Thứ Bảy, 19/07/2025, 21:18 (GMT+7)
.

Kỹ sư cơ khí khởi nghiệp thành công với mô hình chăn nuôi "độc, lạ"

(ABO) Vốn là kỹ sư cơ khí nhưng lại đam mê với sản xuất nông nghiệp, anh Huỳnh Văn Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Nam Hiếu Việt (xã An Thạnh Thuỷ, tỉnh Đồng Tháp) đã về quê và khởi nghiệp thành công với mô hình chăn nuôi “độc, lạ”.

Trang trại dúi của anh Hiếu hiện có khoảng 300 con dúi sinh sản.
Trang trại dúi của anh Hiếu hiện có khoảng 300 con dúi sinh sản.

Trước đây, anh Hiếu theo học ngành cơ khí của Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Sau khi ra trường, anh làm việc tại một doanh nghiệp (DN) ở TP. Hồ Chí Minh. Theo anh Hiếu, thời sinh viên, anh tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện và được đi nhiều nơi.

Qua những chuyến đi đó, anh biết đến nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hay, triển vọng. Qua tìm hiểu, thấy mô hình nuôi dúi phù hợp với điều kiện ở quê nên cuối năm 2022, anh khăn gói trở về quê để khởi nghiệp.

Ngoài việc tập trung phát triển kinh tế, với vai trò là Ủy viên Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Tiền Giang (nay là tỉnh Đồng Tháp), anh Hiếu đã tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội hướng về cộng đồng. Là Trưởng Ban chỉ huy Dự án Nhà Nhân ái huyện Chợ Gạo trước đây, anh đã tích cực hỗ trợ, vận động hỗ trợ kinh phí xây dựng 5 căn nhà cho các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn; trao tặng học bổng tiếp bước đến trường… Bản thân anh đã 32 lần tham gia hiến máu tình nguyện.

Với những thành tích đạt được, mới đây, anh Hiếu vinh dự được Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng danh hiệu Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần thứ VIII, năm 2025 và nhiều Bằng khen, Giấy khen của UBND tỉnh, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam…

Anh Hiếu bày tỏ: “Đối với một người trẻ, tôi tâm niệm rằng, ngoài việc phát triển kinh tế thì cống hiến cho xã hội cũng là một điều đáng quý để nhân rộng và lan toả tinh thần hướng về cộng đồng”.

Nói về nguyên do không gắn bó với nghề cơ khí, anh Hiếu cho biết: “Ở quê có nhiều tư liệu sản xuất có sẵn như: Ruộng đất, nguồn thức ăn cho dúi… Nếu mình không tận dụng được thì rất lãng phí. Bên cạnh đó, khi về quê được gần với gia đình, cộng thêm tính thích khám phá, trải nghiệm, không thích gò bó trong môi trường DN và đam mê ngành Nông nghiệp nên tôi mới bỏ phố về quê để khởi nghiệp”.

Lúc mới khởi nghiệp, anh mua 10 cặp dúi giống về để nuôi thử nghiệm. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 1 tuần, 10 cặp dúi bị chết sạch, anh lỗ hơn 20 triệu đồng. Sau lần thất bại này, anh Hiếu bắt đầu đi nhiều nơi để học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm chăn nuôi và tìm con giống tốt. Sau đó, anh tiếp tục đầu tư chuồng trại, mua 25 cặp dúi giống (loại dúi Mốc) để viết tiếp hành trình khởi nghiệp của mình. Nhờ không ngừng học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm chăm sóc, đàn dúi sinh trưởng tốt và sinh sản, phát triển cho đến nay.

 

Theo anh Hiếu, thức ăn của dúi là tre, mía, bắp. Đây là các loại thức ăn có thể chủ động được tại địa phương. Từ lúc sinh ra cho đến dúi đẻ con mất khoảng 8 tháng. Mỗi lứa, dúi đẻ được 1 - 4 con. Trung bình mỗi năm, dúi đẻ từ 3 - 4 lứa nếu trong điều kiện chăm sóc tốt.

Ưu điểm của nuôi dúi là dễ nuôi, ít bệnh, giá trị kinh tế cao. Hiện nay, công ty có 2 trang trại nuôi dúi, tại xã An Thạnh Thuỷ và Tây Nguyên) với tổng đàn khoảng 300 con dúi sinh sản. Công ty đang cung cấp dúi hơi cho thị trường khoảng 750.000 đồng/kg. Riêng dúi con trọng lượng từ 500 - 800 gram có giá 1,8 triệu đồng/cặp, dúi hậu bị 2,8 triệu đồng/cặp.

Anh Hiếu chia sẻ: “Nuôi dúi chỉ tốn chi phí đầu tư chuồng trại và con giống, chứ thức ăn thì ít tốn. Trong chăn nuôi dúi, người nuôi chỉ cần đảm bảo môi trường mát mẻ (không quá 32 độ C), thức ăn phải sạch. Bởi dúi chỉ có 2 bệnh phổ biến là tiêu hoá và đường hô hấp. Hiện nay, công ty đang cung cấp con giống cho người dân. Đồng thời, cung cấp dúi thịt cho các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, công ty bao tiêu đầu ra cho những hộ dân mua dúi giống của DN để nuôi với giá dúi thịt khoảng 500.000 đồng/kg. Công ty đã nhân rộng được cho khoảng 30 hộ dân trên địa bàn tỉnh. Hiện công ty không lo đầu ra, không có đủ hàng để bán. Bởi ngoài bán cho người dân địa phương, công ty còn tập trung bán hàng qua các nền tảng mạng xã hội, nhờ vậy tiếp cận được lượng khách hàng lớn”.

Ngoài mô hình nuôi dúi, anh Hiếu còn nuôi thêm gà đen H’Mông với tổng đàn khoảng 300 con gà đẻ. Khi mới bắt tay nuôi loại gà này, anh Hiếu đã đi đến các tỉnh phía Bắc để mua con giống về để nhân giống.

Đoàn viên, thanh niên tham quan mô hình nuôi dúi của anh Hiếu.
Đoàn viên, thanh niên tham quan mô hình nuôi dúi của anh Hiếu.

Anh Hiếu chia sẻ: “Sau khi nuôi dúi được 4 tháng, thấy vườn nhà còn rộng nên tôi tìm hiểu và đi mua giống gà đen H’Mông về nuôi với mục đích lấy ngắn nuôi dài. Tôi đã trực tiếp đến các bản, làng của người đồng bào ở các tỉnh phía Bắc để mua con giống. Do là giống gà lạ nên ban đầu, việc nuôi cũng gặp nhiều khó khăn. Sau khoảng 2 tháng, với hơn 30 con gà giống ban đầu, việc chăn nuôi giống gà đen H’Mông dần ổn định và nhân rộng đàn cho đến bây giờ.

“Ưu điểm của gà đen H’Mông là thịt dai, ngọt, thơm, giá trị kinh tế cao. Giá bán gà thịt trên thị trường dao động từ 150.000 - 180.000 đồng/kg. Hiện đầu ra cho gà đen H’Mông cũng đang rất tiềm năng. Từ lúc nuôi gà đen H’Mông đến nay, công ty đã bán khoảng 10.000 gà con giống ra thị trường. Giá gà giống dao động từ 30.000 - 50.000 đồng/con. Riêng gà thịt chủ yếu bán cho các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn tỉnh” - anh Hiếu cho biết thêm.

Hiện nay, trung bình mỗi tháng anh Hiều bán được khoảng 30 triệu đồng gà giống và gà thịt khoảng 20 triệu đồng. Riêng dúi, mỗi tháng công ty thu về từ 30 - 40 triệu đồng. Theo anh Hiếu, hiện công ty đã tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc.

Anh Hiếu (bìa phải) được tuyên dương Thanh niên tiêu biểu toàn quốc học tập Bác.
Anh Hiếu (bìa phải) được tuyên dương Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc.

Trong thời gian tới, công ty sẽ nhân rộng mô hình gà đen H’Mông để bà con địa phương phát triển kinh tế, gắn với truy xuất nguồn gốc. Công ty sẽ tập trung đưa sản phẩm vào các chuỗi nhà hàng, quán ăn, siêu thị. Đối với mô hình nuôi dúi, công ty sẽ tiếp tục mở rộng đàn dúi, phấn đấu đến cuối năm 2025 tổng đàn đạt khoảng 500 con sinh sản.

Anh Hiếu chia sẻ thêm: “Để có sự thành công với mô hình khởi nghiệp này, yếu tố đầu tiên là phải không ngừng học hỏi. Bởi những con vật này khá lạ tại địa phương. Theo đó, người nuôi cần phải trau dồi kiến thức, kỹ thuật, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước để áp dụng vào mô hình.

Trong thời gian tới, DN sẽ triển khai nhân rộng mô hình để nông dân, đặc biệt là đoàn viên, thanh niên tiếp cận và phát triển. Đồng thời, đồng hành cùng bà con bằng việc bao tiêu đầu ra, đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng thông qua các nền tảng mạng xã hội, tiếp cận các siêu thị, nhà hàng, quán ăn”.

ANH THƯ

.
.
.