Thứ Tư, 14/08/2013, 12:19 (GMT+7)
.

Một vụ tranh chấp kéo dài

Một vụ án khá đơn giản nhưng kéo dài gần 10 năm, trải qua 10 phiên tòa nhưng chưa được giải quyết dứt điểm; trong đó có 8 bản án bị hủy, phải xử đi xử lại nhiều lần gây tốn kém, lãng phí công sức, tiền của, thời gian của nhân dân và Nhà nước.

Đó là một vụ tranh chấp tài sản thừa kế quyền sử dụng đất giữa hai bác cháu ruột, nguyên đơn Ngô Thị Cẩm Vân, bị đơn là vợ chồng ông Ngô Tấn Lâm và bà Phan Thị Huẩn, cùng ngụ ấp Bình Thạnh, xã Tam Bình, huyện Cai Lậy.

Nội dung vụ án đã được Báo Ấp Bắc phản ánh qua bài “Uẩn khúc qua 6 phiên tòa” đăng trên số 2223, ra ngày 20-6-2008 và bài “Những uẩn khúc cần làm sáng tỏ” đăng trên số 2237, ra ngày 23-7-2008, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Sự việc tóm lược như sau: Vợ chồng cụ Ngô Văn Phòng (chết năm 1975) và cụ Nguyễn Thị Tươi (chết năm 1995) có 4 người con: Ông Ngô Tấn Lâm, bà Ngô Thị Nhứt, ông Ngô Tấn Chiến và bà Ngô Thị Một. Bà Nhứt (chết năm 1982) có 3 người con: Lê Thị Mỹ Hoa, Lê Thị Mỹ Dung và Lê Thị Kim Chi. Ông Chiến (chết năm 1983) có 1 người con là Ngô Thị Cẩm Vân.

Di sản của cụ Phòng, cụ Tươi để lại gồm 2 thửa đất: Thửa 984 diện tích đo thực tế 5.362,5m2, đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho bà Huẩn, là vợ ông Lâm đứng tên vào năm 1997; thửa 349 diện tích đo thực tế 5.887m2, chưa được cấp giấy chứng nhận QSDĐ.

Khi chết, hai cụ không làm di chúc, di sản hai cụ để lại do vợ chồng ông Lâm quản lý, sử dụng ổn định cho đến ngày xảy ra tranh chấp 29-10-2003, chị Vân có đơn khởi kiện đòi chia tài sản.

Tuy nhiên, tại thời điểm mở thừa kế, chị Vân mới 15 tuổi 2 tháng 24 ngày, theo quy định tại Điều 24, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986 thì: “Cha mẹ đại diện cho con chưa thành niên trước pháp luật. Cha mẹ quản lý tài sản của con chưa thành niên”. Khoản 1, Điều 150, Bộ luật Dân sự năm 1995 cũng quy định: “Cha, mẹ là người đại diện theo pháp luật đối với con chưa thành niên”.

Trong khi đó bà Ngô Thị Phụng là mẹ đẻ của nguyên đơn Ngô Thị Cẩm Vân còn sống, không đứng ra đại diện cho con. Lẽ ra tòa không thụ lý hồ sơ vì chưa đúng theo quy định của pháp luật. Bởi vậy mới gây nên những uẩn khúc sau này. 

Tiếp tục quá trình điều tra xác minh, nhìn từ góc độ nhân văn, chúng tôi thấy có một số vấn đề cần phải được đưa lên bàn cân công lý để xem xét, bởi vì khi người chết đã mồ yên mả đẹp gần 10 năm mới xảy ra tranh chấp. Phải chăng chỉ vì đất tăng giá mà bác, cháu ruột đưa nhau ra tòa!?

Chưa hết, nguyên đơn Ngô Thị Cẩm Vân còn lôi kéo một số đương sự là hàng thừa kế thế vị (đã hết thời hiệu khởi kiện) làm đơn thưa kiện gây nên cảnh “nồi da xáo thịt” giữa công đường. Các đương sự hàng thừa kế thế vị này lúc đầu không yêu cầu chia thừa kế, vì mẹ của các đương sự đã được chia tài sản từ trước, nhưng không hiểu tại sao sau này lại yêu cầu, nếu được thì giao cho nguyên đơn Ngô Thị Cẩm Vân quản lý sử dụng!?

Một điều khó hiểu là trải qua 8 phiên tòa, bà Ngô Thị Một, hàng thừa kế thứ nhất đều khẳng định: “Trước khi chết, mẹ tôi đã sang nhượng tài sản cho anh chị dâu là bị đơn Ngô Tấn Lâm và Phan Thị Huẩn, coi như mẹ tôi không để lại tài sản gì hết”.

Trước tòa, dù biết mình có yêu cầu chia thừa kế sẽ được tòa chấp nhận, nhưng bà Một không yêu cầu và cũng không tranh chấp, chỉ một mực khẳng định mẹ của mình sau khi chết không còn tài sản, nhưng lại không được tòa án các cấp ghi nhận. Một điều uẩn khúc rõ nét nhất là tại phiên tòa thứ 3, sau khi bản án sơ thẩm lần thứ nhất bị hủy, nguyên đơn Ngô Thị Cẩm Vân chưa đóng án phí vẫn được tòa thụ lý đưa ra xét xử.

Trong quá trình xét xử, tại bản án phúc thẩm lần thứ 3, Hội đồng xét xử (HĐXX) sửa một phần bản án và án đã có hiệu lực pháp luật, nhưng bị Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) Tối cao ra quyết định hoãn thi hành án trong thời gian 90 ngày.

Sau khi hết thời hạn hoãn thi hành án, Viện KSND Tối cao chính thức quyết định kháng nghị bản án, đề nghị Tòa dân sự TAND Tối cao đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, theo hướng hủy bản án dân sự sơ thẩm và phúc thẩm. Bởi vậy, đây là một vụ án có nhiều uẩn khúc.

Uẩn khúc vì: Đây là một vụ án chia tài sản thừa kế khá đơn giản nhưng qua 4 phiên tòa xét xử sơ thẩm và 4 phiên tòa xét xử phúc thẩm, cả 8 bản án của tòa đều bị hủy bỏ.

Nguyên nhân vì: HĐXX giám đốc thẩm xét thấy tòa sơ thẩm và tòa phúc thẩm có nhiều sai sót rất sơ đẳng, không đáng có, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dân sự, đó là: Hồ sơ vụ kiện chưa đúng theo quy định của pháp luật vẫn thụ lý; chia thừa kế nhưng tòa không xác định chính xác khối di sản của người quá cố để lại; không xem xét phần di sản đã hết thời hiệu thừa kế; không đưa những người thuộc diện thừa kế  tham gia tố tụng; nguyên đơn Ngô Thị Cẩm Vân không đóng góp công sức gì (không nuôi dưỡng ông bà nội, không bỏ công sức giữ gìn, tôn tạo khối di sản) vẫn được tòa chia đều 1/2 khối di sản với bị đơn Ngô Tấn Lâm; tòa không xem xét đến công sức duy trì, giữ gìn tài sản của bị đơn…

Bị đơn Ngô Tấn Lâm rớt nước mắt kể:  “Sau khi cha chết, tôi và mẹ quản lý, canh tác. Mẹ qua đời, vợ chồng tôi gìn giữ, cuộc sống đang ổn định thì không ngờ xảy ra tranh chấp. 10 năm nay theo hầu kiện, vợ chồng tôi buộc phải bỏ bê công việc, đi tới đi lui tốn kém không biết bao nhiêu thời gian, tiền bạc, công sức...”. 

Hiện tại, tòa đã có giấy triệu tập phiên tòa xét xử sơ thẩm lần thứ 5. Báo Ấp Bắc sẽ tiếp tục thông tin cho bạn đọc rõ khi có kết quả xét xử của phiên tòa.

Nhóm PV. CTXH

.
.
.