Ngọt thơm cơm rượu truyền thống Toàn Thắng
Đằng sau hương vị nồng ấm, ngọt dịu của món cơm rượu truyền thống Toàn Thắng là cả một câu chuyện khởi nghiệp đầy tâm huyết của bà Huỳnh Thị Loan (sinh năm 1969, xã Thanh Hòa, TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang).
Từ những trăn trở về hệ lụy của rượu, bia đến sức khỏe cộng đồng, bà đã “ươm mầm” nên một sản phẩm không chỉ lưu giữ giá trị văn hóa ẩm thực truyền thống, mà còn lan tỏa những giá trị tốt đẹp. Và mới đây, sản phẩm đã vinh dự đạt chứng nhận OCOP hạng 3 sao.
Giữa vùng đất TX. Cai Lậy trù phú, câu chuyện khởi nghiệp của bà Huỳnh Thị Loan, chủ Hộ kinh doanh Cơm rượu truyền thống Toàn Thắng tại xã Thanh Hòa đã mang một dấu ấn đặc biệt. Trong khi nhiều người hướng đến những ý tưởng kinh doanh hiện đại, thì bà Loan lại chọn cho mình một hướng đi riêng, đầy tâm huyết, đó là ủ cơm rượu và nước cơm rượu nếp theo phương pháp truyền thống, không chỉ vì mục tiêu kinh doanh, mà còn để giữ gìn và phát triển hương vị truyền thống đặc trưng của quê hương.
![]() |
Bà Loan vo viên cơm rượu. |
Chia sẻ về ý tưởng độc đáo này, bà Loan cho biết, bản thân bà cũng từng trải qua những buổi tiệc tùng, gặp gỡ bạn bè mà rượu, bia dường như trở thành “chất xúc tác” không thể thiếu. Chứng kiến những ảnh hưởng của việc lạm dụng đồ uống có cồn đến sức khỏe và tinh thần, bà ấp ủ về một loại thức uống vừa giữ được nét văn hóa giao tiếp, vừa tốt cho cơ thể, đặc biệt là phụ nữ.
“Tôi từng ao ước có loại thức uống nào đó vừa mang lại niềm vui trong giao tiếp, vừa tốt cho cơ thể, giúp chị em phụ nữ thêm đẹp” - bà Loan chia sẻ về ý tưởng khởi nghiệp của mình.
Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hòa Nguyễn Thị Nghiệm cho biết, thời gian qua, lãnh đạo xã Thanh Hòa luôn quan tâm, chỉ đạo các ngành, đoàn thể chính trị - xã hội của xã tích cực giới thiệu, quảng bá sản phẩm cơm rượu truyền thống Toàn Thắng đến đông đảo người tiêu dùng. Đây là một sản phẩm tiêu biểu của xã, mang đậm giá trị truyền thống. Thời gian tới, xã Thanh Hòa sẽ tiếp tục rà soát và tạo điều kiện thuận lợi để các chủ thể có sản phẩm tiềm năng, nổi trội tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Xã kỳ vọng sẽ có thêm nhiều sản phẩm OCOP chất lượng, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy kinh tế - xã hội của xã Thanh Hòa ngày càng phát triển. |
Từ suy nghĩ đó, ý tưởng khởi nghiệp dần hình thành trong tâm trí bà. Với sự động viên và đồng hành của chồng, bà Loan bắt đầu hiện thực hóa giấc mơ của mình, vượt qua những áp lực buổi đầu kinh doanh.
“Chồng tôi luôn ủng hộ và hết lòng phụ giúp công việc. Sự đồng hành của chồng đã giúp tôi vững tâm hơn trên con đường kinh doanh của mình” - bà Loan chia sẻ thêm.
Tuy nhiên, con đường khởi nghiệp ban đầu của bà không hề bằng phẳng, phải đối mặt với vô vàn khó khăn, từ việc tìm hiểu một cách bài bản quy trình ủ cơm rượu truyền thống, đến những thử nghiệm không ngừng để đạt được hương vị đặc trưng và chất lượng ổn định cho sản phẩm.
“Sản phẩm cơm rượu truyền thống và nước cơm rượu nếp lên men tự nhiên mất khá nhiều thời gian và khó áp dụng khoa học công nghệ. Việc chờ đợi một sản phẩm hoàn chỉnh đôi khi rất dài, nhưng kết quả lại không như mong đợi, khiến tôi không ít lần chán nản và muốn bỏ cuộc” - bà Loan nhớ lại những ngày đầu gian nan.
Những mẻ cơm rượu không đạt yêu cầu, những lần thất bại tưởng chừng như nhấn chìm mọi nỗ lực. Thế nhưng, với sự kiên trì và tình yêu dành cho công việc, bà Loan không ngừng học hỏi, tìm tòi, rút kinh nghiệm từ những vấp ngã để tiếp tục tiến bước.
Khó khăn không chỉ dừng lại ở quy trình sản xuất, bà Loan còn phải đối mặt với những thách thức trong việc xây dựng thương hiệu và tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Trong bối cảnh thị trường với vô số sản phẩm đồ uống, việc đưa một sản phẩm truyền thống như cơm rượu đến gần hơn với người tiêu dùng là một bài toán không dễ.
Tuy nhiên, bằng chất lượng, hương vị thơm ngon đặc trưng và những lợi ích sức khỏe mà cơm rượu và nước cơm rượu nếp mang lại, sản phẩm của bà Loan dần chinh phục được người tiêu dùng địa phương.
![]() |
Bà Loan chan nước đường sau khi cơm rượu đã được ủ 3 ngày. |
Đến nay, thương hiệu Cơm rượu truyền thống Toàn Thắng đã trở thành một cái tên quen thuộc và được nhiều người ưa chuộng. Sự công nhận của thị trường chính là “quả ngọt” cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của bà Huỳnh Thị Loan.
Không dừng lại ở những thành công ban đầu, bà Loan còn ấp ủ những dự định phát triển hơn nữa cho thương hiệu này, nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới vào quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời, có kế hoạch mở rộng thị trường thông qua các kênh bán hàng trực tuyến như Zalo, Facebook và các sàn thương mại điện tử.
Câu chuyện khởi nghiệp của bà Huỳnh Thị Loan với cơm rượu và nước cơm rượu nếp truyền thống Toàn Thắng không chỉ là câu chuyện kinh doanh thành công, mà còn là nguồn cảm hứng cho những ai dám theo đuổi đam mê và trân trọng những giá trị văn hóa ẩm thực truyền thống. Từ trăn trở cá nhân, bà Loan đã tạo ra một sản phẩm không chỉ mang lại lợi ích sức khỏe, mà còn góp phần làm phong phú thêm nền ẩm thực của vùng đất Tiền Giang.
Sự thành công của thương hiệu sản phẩm OCOP Cơm rượu truyền thống Toàn Thắng là minh chứng cho sự tâm huyết và nỗ lực không ngừng nghỉ của người phụ nữ đã hơn 55 tuổi. Bà Loan vẫn luôn tâm niệm về việc tiếp tục phát triển những tinh túy của sản phẩm để mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm phong phú hơn, tinh tế hơn về hình thức và ngày càng tốt cho sức khỏe.
ANH TÚ - HÀ NAM