.

Tổ chức lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng tỉnh Tiền Giang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2025

Cập nhật: 11:40, 27/03/2025 (GMT+7)

(ABO) Căn cứ Quyết định số 18/2022/QĐ-TTg, ngày 2-8-2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận, công bố và thu hồi Quyết định công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Hướng dẫn số 90/HD-MTTW-BTT, ngày 20-9-2022 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam về việc lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Công văn số 356/SNN&MT-VPĐP, ngày 17-3-2025 của Sở Nông nghiệp và Môi trường về việc đề nghị sớm có Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến sự hài lòng người dân đối với kết quả thực hiện quy định tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới”;

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh xây dựng Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng tỉnh Tiền Giang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2025, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

Thông qua việc lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân nhằm khẳng định vai trò chủ thể của Nhân dân trong xây dựng nông thôn mới; nâng cao trách nhiệm của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên trong việc công nhận kết quả xây dựng nông thôn mới tỉnh Tiền Giang.

- Việc tổ chức lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng tỉnh Tiền Giang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng dựng nông thôn mới phải đảm bảo khách quan, chính xác, thực chất và phải được thực hiện một cách độc lập do MTTQ Việt Nam các cấp chủ trì thực hiện, qua đó thể hiện sự đồng thuận của người dân nhằm góp phần nâng cao chất lượng, đảm bảo tính bền vững, hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới.

II. NỘI DUNG, HÌNH THỨC, THỜI ĐIỂM, THỜI GIAN, CÁCH THỨC TỔ CHỨC, TỶ LỆ LẤY Ý KIẾN

1. Nội dung lấy ý kiến

Nội dung lấy ý kiến sự hài lòng của người dân đề nghị công nhận tỉnh Tiền Giang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng dựng nông thôn mới theo mẫu Phiếu số 7, gồm 9 nội dung lấy ý kiến. Mẫu phiếu được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đóng dấu treo phía bên trái phiếu (ban hành kèm theo Hướng dẫn số 90/HD-MTTW- BTT ngày 20-9-2022 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam).

2. Địa bàn lấy ý kiến

- Tổ chức lấy ý kiến hộ gia đình tại 193 ấp thuộc 59 xã trên địa bàn tỉnh (không lấy ý kiến đối với phường, thị trấn), với 89.854 hộ.

- Số hộ được lấy ý kiến bằng 73% tổng số hộ có hộ khẩu thường trú trên địa bàn 193 ấp thuộc 59 xã trên địa bàn tỉnh: 73% x 89.854 hộ = 65.593 hộ.

3. Hình thức lấy ý kiến

Việc tổ chức lấy ý kiến sự hài lòng của người dân được thực hiện bằng hình thức sau: Phân công cán bộ Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức họp Tổ nhân dân tự quản lấy ý kiến hoặc trực tiếp đến các hộ gia đình để lấy ý kiến.

4. Thành phầm tham gia lấy ý kiến

Cấp xã: Ban Thường trực Ủy ban MTTQ, Ban Thường vụ các tổ chức chính trị - xã hội (Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân);

- Ấp: Trưởng, Phó Ban công tác Mặt trận; Ban chấp hành chi đoàn, chi hội của các tổ chức chính trị - xã hội;

Thành lập Tổ đi lấy ý kiến cho từng ấp do Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã ra quyết định: Phân công  1 đồng chí là Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam xã hoặc Trưởng, phó các đoàn thể chính trị - xã hội cấp xã làm Tổ trưởng; Tổ phó là Trưởng ban công tác Mặt trận của ấp. 

Số lượng thành viên từng Tổ do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã phối hợp với Ban công tác Mặt trận ấp thống nhất để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ đúng thời gian quy định.

5. Thời điểm và thời gian lấy ý kiến

- Thời điểm lấy ý kiến: Sau khi Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai làm thủ tục, hồ sơ đề nghị công nhận tỉnh Tiền Giang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

- Thời gian lấy ý kiến: Từ ngày 28-3-2025 đến 14-4-2025.

6. Cách thức lấy ý kiến

Bước 1: Xây dựng kế hoạch và hướng dẫn triển khai (ngày 27-3-2025)

Sau khi có văn bản đề nghị của Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Tiền Giang; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng tỉnh Tiền Giang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng dựng nông thôn mới.

Bước 2: Triển khai, phân bổ phiếu (ngày 27-3-2025)

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh triển khai kế hoạch, thống nhất cách thức, thời gian thực hiện; phân bổ phiếu và triển khai cho Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thành phố, thị xã, 59 xã và 193 Ban Công tác Mặt trận các ấp trên địa bàn tỉnh tiến hành lấy ý kiến các hộ gia đình (thành phần: Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, đại diện lãnh đạo Văn phòng điều phối tỉnh, đại diện lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; đại diện Ban Chỉ đạo cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, đại diện lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện; đại diện 59 Ban Chỉ đạo cấp xã, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã).

Bước 3: Ban Công tác Mặt trận 193 ấp chủ trì cùng các tổ chức chính trị - xã hội phát phiếu cho các hộ gia đình, hướng dẫn hộ gia đình ghi phiếu trả lời câu hỏi và nhận phiếu từ các hộ gia đình. Tiến hành lấy ý kiến người dân (từ ngày 28-3 đến ngày 1-4-2025)

Bước 4: Tổng hợp kết quả lấy ý kiến sự hài lòng của người dân đề nghị tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (theo Biểu số 3a, 3b, 3c, từ ngày 1-4 đến ngày 6-4-2025)

a. Ban Công tác Mặt trận các ấp tổng hợp phiếu và gửi về Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam xã chậm nhất 3-4-2025.

b. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam xã tổng hợp kết quả, báo cáo bằng văn bản gửi về Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện chậm nhất ngày 5-4-2025.

c. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện rà soát, tổng hợp kết quả và gửi báo cáo về Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chậm nhất ngày 6-4-2025.

d. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội và các sở, ngành có liên quan tiến hành thẩm định kết quả lấy ý kiến từ ngày 7-4 đến ngày 10-4-2025.

e. Tổng hợp, xây dựng báo cáo gửi Ủy ban nhân dân và Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Tiền Giang để hoàn thiện hồ sơ đề nghị; đồng thời, gửi báo cáo kết quả lấy ý kiến về Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để thẩm tra, theo dõi chậm nhất ngày 14-4-2025.

Lưu ý: Trong quá trình tổng hợp và báo cáo kết quả cần phân tích các nội dung có tỷ lệ chưa hài lòng để kiến nghị chính quyền và các ngành chức năng quan tâm giải quyết; trường hợp kiến nghị của MTTQ Việt Nam chưa được chính quyền và ngành chức năng giải quyết thì đề nghị chưa hoàn thiện thủ tục hồ sơ để xét công nhận.

7. Tỷ lệ lấy ý kiến đối với hộ gia đình

- Tỷ lệ lấy phiếu:

+ Đối với cấp huyện: Mỗi huyện chọn 30% số xã; mỗi xã chọn 50% số khu dân cư; mỗi khu dân cư chọn 73% số hộ gia đình để lấy ý kiến (không tổ chức lấy ý kiến đối với thị trấn).

+ Đối với thị xã, thành phố: lấy 100% số xã trên địa bàn; mỗi xã chọn 50% khu dân cư; mỗi khu dân cư chọn 73% hộ gia đình để lấy ý kiến (không tổ chức lấy ý kiến đối với phường).

- Tỷ lệ đề nghị công nhận: Từ câu số 01 đến câu 08 phải đạt trung bình từ 90% trở lên số hộ được lấy ý kiến hài lòng (trong đó tỷ lệ hài lòng của người dân từng xã đối với kết quả ở từng nội dung phải đạt từ 85% trở lên); câu số 09 phải đạt từ 95% trở lên số hộ được lấy ý kiến hài lòng.

8. Công khai kết quả và lưu giữ phiếu lấy ý kiến

8.1. Công khai kết quả lấy phiếu

- Bảng tổng hợp kết quả lấy ý kiến sau khi hoàn thiện phải được niêm yết tại Nhà văn hóa các khu dân cư, trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã; công bố kết quả trên hệ thống thông tin xã, huyện; trên hệ thống truyền thông các báo, Đài phát thanh và truyền hình tỉnh.

- Thời gian niêm yết và công khai trên các phương tiện thông tin là 10 ngày kể từ khi có báo cáo kết quả tổng hợp của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đối với kết quả xây dựng nông thôn mới.

Quá trình công khai kết quả lấy ý kiến, nếu có ý kiến thắc mắc của người dân ở cấp nào về kết quả lấy ý kiến thì Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp đó có trách nhiệm trả lời. Trường hợp ý kiến trả lời chưa thỏa đáng người dân có thể kiến nghị lên Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp trên trực tiếp.

8.2. Quản lý và xử lý phiếu lấy ý kiến

- Việc tổ chức lấy phiếu phải đảm bảo số lượng phiếu phát ra và thu về. Đối với những phiếu không đảm bảo theo quy định hoặc cần phải thay thế thì phải có biên bản hủy phiếu, ghi rõ lý do hủy phiếu và thay thế phiếu khác.

Sau khi tổng hợp kết quả phiếu phải có biên bản kiểm tra số lượng phiếu và bàn giao để lưu giữ phiếu.

- Đối với những địa phương tổ chức lấy ý kiến không đảm bảo theo quy định hoặc khi kiểm tra, thẩm định phát hiện việc tổ chức lấy ý kiến thực hiện chưa đúng quy định thì Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp trên trực tiếp chỉ đạo, xem xét, kiến nghị giải quyết hoặc tổ chức lại việc lấy ý kiến.

8.3. Lưu giữ phiếu

Phiếu lấy ý kiến và bảng tổng hợp kết quả lấy ý kiến sự hài lòng người dân về kết quả xây dựng tỉnh Tiền Giang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2025 được lưu giữ tại Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Thời gian lưu giữ phiếu là 5 năm theo quy định lưu trữ.

9. Kiểm tra, giám sát, thẩm tra kết quả thực hiện

- Tổ chức kiểm tra: Sau khi tổ chức lấy ý kiến, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức kiểm tra việc tổ chức lấy ý kiến đối với cấp dưới, quá trình kiểm tra nếu phát hiện việc tổ chức thực hiện không đúng theo quy định, thì Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp trên trực tiếp chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến lại theo hình thức phù hợp. Tiến hành tổ chức kiểm tra xác suất việc tổ chức lấy ý kiến để đánh giá tính khách quan trong quá trình tổ chức thực hiện.

- Tổ chức giám sát: Quá trình tổ chức lấy ý kiến, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội thành lập đoàn giám sát hoặc trực tiếp cử đại diện giám sát việc tổ chức thực hiện lấy ý kiến.

- Tổ chức thẩm tra: Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh có kế hoạch thẩm tra, đánh giá việc tổ chức lấy kiến của Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, xã. Đối với những hồ sơ phát hiện có vấn đề hoặc có khiếu kiện, khiếu nại, phản ánh việc tổ chức lấy ý kiến không đảm bảo theo quy định thì Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trực tiếp chỉ đạo thực hiện lấy ý kiến lại đảm bảo theo quy định, đồng thời có hình thức xử lý đối với tập thể, cá nhân vi phạm quy định.

10. Kinh phí thực hiện

Kinh phí thực hiện do ngân sách tỉnh cấp, trên cơ sở dự toán của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh năm 2025.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh


Chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh xây dựng hế hoạch tổ chức triển khai tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ Mặt trận các cấp thực hiện nội dung, quy trình lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới.

Chuẩn bị phiếu và phân bổ cho các địa phương tổ chức triển khai lấy ý kiến; tổ chức kiểm tra, giám sát, thẩm tra đối với việc tổ chức lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về đề nghị tỉnh Tiền Giang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

- Phối hợp với Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh chuẩn bị báo cáo tóm tắt về kết quả xây dựng nông thôn mới của tỉnh, để kịp thời thông tin, tuyên truyền cho Nhân dân biết, giải thích rõ các nội dung liên quan đến các tiêu chí xây dựng nông thôn mới có khả năng Nhân dân chưa hiểu hết, hiểu đúng để có cách nhìn đúng và đánh phiếu đạt kết quả cao.

- Tổng hợp, báo cáo kết quả lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về đề nghị tỉnh Tiền Giang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới gửi Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đảm bảo đúng qui định.

2. Các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh

Hướng dẫn các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện, cấp xã tuyên truyền đến đoàn viên, hội viên về kết quả xây dựng nông thôn mới của tỉnh; tham gia công tác lấy ý kiến sự hài lòng của người dân.
Cử cán bộ tham gia tổ thẫm định công tác lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng tỉnh nông thôn mới.

3. Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thành phố, thị xã

- Báo cáo cấp ủy, phối hợp với chính quyền, các tổ chức thành viên cùng cấp triển khai cụ thể tại địa phương; bảo đảm cho việc đánh giá sự hài lòng của người dân được thực hiện đúng mục đích, yêu cầu về thời gian và phù hợp với thực tế của địa phương.

Phối hợp với Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện thông tin, tuyên truyền cho Nhân dân biết, giải thích rõ các nội dung liên quan đến các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của tỉnh có khả năng Nhân dân chưa hiểu hết, hiểu đúng để có cách nhìn đúng và đánh phiếu đạt kết quả cao.

Thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra và giám sát việc thực hiện tại các xã, ấp; kịp thời tổng hợp, báo cáo về Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đảm bảo đúng tiến độ.

4. Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã

Phân bổ phiếu về các ấp, tổ chức hướng dẫn Ban công tác Mặt trận ở các ấp phối hợp với các chi hội tổ chức chính trị - xã hội tiến hành việc phát phiếu lấy ý kiến; giám sát việc lấy ý kiến và tổng hợp kết quả lấy phiếu tại các ấp đảm bảo thời gian quy định.

5. Ban Công tác Mặt trận các ấp

Trực tiếp phối hợp với các chi hội tổ chức chính trị - xã hội tổ chức phát phiếu và lấy ý kiến đánh giá của người dân. Khi tổ chức phát phiếu, điền phiếu cần quan tâm đến việc trả lời, tiếp thu, lắng nghe và ghi chép đầy đủ ý kiến của từng hộ dân (nhất là những ý kiến người dân phản ảnh, chưa đồng tình); nộp lại phiếu đã lấy ý kiến và tổng hợp kết quả lấy ý kiến gửi về Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam xã đúng thời gian quy định.

Trong quá trình tổ chức lấy ý kiến nếu có khó khăn cần trao đổi, đề nghị báo cáo về Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh (qua Ban Phong trào) để kịp thời hỗ trợ.

P.V

 

.
.
.