Tiền Giang: Thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Công nghiệp hóa - hiện đại hóa là mục tiêu quan trọng mà Đảng bộ và chính quyền Tiền Giang tập trung thực hiện trong những năm qua. Với những giải pháp quyết liệt, linh hoạt cùng sự tập trung có trọng tâm, trọng điểm, lĩnh vực công nghiệp của tỉnh đã có những bước chuyển tích cực. Theo đó, tỉnh đã tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp (CCN) nhằm đón sóng đầu tư.
ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP
Cùng với cả nước, ngành Công nghiệp của Tiền Giang cũng đã được định hình từ những năm 1990 và phát triển khá nhanh trong những năm gần đây, nhất là khi Tiền Giang hình thành các khu, CCN. Khi công nghiệp phát triển đã góp phần tích cực trong giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách và nhiều chính sách xã hội khác.
![]() |
Cụm công nghiệp Gia Thuận 1, huyện Gò Công Đông hiện đã đi vào hoạt động. Ảnh: MINH THÀNH |
Chủ trương phát triển công nghiệp của Tiền Giang tiếp tục được triển khai, nhất là đối với các khu vực còn tiềm năng lớn như Tân Phước hay khu ven biển Gò Công. Bởi theo quy hoạch đến năm 2030, Tiền Giang sẽ phát triển 11 khu công nghiệp (KCN), với tổng diện tích hơn 3.358 ha, gồm 6 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất gồm: Mỹ Tho, Tân Hương, Long Giang, Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp, Bình Đông, Tân Phước 1 với tổng diện tích hơn 1.783 ha; riêng 5 KCN gồm: Tân Phước 2, Tân Phước 3, Tân Phước 4, Tân Phước 5, Phú Tân với tổng diện tích 1.575 ha sẽ được phát triển mới khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về KCN.
Hiện nay, 3 KCN là Mỹ Tho, Tân Hương, Long Giang, với tổng diện tích hơn 816 ha đã đi vào hoạt động ổn định với tỷ lệ thuê đất đạt hơn 89%. Riêng KCN Bình Đông và KCN Tân Phước 1 đang khẩn trương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để nhà đầu tư triển khai đầu tư hạ tầng. Theo kế hoạch tiến độ đăng ký, dự kiến cuối năm 2025, 2 KCN này sẽ đưa vào khai thác với diện tích khoảng 120 ha.
![]() |
Dự án thành phần 2 thuộc Dự án Đường tỉnh 864 giai đoạn 1 đã hoàn thành đoạn từ Quốc lộ 50 (TP. Mỹ Tho) đến đường tỉnh 877B. Ảnh: MINH THÀNH |
Dự kiến đến năm 2030, Tiền Giang sẽ lấp đầy 100% diện tích đất công nghiệp tại 3 KCN: Long Giang, Bình Đông và Tân Phước 1. Song song đó, tỉnh tiếp tục quy hoạch phát triển 26 CCN, với tổng diện tích 1.375 ha, nâng tổng số CCN lên 30 CCN với tổng diện tích 1.476 ha. Hiện toàn tỉnh có 4 CCN đã đầu tư hạ tầng (Trung An, Tân Mỹ Chánh, An Thạnh, Gia Thuận 1), với tổng diện tích 101,03 ha.
Với việc tập trung phát triển hạ tầng công nghiệp, thời gian qua, các khu, CCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút nhiều dự án đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Các dự án khi đi vào hoạt động đã phát huy hiệu quả trong việc giải quyết việc làm cho người lao động, đóng góp ngân sách nhà nước và xuất khẩu…
Hiện nay, các KCN trên toàn tỉnh thu hút được 114 dự án với tổng vốn đầu tư là 2,85 tỷ USD và4.959 tỷđồng. Qua đó, giải quyết việc làm cho hơn 86.700 lao động. Các CCN đang hoạt động thu hút 68 dựán với tổng vốn đầu tư đăng ký 0,2 tỷ USD và 998,2 tỷ đồng. Các doanh nghiệp hoạt động sản xuất tương đối ổn định, giải quyết việc làm cho hơn 14.500 lao động.
TẬP TRUNG HẠ TẦNG
Để tiếp tục triển khai phát triển các dự án đầu tư hạ tầng KCN, CCN, các dự án đầu tư thứ cấp vào KCN, CCN trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND TP. Gò Công và huyện Tân Phước đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất, giải phóng mặt bằng dự án KCN Bình Đông, KCN Tân Phước 1; đồng thời, liên hệ Bộ Nông nghiệp và Môi trường đăng ký bổ sung chỉ tiêu đất, KCN, CCN, làm cơ sở để tổ chức mời gọi đầu tư dự án KCN Tân Phước 2, CCN Mỹ Phước 2, Mỹ Phước 3; tập trung tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để mời gọi đầu tư các dự án CCN Mỹ Phước 1…
Tỉnh cũng sẽ tập trung mời gọi đầu tư để lắp đầy KCN Long Giang; đẩy nhanh tiến độ lập dự án, trình duyệt chủ trương đầu tư làm cơ sở để Sở Nông nghiệp và Môi trường tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án KCN Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp; tổ chức lựa chọn chủ đầu tư các CCN Mỹ Phước Tây, Mỹ Lợi, Long Bình, Vĩnh Hựu, Phú Thạnh…
![]() |
Công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Long Giang, huyện Tân Phước. Ảnh: HÀ NAM |
Theo Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Đình Thông, giai đoạn 2011 - 2025, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tỉnh Tiền Giang tăng trưởng đáng kể qua các giai đoạn. Từ 96.134 tỷ đồng trong giai đoạn 2011 - 2015 đến 157.682 tỷ đồng trong giai đoạn 2016 - 2020 và dự kiến sẽ đạt 233.793 tỷ đồng trong giai đoạn 2021 - 2025.
Điều này phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế và sự tăng cường thu hút đầu tư vào tỉnh. Sự gia tăng vốn đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020 và dự báo trong giai đoạn 2021 - 2025 chủ yếu dành cho các dự án hạ tầng lớn (đặc biệt là hạ tầng giao thông, công nghiệp chế biến chế tạo và cơ sở hạ tầng logistics).
Điều này cho thấy tỉnh Tiền Giang đang chú trọng vào việc tạo ra nền tảng vững chắc để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước; đồng thời, tạo động lực cho các ngành Công nghiệp phát triển bền vững. Việc tăng trưởng mạnh mẽ vốn đầu tư toàn xã hội trong giai đoạn 2021 - 2025 phản ánh chiến lược công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong tương lai, với các dự án lớn và các KCN, khu chế xuất, phát triển ngành dịch vụ.
Trên hành trình chung thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa của cả nước, Tiền Giang đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng. Thế nhưng, chặng đường phía trước của Tiền Giang vẫn còn dài. Bởi, thật ra, chủ trương công nghiệp hóa - hiện đại hóa của Tiền Giang chưa có điểm dừng. Bởi những tiềm năng, lợi thế của Tiền Giang thời gian qua chưa được khai thác đúng mức, không gian phát triển kinh tế vẫn còn lớn, đặc biệt là thông qua Quy hoạch tỉnh Tiền Giang đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
THẾ ANH - ANH THƯ