Thứ Ba, 13/10/2020, 14:07 (GMT+7)
.

Vững tin vào hàng Việt

Tiền Giang đã đạt được nhiều kết quả quan trọng sau hơn 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (gọi tắt là Cuộc vận động). Xây dựng các mô hình sản xuất an toàn, kết nối chuỗi cung ứng, tiêu thụ, phân phối hàng hóa đến tay người tiêu dùng, nhất là người dân vùng nông thôn là điểm nhấn quan trọng sau thời gian triển khai thực hiện Cuộc vận động.

CHÚ TRỌNG KHÂU SẢN XUẤT

Với đặc thù là sản xuất nông nghiệp, nên khi triển khai thực hiện Cuộc vận động, các ngành, địa phương trong tỉnh đã chú trọng xây dựng các mô hình sản xuất an toàn nhằm hướng đến sản phẩm tốt hơn cho người tiêu dùng. Bắt đầu từ khâu sản xuất trước khi phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng là cách tiếp cận khoa học được Tiền Giang cụ thể hóa kể từ khi Cuộc vận động được triển khai.

Cuộc vận động đã mang lại hiệu quả tích cực.
Cuộc vận động đã mang lại hiệu quả tích cực.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong những năm qua ngành Nông nghiệp đã không ngừng đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao khoa học và công nghệ trong sản xuất; triển khai các chính sách hỗ trợ áp dụng quy trình sản xuất an toàn để sản xuất sản phẩm, hàng hóa an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP cho các hợp tác xã, tổ hợp tác trồng trọt và chăn nuôi trên địa bàn tỉnh; đồng thời, tiếp tục duy trì trên 90% các chuỗi cung ứng sản phẩm thực phẩm an toàn cung cấp cho các thị trường TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng...

Hệ thống phân phối hàng Việt rộng khắp

Theo đánh giá chung, hiện nay hệ thống phân phối hàng Việt Nam đã rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Tiền Giang hiện có hệ thống cửa hàng Bách Hóa Xanh phát triển mạnh, đến thời điểm tháng 7-2020 đã có 71 cửa hàng, dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ có 100 cửa hàng. Cùng với hệ thống cửa hàng Bách Hóa Xanh, trên địa bàn tỉnh hiện có 13 cửa hàng Vinmart+, 1 cửa hàng Green Xanh, 1 cửa hàng An Thái (ATmart). Ngoài ra, Dự án Siêu thị Co.opmart Cái Bè đang chuẩn bị triển khai xây dựng, dự kiến hoàn thành và đưa vào hoạt động dịp 30-4-2021; Dự án Trung tâm Thương mại Vincom (số 01, đường Hùng Vương, TP. Mỹ Tho) đang xây dựng và dự kiến hoàn thành trong tháng 10-2020. Chưa kể, hệ thống phân phối hàng Việt của Hợp tác xã Thương mại dịch vụ Phường 1 -
TP. Mỹ Tho, ngoài 6 cửa hàng, hiện nay mỗi ngày hợp tác xã đều có 2 chuyến xe đưa hàng Việt về địa bàn các huyện (trên 10 tấn hàng/ngày); vào dịp lễ, tết tăng cường thêm từ 4 đến 6 xe/ngày, với số lượng hàng cung ứng khoảng 30 tấn…

Ngành Nông nghiệp cũng đã tiếp tục đăng ký cấp mã số vùng trồng cho các loại sản phẩm của tỉnh và mã số nhà đóng gói cho các cơ sở, đến nay đã đăng ký cấp 106 mã số vùng trồng cho các loại sản phẩm của tỉnh như: Mít, chôm chôm, nhãn, xoài, chuối, thanh long, dưa hấu và đăng ký cấp mã số nhà đóng gói cho 647 cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp còn hỗ trợ tem điện tử thông minh truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên các sản phẩm chủ lực của tỉnh như: Thanh long, sơ ri, bưởi da xanh, trà mãng cầu Xiêm, dưa lưới, trái cây sấy, gạo, mắm tôm chà... cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, thủy sản trên địa bàn tỉnh cung cấp sản phẩm vào thị trường TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội...

Ngoài tổ chức sản xuất an toàn, ngành Nông nghiệp còn phối hợp các ngành liên quan tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp đến với người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Cụ thể, ngành đã tổ chức kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản của Tiền Giang giữa 2 doanh nghiệp và 1 hợp tác xã của tỉnh với 2 doanh nghiệp của TP. Đà Nẵng. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp còn hỗ trợ cho 3 doanh nghiệp, 2 hợp tác xã và các cơ sở sản xuất nông sản an toàn của tỉnh tiếp cận thị trường Đà Nẵng thông qua các chương trình hội chợ, hội thảo, liên kết với các doanh nghiệp TP. Đà Nẵng…

KẾT NỐI PHÂN PHỐI

Không chỉ chú trọng vào khâu sản xuất, việc kết nối để tiêu thụ, phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng trên địa bàn Tiền Giang sau hơn 10 năm thực hiện Cuộc vận động cũng có bước tiến mới. Ngoài việc kết nối doanh nghiệp của tỉnh với các doanh nghiệp, hệ thống phân phối TP. Đà Nẵng (mặt hàng gạo, trái cây), tỉnh còn kết nối các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản của tỉnh với các siêu thị trên địa bàn tỉnh (gạo, trái cây, cá basa chế biến, gà, rau an toàn) và kết nối đưa trái xoài cát Hòa Lộc phục vụ các chuyến bay của Vietnam Airlines.

Điểm nhấn đáng chú ý là tỉnh, các ngành, địa phương đã tổ chức liên kết tiêu thụ giữa các hợp tác xã, tổ hợp tác với các doanh nghiệp như: Siêu thị Co.op, Lotte, Điện máy xanh, Satra, Công ty cổ phần Thực phẩm sạch Bảo Long...; đồng thời, vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các hội chợ trưng bày các sản phẩm thủy sản, triển lãm công nghệ nuôi trồng, chế biến nông, lâm thủy sản; phiên chợ giao thương kết nối cung cầu... để giới thiệu nông sản Việt đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Tiền Giang.

Tỷ lệ người sử dụng hàng Việt tăng cao

Theo đánh giá chung của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động, qua hơn 10 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động đã góp phần tích cực vào việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tạo sự đồng thuận, hưởng ứng rộng rãi Cuộc vận động trên địa bàn tỉnh. Dư luận trong xã hội đa số đồng tình và khẳng định Cuộc vận động là chủ trương đúng đắn, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ hội nhập, tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế, phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước và ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc. Người tiêu dùng đã nhận thức được tầm quan trọng của việc ưu tiên dùng hàng Việt, mang lại giá trị kinh tế thiết thực cho đất nước, tạo công ăn việc làm cho người lao động, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp sản xuất trong nước, giúp doanh nghiệp có cơ hội phát huy thế mạnh trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng hàng hóa, chiếm giữ và mở rộng thị trường nội địa. Kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy, tỷ lệ người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam chiếm trên 83%, đặc biệt là vùng nông thôn trên 90%.

Trao đổi với chúng tôi gần đây, bà Lê Thị Mai Linh, Phó Chủ tịch Điều hành đối ngoại Tập đoàn Central Group Việt Nam (chủ đầu tư Trung tâm Thương mại dịch vụ Go! Mỹ Tho) cho biết, đối với Trung tâm Thương mại dịch vụ Go! Mỹ Tho, lượng hàng hóa của Tiền Giang cũng đã có mặt trên các gian hàng nhưng trung tâm vẫn sẵn sàng và luôn chủ động tăng cường sản lượng hàng hóa địa phương. Ngay từ khi đi vào hoạt động, Trung tâm Thương mại dịch vụ GO! Mỹ Tho đã ký hợp đồng đối tác với các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn Tiền Giang: Hợp tác xã Xoài cát Hòa Lộc, Hợp tác xã Mỹ Tịnh An, Hợp tác xã Chăn nuôi và Thủy sản Gò Công, Công ty cổ phần Gò Đàng, Công ty Lương thực Tiền Giang…

Nhằm đẩy nhanh việc kết nối thị trường tiêu thụ, thời gian qua Tiền Giang cũng đã tập trung thực hiện có hiệu quả Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động giai đoạn 2016 - 2020 ban hành kèm theo Quyết định 634 ngày 29-4-2014 của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện mục tiêu này, Sở Công thương được Bộ Công thương phê duyệt các dự án, nhiệm vụ và kinh phí thực hiện Nhóm chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam và hàng Việt Nam thuộc Danh mục của Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động giai đoạn 2014 - 2020.

Theo đó, Bộ Công thương đã phê duyệt và hỗ trợ kinh phí cho Sở Công thương xây dựng mô hình thí điểm Điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại cửa hàng bách hóa Tân Phước (thuộc Hợp tác xã Vĩnh Kim), tại xã Tân Thới (huyện Tân Phú Đông) và dự kiến tại xã Tân Tây (huyện Gò Công Đông)...

A. PHƯƠNG

 

 

.
.
.