Tính toán "kịch bản" thích ứng mức thuế mới từ thị trường Mỹ
(ABO) Việc Mỹ áp thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Tiền Giang. Do đó, nhiều DN trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang nỗ lực vượt khó để thích ứng với những biến đổi của thị trường.
DỰ BÁO BAN ĐẦU
Trước thông tin Mỹ áp ức thuế đối ứng đối với hàng hóa của Việt Nam, các DN đã đưa ra những dự báo. Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Tuấn Hiền (huyện Tân Phú Đông) hiện có hơn 30 ha tôm sú nuôi công nghệ cao. Những ngày gần đây, DN đã khẩn trương thu hoạch các ao tôm đến lứa. Dù giá có giảm hơn tháng trước khoảng 20%, nhưng DN không “neo ao” vì ngại giá sẽ tiếp tục giảm khi Mỹ áp thuế đối ứng 46%. Ông Ngô Minh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Tuấn Hiền cho biết, hiện người nuôi tôm size lớn mới bán, thường là loại 20, 30 con/kg. 2 loại size này đang giảm giá khá nhiều, chỉ riêng size nhỏ còn giữ giá do ít người bán. Nguyên nhân khiến giá tôm quay đầu giảm có thể là do thông tin từ việc Mỹ áp thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Các DN thủy sản của Việt Nam đang giảm giá, thận trọng trong việc thu mua.
Cũng theo ông Tuấn, với góc độ doanh nghiệp, dự báo, giá tôm trong thời gian tới chắc chắn sẽ tiếp tục giảm. Bởi khi nhà máy giảm giá thu mua thì các đầu mối khác tiêu thụ tại nội địa sẽ giảm theo. Tới đây, ngành nuôi tôm nói riêng và thủy sản nói chung sẽ đối diện với nhiều khó khăn. Do đó, doanh nghiệp buộc phải chuyển hướng sản xuất theo nhu cầu của thị trường. Trước đây, doanh nghiệp nuôi tôm size lớn để xuất khẩu sang thị trường Mỹ thì giờ chuyển hướng sang thị trường đánh thuế thấp hơn. Ví dụ như thị trường Trung Quốc, thị trường này tiêu thụ tôm size nhỏ hơn Mỹ.
![]() |
Thu hoạch tôm tại Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Tuấn Hiền. |
Liên quan đến mức thuế suất đối ứng mới của Mỹ, Giám đốc một DN chế biến thủy sản xuất khẩu cho biết, với mức thuế này đương nhiên các DN có sản phẩm xuất khẩu sang thị trường này sẽ gặp khó. Chính vì vậy, công ty cũng đang theo dõi sát diễn biến tình hình, đồng thời nghiên cứu kỹ thị trường xuất khẩu để có giải pháp tính toán trong thời gian tới. “Thực ra, trong thời gian qua, thị trường xuất khẩu chính của công ty chủ yếu vẫn nằm ở các nước châu Âu, Trung Quốc. Tuy nhiên, việc mức thuế suất vào thị trường Mỹ tới đây khá cao sẽ tác động như thế nào đến các thị trường khác. Đây là điều mà công ty cũng đang nghĩ tới”- Giám đốc DN này cho biết.
Nhiều DN khác cũng chia sẻ thông tin liên quan đến việc Mỹ áp thuế đối với hàng hóa của Việt Nam. Công ty TNHH Vina XO (xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây) là DN chuyên sơ chế trái cây như: Xoài, mít, thanh long xuất khẩu qua các thị trường khó tính. Đối với thị trường Mỹ, mỗi tháng DN này xuất khẩu từ 1-2 container xoài (tương đương 40 tấn).
Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc Công ty TNHH Vina XO cho biết, trước thông tin Mỹ áp dụng mức thuế nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam với mức 46%, điều này đã ảnh hưởng đến hoạt động của DN. Phía đối tác yêu cầu sản xuất “chậm lại” chờ quyết định cuối cùng. Ông Nguyễn Anh Khoa cho biết thêm: “Mỹ áp thuế này thì các đơn hàng chờ ổn định rồi mới làm tiếp tại vì chưa chính thức. Từ 0% tăng lên 46% là mức tăng này khá cao, nên phải đàm phán với đầu ra. Bây giờ DN mong thuế thấp xuống để khỏi cạnh tranh với các nước khác”.
Nhiều nhóm ngành hàng khác cũng đưa ra nhận định ban đầu khi có thông tin Mỹ áp mức thuế 46%. Giám đốc một DN trong ngành hàng may mặc chuyên làm hàng gia công xuất khẩu sang thị trường Mỹ cho rằng, tất nhiên với mức thuế 46% chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN có đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Trước mắt, mức thuế này ảnh hưởng đến các đơn hàng đã được ký hợp đồng trước. Tuy nhiên, mức thuế suất này mới được đưa ra. Hiện nay, Trung ương cũng đang nỗ lực tìm các giải pháp để giải quyết tình hình thuế suất mới sang thị trường Mỹ. Chúng tôi vẫn hy vọng sẽ có thay đổi theo hướng tích cực hơn.
THEO DÕI SÁT TÌNH HÌNH
Trước diễn biến hiện nay, theo Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang Lưu Văn Phi, năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt được 6,52 tỷ USD. Sở Công thương đã tổng hợp số liệu từ Cục Hải quan và khai báo của các DN qua phần mềm do Sở Công thương xây dựng. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ chiếm khoảng 21,5%/ tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Trong đó, những sản phẩm xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Hoa Kỳ gồm: Giày dép các loại khoảng 319 triệu USD; dệt may khoảng 322 triệu USD; chất dẻo 96 triệu USD; túi xách, vali, ô dù 107 triệu USD; sợi nhân tạo, thảm cỏ 66 triệu USD; sắt thép 46 triệu USD; ống đồng khoảng 38 triệu USD…
Đối với mặt hàng chủ lực của tỉnh như: Thủy sản, trái cây, gạo… thì cá da trơn chỉ chiếm một tỷ trọng khá khiêm tốn, khoảng 6% trong tổng kim ngạch chung. Trong đó, chỉ có một DN là có kim ngạch xuất khẩu khá lớn sang thị trường Hoa Kỳ. Các DN còn lại chủ yếu xuất khẩu sang thị trường EU và Trung Quốc. Chính vì vậy, khi Mỹ áp thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, các DN chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh không bị tác động lớn lắm. Riêng đối với mặt hàng trái cây, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm trái cây đóng hộp vào thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng rất thấp. Từ đó, không có tác động lớn đến kim ngạch xuất khẩu chung của tỉnh. Tỉnh vẫn xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc với mặt hàng trái cây tươi. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 120 triệu USD năm 2024, phần xuất khẩu tươi chính ngạch vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Chính vì vậy, các mặt hàng chính của tỉnh không bị tác động lớn.
Theo đồng chí Lưu Văn Phi, hiện nay, các mặt hàng có sử dụng lao động nhiều như: Dệt may, da giày có kim ngạch xuất khẩu lớn, chủ yếu là DN có vốn đầu tư nước ngoài. Chính vì vậy, khi Mỹ áp thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam một phần nào đó sẽ ảnh hưởng đến DN. Trước mắt, đơn hàng các DN vẫn thực hiện, nhưng khi thuế suất cao buộc DN phải cắt giảm sản lượng, lao động. Sở Công thương tỉnh Tiền Giang sẽ phối hợp với Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang, các sở, ngành, địa phương có liên quan tiếp tục quan sát diễn biến để tham mưu UBND tỉnh Tiền Giang có những giải pháp thích ứng.
Nhìn trên bình diện tổng thể, mức thuế suất đối ứng 46% đối với hàng hóa nhập từ Việt Nam mới được Mỹ đưa ra những ngày gần đây, nên việc tác động đối với các DN ở mức độ nào cũng cần có thời gian để phân tích, đánh giá thêm. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng, bên cạnh các giải pháp từ trung ương, mỗi DN cũng cần phải “cân chỉnh” lại hoạt động sản xuất, kinh doanh để thích ứng với từng thị trường xuất khẩu.
A.T - T.A