000 ha cây ăn trái, chiếm gần 40% diện tích cây ăn trái của cả nước. 

Những năm gần đây, sản xuất trái cây vùng ĐBSCL đứng trước những thách thức lớn do tác động của biến đổi khí hậu. Theo kết quả điều tra, nghiên cứu của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, mùa khô 2019 - 2020 đã làm cho hàng trăm ha cây ăn trái có giá trị như sầu riêng, chôm chôm chết do hạn - mặn và thiếu nước ngọt để tưới. 

Hàng ngàn ha cây ăn trái khác của toàn đồng bằng cũng bị ảnh hưởng nặng nề, suy giảm năng suất và chất lượng. Thời gian tới, trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, diễn biến thời tiết có xu hướng ngày càng cực đoan, dị thường hơn, ĐBSCL đang đứng trước những thách thức to lớn về an ninh nguồn nước.

Theo Thạc sĩ Trần Minh Tuấn, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, dòng chảy mùa lũ đang biến động theo xu thế giảm so với quá khứ. Từ năm 2011 về trước, khoảng 4 - 5 năm sẽ xuất hiện 1 trận lũ vừa - lớn. 

Tuy nhiên, từ sau năm 2012 đến nay, lũ nhỏ liên tục xuất hiện. Trong tương lai xa (30 - 50 năm tới) gần như số năm lũ lớn không đáng kể và gia tăng mạnh các năm lũ nhỏ và mất lũ. Dự báo, đến năm 2030, ranh mặn 4 g/l tăng bình quân 3,34 km so với hiện tại.

Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, ông cũng như nhiều hộ dân xung quanh đã dần chuyển sang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo ông Hân, thanh long bắt đầu có giá ổn định từ khoảng 15 năm trở lại đây và cho thu nhập cao hơn trồng lúa. 

Ông Hân cho biết, cây thanh long đã mang lại nguồn kinh tế rất lớn cho người dân xã Quơn Long nói riêng và huyện Chợ Gạo nói chung. Tuy nhiên, có những lúc thanh long trúng mùa mất giá, có năm trúng mùa trúng giá. 

Do đó, có những năm, người trồng thanh long rất khó khăn, điển hình như năm 2021. Nông dân trồng thanh long rất lo lắng về giá vật tư nông nghiệp và công lao động, với mặt bằng chung hiện nay rất cao. Người dân luôn mong muốn đầu ra trái thanh long ổn định; bởi khi thanh long rộ mùa, giá sẽ rẻ.

Đối với người trồng sầu riêng, kể từ khi Nghị định thư về việc xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 11-7-2022, giá loại trái này trên địa bàn tỉnh hầu như duy trì ở mức cao, giúp nông dân thu lợi nhuận lớn. Do đó, điều này đã dẫn đến tình trạng người dân ồ ạt trồng sầu riêng. Sầu riêng, nhưng vui chung rồi cũng có lúc “sầu chung”. 

Điều này đã được thể hiện rõ trong những tháng gần đây. Vào thời điểm cuối năm 2024 đến đầu năm 2025, giá sầu riêng trên địa bàn tỉnh bất ngờ giảm mạnh gần như chạm đáy. Nguyên nhân là do Trung Quốc siết chặt kiểm tra chất Cadimi và Vàng O, khiến việc xuất khẩu sầu riêng gặp khó. 

Điều này cho thấy, chỉ cần thị trường tiêu thụ có một sự thay đổi trong hàng rào kỹ thuật đối với trái cây xuất khẩu từ phía Trung Quốc đã làm cho ngành hàng sầu riêng nước ta điêu đứng. Đây cũng là một trong những khía cạnh đáng lưu tâm, bởi phần lớn trái cây hay nông sản nước ta phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. 

Ông Lương Văn Hận, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Quý (xã Phú Quý, TX. Cai Lậy) cho biết, trước Tết Nguyên đán 2025, thương lái thu mua sầu riêng Thái với giá chỉ từ 30.000 - 35.000 đồng/kg, còn sầu riêng Ri6 không mua luôn. Với mức giá đó, nhà vườn trồng sầu riêng từ huề vốn đến lỗ. Năm nay, sầu riêng vụ nghịch thất mùa mà giá lại rẻ nên nông dân rất khó khăn.

NHIỀU RÀO CẢN KHÁC

Câu chuyện giá bán chưa phải là tất cả đối với ngành hàng trái cây nói riêng, nông sản nói chung. Theo Tiến sĩ Võ Hữu Thoại, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, bên cạnh những thuận lợi, việc sản xuất cây ăn trái còn đối mặt với nhiều khó khăn. 

Cụ thể, khâu tổ chức sản xuất chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu. Trình độ kỹ thuật, kiến thức về cây ăn trái của người sản xuất còn hạn chế, chưa đồng đều giữa vùng miền. Công tác giống và quản lý cây giống chưa tốt dẫn đến cây giống kém chất lượng, hoặc không sạch bệnh được bán tràn lan, không kiểm soát được. 

Chưa kể, nông dân còn lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình canh tác. Mặt khác, hệ thống cơ sở hạ tầng các vùng sản xuất cây ăn trái tập trung chưa được quan tâm đầu tư, chưa đáp ứng kịp tốc độ phát triển của sản xuất. Doanh nghiệp chưa có vùng nguyên liệu, các liên kết sản xuất còn mang tính hình thức.

Cũng theo Tiến sĩ Võ Hữu Thoại, hiện hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm chưa chuyên nghiệp, thiếu vắng các doanh nghiệp lớn tham gia sản xuất, xuất khẩu. Việc tiêu thụ trái cây còn nhiều khâu trung gian, chủ yếu là thương lái. 

Theo Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang Lưu Văn Phi, tỉnh có diện tích cây ăn trái lớn nhất cả nước, với nhiều loại trái cây đặc sản riêng và quốc gia. 

Hiện nay, hạn chế trong sản xuất cây ăn trái của tỉnh nằm ở khâu chất lượng. Xuất khẩu trái cây tươi của nước ta chủ yếu sang thị trường Trung Quốc. Chúng ta đang gặp vấn đề về chất lượng như: Quy trình sản xuất, tồn dư chất cấm… 

Đó là vấn đề mà cơ quan quản lý nhà nước, nông dân cùng doanh nghiệp phải ngồi lại nhìn về lâu dài, chứ không chỉ vì lợi ích trước mắt.

Một trong những yếu tố quan trọng là doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực cây ăn trái rất ít và thiếu gắn kết với vùng nguyên liệu; chưa có thương hiệu mạnh. Song song đó, giá cả không ổn định, cung vượt cầu. 

Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch còn cao; công nghệ bảo quản, xử lý sau thu hoạch chậm được đầu tư cải thiện. Các sản phẩm chế biến chủ yếu phục vụ xuất khẩu chưa đa dạng, đặc biệt là sản phẩm chế biến sâu. Hệ thống thông tin thị trường còn hạn chế, lệ thuộc thị trường Trung Quốc (trên 70% giá trị xuất khẩu).

Bên cạnh đó, biến động và sự cạnh tranh của thị trường xuất khẩu ngày càng gay gắt (chi phí logistic, xử lý và sản xuất cao). Sự cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu ngày càng trở nên gay gắt, ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu trái cây Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). 

Yêu cầu của người tiêu dùng và quy định của nước nhập khẩu về chất lượng, đối tượng kiểm dịch, dư lượng thuốc, kim loại nặng (Cadimi, Asen)... ngày càng cao. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu trái cây chủ lực của Việt Nam ngày càng trở nên khắt khe hơn, với các quy định, hàng rào kỹ thuật.

Nhiều thị trường nhập khẩu trái cây khó tính trên thế giới dựng lên các hàng rào phi thuế quan, đặt ra các tiêu chuẩn khắt khe khiến cho một lượng lớn trái cây khó đáp ứng, ảnh hưởng xấu đến số lượng và kim ngạch xuất khẩu.

Trước thực tế hiện nay, việc hướng đến mục tiêu sản xuất nông nghiệp hiệu quả, bền vững vẫn còn là câu chuyện dài, cần được “làm mới” ở nhiều khâu. Tất nhiên, việc thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp là điều cần làm.

A. THƯ - T. AN

(còn tiếp)

.
.
.