Thứ Tư, 14/07/2021, 11:32 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Giá cả hàng hóa dần ổn định

(ABO) Sau khi kiểm tra thực tế và đánh giá tình hình thị trường những ngày qua, Sở Công thương tỉnh Tiền Giang nhận định, tình hình thị trường dần trở lại ổn định, giá cả cũng trở lại quỹ đạo chung.

THỊ TRƯỜNG BÌNH ỔN TRỞ LẠI

Thông tin với phóng viên Báo Ấp Bắc vào cuối ngày 13-7, lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Tiền Giang cho biết, trong ngày 11-7, giá cả hàng hóa thiết yếu trên địa bàn tỉnh có tăng mạnh do người dân tăng cường mua thực phẩm tại các siêu thị, chợ tăng hơn nên các siêu thị chưa kịp đưa hàng lên kệ, chợ thì chưa kịp nhập hàng; do đó có tình trạng hết hàng vào khoảng từ 18 giờ ngày 11-7. Đến ngày 12 và 13-7, hàng hóa tại các siêu thị đã dồi dào trở lại, giá cả ổn định. Riêng Go! Mỹ Tho, tối ngày 12-7, các mặt hàng rau, củ vẫn hết hàng cục bộ, hiện nay hàng đã dồi dào.

Mặt khác, ngày 12-7-2021, ngày đầu tiên tỉnh Tiền Giang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, số tiểu thương kinh doanh tại chợ giảm mạnh, lượng hàng hóa về chợ không nhiều, sức mua giảm mạnh. Ngày 13-7, một số chợ có lượng người mua rất ít, người bán nhiều hơn người mua.

Hàng hóa dồi dào, giá cả dần trở lại ổn định.
Hàng hóa dồi dào, giá cả dần trở lại ổn định.

Trên phương diện giá cả, một số mặt hàng rau, củ giảm từ 5.000 - 10.000 đồng so với ngày 11-7, ổn định so với ngày 12-7, tuy nhiên giá vẫn còn cao so với trước đây, cụ thể: Dưa leo có giá từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, khổ qua từ 20.000 - 25.000 đồng/kg, cà chua từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, bắp cải trắng có giá từ 17.000 - 25.000 đồng/kg...; thịt gà từ 40.000 - 80.000 đồng/kg; thịt heo, thịt bò tăng từ 2.000 - 5.000 đồng/kg, heo thịt đùi 120.000 - 130.000 đồng/kg; thịt ba rọi 130.000 - 150.000 đồng/kg, sườn non từ 160.000 - 170.000 đồng/kg, thịt bò có giá từ 210.000 - 250.000 đồng/kg. Hiện nay, heo hơi có giá khoảng 62.000 đồng/kg.

Riêng các siêu thị giá cả ổn định, do các siêu thị bán hàng VietGAP nên giá thường cao hơn giá tại các chợ. Theo đó, tại Go! Mỹ Tho, cải ngọt có giá 34.000 đồng/kg, dưa leo baby 25.800 đồng/kg, bắp cải trắng 16.900 đồng/kg, cà chua VietGAP 43.800 đồng/kg...; thịt heo đùi 133.000 đồng/kg, thịt heo ra rọi 190.000 đồng/kg, sườn non 238.000 đồng/kg...

TĂNG CƯỜNG KIỂM SOÁT THỊ TRƯỜNG

Theo Sở Công thương tỉnh Tiền Giang, nhằm nắm thực tế về tình hình dự trữ, kinh doanh hàng hóa tại các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn tỉnh trong thời gian thực hiện cách ly xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của UBND tỉnh Tiền Giang, ngày 12-7-2021 Sở Công thương xây dựng và ban hành Kế hoạch 1425 về kiểm tra tình hình dự trữ, kinh doanh hàng hóa tại các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Sở Công thương sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, hàng hóa.
Sở Công thương tỉnh Tiền Giang sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, hàng hóa.

Theo đó, Quyền Giám đốc Sở Công tỉnh Tiền Giang Đặng Văn Tuấn cho biết, đã giao cho các đơn vị trực thuộc thường xuyên nắm bắt tình hình phân phối, cung ứng hàng hóa trên địa bàn tỉnh, kịp thời cập nhật thông tin về sản lượng lương thực, thực phẩm để các đơn vị thông tấn báo chí kịp thời đăng tin giúp trấn an dư luận. Phối hợp với phòng chuyên môn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh để thống kê, tổng hợp sản lượng thu hoạch hàng nông sản trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là lương thực, thực phẩm trong thời gian tới.

Thường xuyên cập nhật thống kê sản lượng gạo đang dự trữ tại các doanh nghiệp, nhà máy xay xát lúa, gạo trên địa bàn tỉnh; phối hợp với phòng chuyên môn thuộc Sở Giao thông vận tải thực hiện các biện pháp hỗ trợ lưu thông hàng hóa, nhất là nông sản.

Ngoài ra, Sở Công thương tỉnh Tiền Giang cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc tăng cường thực hiện chương trình bán hàng lưu động nhằm kịp thời cung cấp hàng hóa thiết yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, hướng dẫn, vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã, siêu thị xây dựng kế hoạch tổ chức các điểm bán hàng lưu động (các điểm bán hàng tạm thời, lưu động, dã chiến,…) để đảm bảo cung ứng thường xuyên, liên tục nhu yếu phẩm cho người dân trong trường hợp các điểm bán hàng thuộc hệ thống của các doanh nghiệp phân phối hàng nhu yếu phẩm trên địa bàn bị đóng cửa vì các lý do dịch bệnh (như có trường hợp nhiễm bệnh trong khu vực của điểm bán hàng,…) và hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai kế hoạch nêu trên khi cần thiết.

Bên cạnh đó, các đơn vị cần chủ động phối hợp với Cục Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường đối với lĩnh vực về giá, chất lượng sản phẩm, các quy định về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ doanh nghiệp, HTX tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi, hỗ trợ vốn đẩy mạnh sản xuất, dự trữ hàng hóa, cung ứng thị trường trong giai đoạn diễn biến dịch bệnh; đồng thời thực hiện các giải pháp kích cầu tiêu dùng nêu trên trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát…

Đánh giá về tình hình các nguồn cung hàng hóa, Quyền Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang Đặng Văn Tuấn cho biết thêm, trên thực tế toàn tỉnh hiện có 256 điểm cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu (không bao gồm hệ thống cửa hàng tạp hóa), với 4 siêu thị, 94 cửa hàng tiện lợi, 157 chợ (trừ các chợ bị phong tỏa hoặc tạm ngưng hoạt động). Ngoài ra, còn hệ thống các cửa hàng tạp hóa trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã.

Riêng các nguồn cung hàng hóa, theo đánh giá của Sở Công thương tỉnh Tiền Giang, nguồn cung vẫn đảm bảo phục vụ nhu cầu người dân. XEM CHI TIẾT TẠI ĐÂY

N.T

.
.
.