Thứ Năm, 10/04/2025, 08:32 (GMT+7)
.

Kinh tế Tiền Giang sẵn sàng bứt phá - Bài cuối: Làm gì để tăng trưởng kinh tế đạt từ 8% trở lên?

Bài 1: Kinh tế phục hồi mạnh mẽ

Để thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt từ 8% trở lên, tỉnh Tiền Giang đã xây dựng kịch bản tăng trưởng cho từng khu vực kinh tế và kịch bản tăng trưởng theo từng quý. Trong đó, tỉnh đặc biệt chú trọng đến việc thu hút nguồn lực để phát triển.

Tập trung giải quyết “kịch bản” được đưa ra đối với từng ngành, địa phương là cách tỉnh Tiền Giang đã và đang triển khai với quyết tâm cao.

GIỮ VỮNG “BỆ ĐỠ” NÔNG NGHIỆP

Thực tế cho thấy, thời gian qua, dù tỷ trọng cơ cấu kinh tế của tỉnh đã có sự dịch chuyển đáng kể, song nông nghiệp vẫn là ngành đóng vai trò quan trọng. Đây chính là trụ đỡ của nền kinh tế. Do đó, Tiền Giang đang tập trung nhiều phải pháp để thúc đẩy ngành Nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững.

Tỉnh đang tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, phấn đấu đạt mức tăng trưởng từ 4,2% trở lên trong năm 2025.
Tỉnh đang tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, phấn đấu đạt mức tăng trưởng từ 4,2% trở lên trong năm 2025.

Theo Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Đình Thông, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng khu vực I đạt từ 4,2% trở lên, trong thời gian tới, Tiền Giang sẽ tập trung triển khai thực hiện một số đề án như: Đề án Điều chỉnh Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Tiền Giang đến năm 2030; Đề án Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông, tỉnh Tiền Giang đến năm 2025; Đề án Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi khu vực phía Bắc Quốc lộ 1, tỉnh Tiền Giang; Đề án Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; các dự án chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ các nông sản chủ lực trên thanh long, sầu riêng, xoài cát Hòa Lộc, chim cút, gà ác… 

Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Tài chính, mặc dù nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế tỉnh, nhưng xu hướng giảm tỷ trọng là một dấu hiệu của quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa. 

Tiền Giang đang chuyển từ nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp sang một nền kinh tế đa dạng hơn với sự đóng góp mạnh mẽ của các ngành Công nghiệp và Thương mại - dịch vụ. 

Sự gia tăng mạnh mẽ của khu vực công nghiệp là một tín hiệu tích cực cho sự phát triển của nền kinh tế Tiền Giang, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa.

Tỉnh đang thúc đẩy công nghiệp chế biến, sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng cao, giúp nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và tạo ra nhiều cơ hội việc làm. Thương mại - dịch vụ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại, vận tải, logistics và tài chính.

Một trong những giải pháp quan trọng là tiếp tục phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; đổi mới tổ chức sản xuất. Tỉnh sẽ tập trung thực hiện chuỗi giá trị trên lúa, cây ăn trái, rau, chăn nuôi và thủy sản; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, từng bước kết nối với chuỗi cung ứng trong nông sản (dịch vụ logistics).

Với nhiệm vụ quan trọng được phân công, Sở Nông nghiệp và Môi trường cũng đã xây dựng Kế hoạch thực hiện kịch bản chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế tỉnh Tiền Giang đạt từ 8% trở lên trong lĩnh vực Nông nghiệp và Môi trường năm 2025, với nhiều nội dung cụ thể liên quan đến từng lĩnh vực mà ngành đang phụ trách. 

Theo đó, ngành Nông nghiệp và Môi trường phấn đấu thực hiện mục tiêu tăng trưởng khu vực I (nông, lâm, thủy sản) đạt 4,2% trở lên. Để đạt được mục tiêu này, ngành phấn đấu đạt, vượt các chỉ tiêu về sản xuất nông nghiệp như cây lúa có diện tích gieo trồng trên 100 ngàn ha, sản lượng hơn 622 ngàn tấn; cây màu có diện tích gieo trồng 52 ngàn ha, sản lượng 1,15 triệu tấn; cây ăn trái các loại có diện tích 88,6 ngàn ha, sản lượng 1,85 triệu tấn; đàn heo hơn 306 ngàn con, đàn bò 120 ngàn con và đàn gia cầm 16,8 triệu con…và nhiều chỉ tiêu khác. Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường cũng đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trực thuộc để tập trung thực hiện nhằm đạt được kế hoạch đã đề ra.

LẤY ĐẦU TƯ CÔNG DẪN DẮT ĐẦU TƯ TƯ

Thực tế cho thấy, để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, việc huy động các nguồn lực đóng vai trò quan trọng. Bên cạnh nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn từ các thành phần kinh tế tư nhân, vốn đầu tư nước ngoài chính là động lực trong phát triển.

Theo đồng chí Nguyễn Đình Thông, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng khu vực II đạt từ 12,5% trở lên, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung mời gọi đầu tư để lấp đầy Khu công nghiệp (KCN) Long Giang. Đồng thời, tỉnh cũng tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, khu tái định cư, xây dựng kết cấu hạ tầng các khu - cụm công nghiệp (CCN) đã được phê duyệt để tạo quỹ đất công nghiệp thu hút đầu tư, nhất là: KCN Tân Phước 1, KCN Bình Đông, CCN Thạnh Tân, CCN Gia Thuận 2… 

Tiền Giang cũng sẽ tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư, phấn đấu thu hút vào KCN được 90 triệu USD. Để tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai và thu hút phát triển công nghiệp, tỉnh sẽ tiếp tục theo dõi, đôn đốc việc thực hiện đầu tư các công trình lưới điện theo quy hoạch đã được phê duyệt nhằm đảm bảo cung cấp điện đầy đủ và ổn định cho các KCN, CCN, dự án trọng điểm của tỉnh, cho sản xuất, kinh doanh… 

Song song đó, Tiền Giang sẽ đẩy nhanh tiến độ lập, trình duyệt chủ trương đầu tư làm cơ sở để cơ quan chuyên môn tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án KCN Soài Rạp; lựa chọn mời gọi nhà đầu tư cho CCN Mỹ Phước Tây, CCN Mỹ Lợi, CCN Long Bình, CCN Vĩnh Hựu, CCN Phú Thạnh...; đồng thời, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để mời gọi đầu tư các dự án: CCN Mỹ Phước 1; khu đất mời gọi đầu tư nhà máy chế biến nông sản và dịch vụ phục vụ sản xuất chế biến nông sản; đăng ký bổ sung vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đảm bảo hồ sơ, thủ tục trình phê duyệt chủ trương đầu tư CCN Mỹ Phước 1, CCN Mỹ Phước 2, CCN Mỹ Phước 3.

Cùng với đẩy mạnh phát triển công nghiệp, Tiền Giang phấn đấu tăng trưởng ngành Xây dựng đạt từ 15,5% trở lên. Giải pháp được Tiền Giang đưa ra là huy động hiệu quả các nguồn vốn bố trí đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư. 

Tỉnh sẽ tập trung quyết liệt cho công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư, đấu thầu... để sớm khởi công, giải ngân vốn đầu tư công đảm bảo giải ngân mỗi quý trên 24% và cả năm đạt trên 98% kế hoạch. Trong đó, Tiền Giang sẽ tập trung triển khai các trọng điểm như: Dự án thành phần 2 thuộc Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1; Đường tỉnh 864 (đường dọc sông Tiền); Đường giao thông hai bên bờ sông Bảo Định. 

Để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế năm 2025, giải pháp mà Tiền Giang đưa ra là đẩy mạnh gặp gỡ doanh nghiệp, tập trung đầu tư cho 2 vùng phát triển trọng điểm của tỉnh. 

Cụ thể, tỉnh sẽ khảo sát tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, trong đó tập trung vào các doanh nghiệp có đóng góp lớn cho tăng trưởng GRDP của tỉnh. 

Đồng thời, Tiền Giang cũng đã gặp gỡ doanh nghiệp để động viên, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc. Tỉnh cũng phấn đấu phát triển đạt từ 910 đến 950 doanh nghiệp. 

Một trong những giải pháp quan trọng là tổ chức hội nghị triển khai những định hướng phát triển theo Quy hoạch tỉnh và tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư, nhất là 2 vùng phát triển trọng điểm của tỉnh gồm: Vùng công nghiệp Tân Phước và vùng công nghiệp Gò Công.

Đồng thời, Tiền Giang cũng sớm hoàn thiện thủ tục quy hoạch đầu tư để mời gọi đầu tư Cảng biển Tiền Giang ở huyện Gò Công Đông.

Đồng thời, tỉnh tập trung hoàn tất thủ tục chuẩn bị đầu tư Dự án Đường tỉnh 877C; tuyến đường bộ ven biển; trục giao thông đô thị, đường Hùng Vương (nối dài), đường tỉnh 878 (giai đoạn 2). Đồng thời, hỗ trợ, đôn đốc các dự án đầu tư mới, dự án đầu tư mở rộng quy mô, ngành nghề sản xuất, kinh doanh sớm hoàn thành đi vào hoạt động để đóng góp tăng trưởng cho ngành Xây dựng và Công nghiệp…

Bên cạnh đó, dịch vụ là lĩnh vực mà tỉnh đang tập trung đẩy mạnh phát triển đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên trong năm 2025. Theo đồng chí Nguyễn Đình Thông, để đạt mục tiêu tăng trưởng khu vực III đạt từ 8,3% trở lên, trong thời gian tới, tỉnh sẽ triển khai các hoạt động kết nối cung cầu và xúc tiến thương mại thị trường trong nước. 

Theo đó, tỉnh phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 96,5 ngàn tỷ đồng, tăng 10,4% so với năm 2024. Tiền Giang sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn mới của thị trường xuất khẩu; phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 7 tỷ USD. 

Còn trên lĩnh vực du lịch, tỉnh sẽ tập trung đầu tư, thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng, thu hút các dự án du lịch ở Tân Thành, Cồn Ngang...; đồng thời, xây dựng danh mục dự án mời gọi đầu tư khả thi tại 4 trung tâm du lịch chính như: Khu du lịch Cái Bè, Khu du lịch cù lao Thới Sơn, Khu du lịch biển Tân Thành và Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười... để đầu tư, mời gọi đầu tư. 

Tiền Giang cũng tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, như: Khu du lịch Hương Biển (Khu du lịch biển Tân Thành), Khu du lịch sinh thái Bình An, Khu đón tiếp đường bộ. Đặc biệt là tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản: Khu dân cư nông thôn mới Vĩnh Kim, Khu dân cư An Hòa, Khu đô thị Nguyễn Trọng Hợp, Đường Trương Định và khu dân cư hai bên đường giai đoạn 3, các dự án nhà ở xã hội.

A.P - A.THƯ
 

.
.
.