Điển hình phụ nữ vượt khó, phát triển kinh tế
Hưởng ứng phong trào phụ nữ tích cực lao động sáng tạo, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, nhiều năm qua trên địa bàn xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang đã xuất hiện những điển hình phụ nữ vượt khó, khởi nghiệp, phát triển kinh tế.
* CHỊ PHẠM THỊ PHƯỢNG:
Thành công từ cần cù, chịu khó
Ngày nào cũng vậy, từ sáng sớm đến chiều tối, chị Phạm Thị Phượng (ngụ ấp 5) luôn tất bật với việc chăm sóc đàn heo, may bao bọc trái cây… Đây là những công việc mang lại thu nhập, giúp gia đình chị vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Chị Phượng cho biết, do gia đình hai bên cha mẹ không khá giả nên vợ chồng chị lấy nhau, ra riêng với hai bàn tay trắng. Vợ chồng chị phải đi làm thuê cho một trang trại chăn nuôi heo. Khi có con, vợ chồng chị nghỉ việc, ở nhà vừa chăn nuôi, vừa chăm sóc con.
Chị Phượng đang chăm sóc đàn heo. |
Khi tham gia vào sinh hoạt ở Chi hội Phụ nữ ấp 5, chị Phượng được hỗ trợ vốn sản xuất. Cùng với số tiền tích góp của gia đình, chị đầu tư xây chuồng nuôi heo. Năm 1995, chị nuôi 1 con heo nái đẻ được đàn heo con nào chị đều để nuôi heo thịt. Cứ thế đàn heo nhà chị Phượng cứ tăng lên hằng năm, hiện có 2 con heo nái, 13 con heo con và 32 con heo thịt.
“Không phải bản thân tôi mà bất kỳ ai cũng không muốn sống trong nghèo khó, do đó khi có sức khỏe, thì cố gắng lao động vượt qua khó khăn. Chính vì vậy, trong chăn nuôi, vợ chồng tôi luôn chịu khó tìm tòi học hỏi chăn nuôi sạch, an toàn, tiết kiệm; làm sao tăng sức đề kháng cho heo, hạn chế tác hại của dịch bệnh” - chị Phượng chia sẻ.
Dù cách làm của chị Phượng và chị Thu Ba có khác nhau nhưng đều có chung mục đích là phát triển kinh tế gia đình. Có thể nói, chị Phượng và chị Thu Ba là những điển hình phụ nữ cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng. Những thành quả đạt được hôm nay của 2 chị thật đáng trân trọng, góp phần tô thắm thêm hình ảnh đẹp của người phụ nữ. CHỦ TỊCH HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ XÃ ĐẠO THẠNH |
Ngoài ra, chị Phượng còn tận dụng thời gian rảnh nhận may bao bọc trái cây gia công, góp phần tăng thêm thu nhập gần 2 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, chị Phượng còn là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn tín dụng với hơn 30 chị em vay vốn, tổng số tiền gần 1 tỷ đồng, chủ yếu chăn nuôi, cải tạo vườn, may đồ gia công… Qua đó, giúp nhiều chị em có thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống.
* CHỊ MAY THỊ THU BA:
Từ thợ may trở thành bà chủ cơ sở may
Với những tố chất của một người dám nghĩ, dám làm, không chấp nhận bỏ cuộc, chị May Thị Thu Ba (ngụ ấp 2) đã làm thay đổi cuộc đời mình từ một cô thợ may trở thành bà chủ Cơ sở may Nhật Nam chuyên may đồng phục học sinh.
“Học xong phổ thông, tôi đi học may, rồi làm công nhân cho một xí nghiệp may ở khu công nghiệp gần 8 năm. Khi lập gia đình, tôi nghỉ làm công nhân, chỉ nhận hàng chợ về may tại nhà. Sau đó, tôi mua vải, tự thiết kế từ may đồng phục học sinh cho đến quần áo thời trang như áo sơ mi, áo kiểu… mang đi chào hàng ở các siêu thị, cửa hàng trong tỉnh. Từ đó, tôi ngày càng có nhiều khách hàng, nhất là những hợp đồng may đồng phục học sinh, cơ quan, hợp đồng gia công cho các thương hiệu ở các tỉnh lân cận” - chị Thu Ba cho biết.
Chị Thu Ba (bên phải) kiểm tra các sản phẩm may. |
Khi có nhiều đơn hàng, chị Thu Ba quyết định thành lập Cơ sở may Nhật Nam để phát triển thương hiệu may mặc của riêng mình. Hơn 10 năm xây dựng và phát triển, đến nay Cơ sở may Nhật Nam đã có chỗ đứng vững chắc trên địa bàn TP. Mỹ Tho cũng như các địa phương trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Hiện tại, Cơ sở may Nhật Nam của chị Thu Ba chủ yếu nhận may đồng phục học sinh. Chị Thu Ba cho biết: “Các trường đưa mẫu, cơ sở sẽ tự chọn vải và cắt, may thành phẩm. Hằng năm, trung bình mỗi trường đặt may hàng ngàn bộ đồng phục học sinh”.
Ngoài nhận may đồng phục cho học sinh của các trường, Cơ sở may Nhật Nam còn tự thiết kế, may đồng phục học sinh, may áo kiểu, áo sơ mi nam, nữ… cho các cửa hàng, siêu thị. Để sản phẩm đáp ứng nhu cầu khách hàng, chị Thu Ba tự thiết kế mẫu hoặc làm theo ý tưởng của khách hàng, đo lại theo thông số kỹ thuật và cắt, may thành phẩm. Hiện Cơ sở may Nhật Nam của chị Thu Ba giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 nhân công, chủ yếu là lao động trên địa bàn với mức lương từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng.
PHƯƠNG MAI