Thứ Tư, 18/09/2013, 11:51 (GMT+7)
.

Một trường hợp bị quy kết “ăn cắp điện” chưa được làm sáng tỏ

Ông Nguyễn Văn Tốt ngụ ấp Bình Hưng (Bình Phan, Chợ Gạo) gởi đơn đến nhiều cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh cho biết: Suốt hơn 1 năm qua, ông gởi hồ sơ kiện Chi nhánh Điện lực Chợ Gạo và Công ty Điện lực Tiền Giang đến nhiều cơ quan chức năng, yêu cầu bồi thường thiệt hại tài sản, danh dự, uy tín vì ngành Điện lực cho rằng gia đình ông “ăn cắp điện”, nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết. Cơ sở xay xát lúa gạo của gia đình ông phải đóng cửa chờ vụ kiện ngã ngũ.

Ông Tốt buồn bã kể: “Tháng 5-2010, con gái tôi là Nguyễn Châu Thanh đứng tên ký hợp đồng mua bán điện với Công ty Điện lực 2 tại TP. Hồ Chí Minh, đại diện là Chi nhánh Điện lực Chợ Gạo thuộc Công ty Điện lực Tiền Giang.

Sau khi hoàn tất mọi thủ tục và đóng tiền xong, gia đình tôi được gắn điện kế số 05063312 trên một trụ điện đặt ngoài trời, cách nhà ở và cơ sở xay lúa của gia đình khoảng  550 mét. Lúc đó có ông Hồ Văn Thế, là nhân viên kỹ thuật của Điện lực Chợ Gạo đến khảo sát, kiểm tra. Cơ sở hoạt động được khoảng 3 tháng thì ông Thế đến nhà hỏi mượn tiền, hứa một tuần sau sẽ trả.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Ảnh: Vân Anh
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Ảnh: Vân Anh

Nhưng hơn một năm trôi qua (tháng 3-2012), khi tôi nhắc khéo thì ông Thế mới chịu trả. Bất ngờ, trưa ngày 21-5-2012, khi tôi đang đi công chuyện thì ông Thế gọi điện cho tôi nói: “Cái đồng hồ điện anh xài không hiểu vì sao dây chạc đấu nối tùm lum. Tôi sẽ kiểm tra. Anh về gấp gặp tôi liền, không thì lớn chuyện đó”.

Do tôi không về kịp nên khoảng 15 giờ cùng ngày có 2 nhân viên điện lực đến lập biên bản vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực, kết luận kiểm tra ghi: “Khách hàng tự ý cắt gỡ chì niêm phong, nắp hộp, đấu dây điện kế và cắt đấu cáp muller trước điện kế nóng nguội thành một sợi dây nóng đi vô điện kế. Sau đó lấy dây đồng hồ 16mm đấu vào dây tiếp điện máy biến áp và trực tiếp đấu vào cầu nguội để xử lý đồng hồ điện kế khi sử dụng. Khi tác động vào dây nguội trước điện kế thì đồng hồ không quay, thực hiện hành vi lấy cắp điện...” và họ tiến hành cắt điện.

Tôi không đồng ý kết luận này, vì người nhà tôi hoàn toàn không đụng đến đồng hồ điện đặt trên cao, cách khá xa nhà và cơ sở xay xát của tôi. Hơn nữa, trong phụ lục hợp đồng mua bán điện ghi rõ: “Điểm đặt thiết bị đo đếm điện tại vị trí công-tơ thuộc bên bán điện quản lý” nên gia đình tôi không có trách nhiệm giám sát.

Biết đâu có người âm mưu phá hoại hay cố tình hãm hại chúng tôi. Ngoài ra, điểm mâu thuẫn là biên bản vi phạm hành chính của Điện lực ghi “đồng hồ không quay”, nhưng biên bản kiểm tra điện kế ngày 21-5-2012 ghi rõ chỉ số tiêu thụ điện là 13.507kWh. Trước đó 8 ngày, tôi đóng tiền điện với hóa đơn là 13.324kWh, tức là gia đình tôi đã sử dụng 183kWh chứ không phải ăn cắp điện, làm cho đồng hồ không quay”.

Bức xúc, ông Tốt làm đơn khiếu nại tới Công ty Điện lực Tiền Giang (ĐLTG). Tuy nhiên, khi làm việc, cơ quan này vẫn khẳng định gia đình ông tác động làm đồng hồ không quay. Ông tiếp tục khiếu nại tới Sở Công thương. Sau đó (ngày 12-6-2012), Công ty ĐLTG tiếp tục làm việc với ông. Lần này công ty cho rằng “chưa thể xác định người thực hiện trực tiếp việc câu điện trộm”, nhưng lại quyết định truy thu sản lượng điện tiêu thụ đã thất thoát và khi nào gia đình ông đóng tiền truy thu này thì ĐLTG mới cấp điện trở lại.

Trong biên bản, Công ty ĐLTG nêu rõ: “Qua thời gian làm việc, các thành phần tham dự nhận thấy chưa thể xác định tại chỗ người thực hiện trực tiếp việc câu điện trộm tại hệ thống đo đếm Nguyễn Châu Thanh nên thống nhất hướng giải quyết tạm thời là chị Thanh sẽ phải thanh toán tiền truy thu sản lượng điện đã thất thoát trên cơ sở đúng quy định của Nhà nước (chiết tính ban đầu là 52.646.264 đồng, kế tiếp là 48.000.299 đồng và sau cùng là 292.934 đồng); đồng thời để bảo đảm việc sản xuất - kinh doanh cho bên mua, Điện lực Chợ Gạo sẽ tiến hành cấp điện lại sau khi khách hàng thực hiện hoàn thành việc thanh toán tiền truy thu...”.

Không thống nhất với cách làm việc của ngành Điện lực, ông Tốt gửi đơn khiếu nại tới Công an Tiền Giang và Công an huyện Chợ Gạo, yêu cầu điều tra, làm rõ. Ngày 8-10-2012, Công an huyện Chợ Gạo có Thông báo 1364, nêu rõ: “Quá trình xác minh, thu thập chứng cứ chưa đủ cơ sở kết luận bà Nguyễn Châu Thanh (tức con gái ông Tốt) có hành vi trộm cắp tài sản (điện năng tiêu thụ) được quy định tại Điều 138, Bộ luật Hình sự”. Căn cứ vào kết luận này, ông Tốt làm đơn khởi kiện Công ty ĐLTG ra tòa đòi bồi thường thiệt hại và công khai xin lỗi vì vu khống gia đình ông “ăn cắp điện”.

Ngày 30-10-2012, được sự ủy quyền của con gái Nguyễn Châu Thanh, ông Tốt mang đơn đến Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh nộp. Sau khi xem xét hồ sơ, tòa trả lại, với lý do “không đúng thẩm quyền” và hướng dẫn ông mang qua nộp ở TAND TP. Mỹ Tho vì Công ty ĐLTG thuộc phạm vi giải quyết của tòa án này. Ông làm đơn khởi kiện khác gửi TAND TP. Mỹ Tho.

Nơi này nhận và hứa sẽ trả lời là có thụ lý hay không. Mấy tuần sau, TAND TP. Mỹ Tho trả lời vụ này không thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND TP. Mỹ Tho mà thuộc TAND huyện Chợ Gạo, nơi có trụ sở Chi nhánh Điện lực Chợ Gạo.

Ngày 14-1-2013, TAND huyện Chợ Gạo thụ lý vụ kiện của ông Tốt và đề nghị đóng tiền tạm ứng án phí gần 3,3 triệu đồng. Sáng ngày 18-6-2013, TAND huyện Chợ Gạo lên lịch đưa vụ kiện ra xét xử, thế nhưng đã phải hoãn lại vì “vụ này không thuộc thẩm quyền của TAND huyện Chợ Gạo, phải đem hồ sơ vụ kiện về nộp ở TAND tỉnh mới đúng” - Thẩm phán Trần Văn Công nói.

Ông Tốt bức xúc cho biết: Đầu tiên tôi đem hồ sơ nộp ở TAND tỉnh Tiền Giang, nơi đây cho rằng “không đúng thẩm quyền”. Vậy tôi phải nhờ cơ quan nào giải quyết mới đúng thẩm quyền, để làm sáng tỏ vụ việc và trả lại sự trong sạch cho gia đình tôi? - ông Tốt thắc mắc.

TỔ CTBĐ

.
.
.