Cảnh báo TNGT tại các tuyến đường huyện và giao thông nông thôn
Theo Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn khu vực nông thôn đang có xu hướng gia tăng, chiếm đến 65% tổng số các vụ tai nạn. Trong đó, 80% liên quan đến tai nạn xe máy. Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, TNGT trên các tuyến đường huyện và các tuyến giao thông nông thôn xảy ra trong tháng 5 chiếm 5,25%. Đây là một thực tế đáng báo động đối với công tác bảo đảm trật tự ATGTvà nỗ lực kéo giảm TNGT trên địa bàn tỉnh.
![]() |
Công an xã Bình Phục Nhứt tham gia bảo đảm trật tự ATGT ở huyện lộ 21. |
Qua số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ (PC67, Công an Tiền Giang), số vụ TNGT xảy ra trên các tuyến đường huyện và các tuyến GTNT hiện nay ngày càng gia tăng và diễn biến rất phức tạp. Tỷ lệ TNGT trên đường liên xã, liên huyện, tỉnh lộ chiếm hơn 29% và đường làng, đường xóm, ấp chiếm trên 19%.
Ở các tuyến đường GTNT trên địa bàn tỉnh từ ngày 16-11-2014 đến 15-11-2015 đã xảy ra 14 vụ, làm chết 8 người, bị thương 11 người. Địa bàn xảy ra là: Huyện Gò Công Tây (7 vụ, chết 4 người); huyện Châu Thành (2 vụ, bị thương 11 người); huyện Cái Bè (2 vụ, chết 2 người); huyện Tân Phước (1 vụ, chết 1 người); huyện Cai Lậy (1 vụ, bị thương 1 người); TP. Mỹ Tho (1 vụ, chết 1 người), ước tính thiệt hại tài sản hàng trăm triệu đồng.
Một số vụ TNGT cụ thể như sau: Vụ thứ nhất, vào lúc 18 giờ 30 phút ngày 29-5-2016, TNGT xảy ra trên huyện lộ 12B thuộc ấp Bình Đông, xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây, làm một người tử vong.
Theo kết quả điều tra hiện trường, ông V.V.V (SN 1963, ngụ huyện Chợ Gạo) điều khiển xe mô tô lưu thông hướng từ thị trấn Vĩnh Bình đến Thạnh Nhựt. Khi đến thời gian và địa điểm nêu trên, ông V. để xe va chạm vào xe mô tô BS 63F1-0185 do anh Lê Minh Luật (SN 1984, ngụ huyện Gò Công Tây) đang chạy chiều ngược lại. Hậu quả, ông V. chết, anh Luật bị thương; nguyên nhân do anh Luật điều khiển xe BS 63F1-0185 không nhường đường.
Vụ thứ hai, vào lúc 15 giờ 20 phút ngày 3-6-2016, trên đường giao thông nông thôn thuộc ấp Tân Thuận, xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo, đã xảy ra vụ va chạm giao thông làm một người bị thương, ba xe hư hỏng nặng.
Theo kết quả điều tra hiện trường ban đầu, anh Hoàng Khánh Tường (SN 1994, ngụ huyện Chợ Gạo) điều khiển xe mô tô BS 63B4-310.21 lưu thông từ Trường THCS Xuân Đông đến cống Xuân Hòa thì va chạm xe mô tô BS 63B4-123.43 do anh Bùi Hoàng Mến (SN 1994, ngụ huyện Chợ Gạo) chạy hướng ngược lại. Sau đó, xe BS 63B4-123.43 va chạm xe gắn máy khác do chị Phạm Thị Thúy Liễu (SN 2001, ngụ huyện Chợ Gạo) điều khiển. Nguyên nhân sự việc đang được điều tra, làm rõ…
Nhận định về nguyên nhân gây ra hiện tượng TNGT có chiều hướng gia tăng tại các tuyến đường huyện lộ và giao thông nông thôn, ông Nguyễn Văn Nên, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh nhận xét: Nguyên nhân trực tiếp nhất vẫn là ý thức, kiến thức, kỹ năng của người tham gia giao thông.
Về các vùng nông thôn, không khó để bắt gặp nhiều người đi xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm; không có giấy phép lái xe; chạy quá tốc độ quy định; sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông; chở quá số người quy định; lạng lách, đánh võng…
Bên cạnh đó, ở một số tuyến đường huyện, đường giao thông nông thôn thiếu hệ thống biển báo, cảnh báo nguy hiểm, hệ thống cọc tiêu, rào chắn để hướng dẫn cho người tham gia giao thông biết hoặc lắp đặt rất hạn chế làm ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tham gia giao thông của người dân.
Mặt khác, tồn tại tình trạng họp chợ, đậu xe và đặt các biển hiệu quảng cáo... lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ còn diễn ra phổ biến. Đặc biệt, hiện nay ở nhiều tuyến đường giao thông nông thôn còn tình trạng trồng cỏ nuôi bò mà loại cỏ này có thân ống, cao nên che khuất tầm nhìn của người điều khiển xe gắn máy từ các ngã ba, ngã tư và các điểm giao nhau.
Thời gian qua, nhận thấy nguy cơ mất ATGT tại các tuyến huyện lộ, đường giao thông nông thôn, lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an các địa phương đã tích cực thực hiện công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân và tiến hành đồng bộ việc phối kết hợp tuần tra kiểm soát, xử lý các vi phạm về trật tự ATGT đường bộ tại các khu vực này.
Thực hiện Nghị định 27/2010/NĐ-CP ngày 24-3-2010, Công an các địa phương đã huy động, phối hợp lực lượng công an xã tiến hành tuần tra kiểm soát trên các tuyến đường liên ấp, liên xã và xử lý các hành vi vi phạm như: Mô tô chở quá số người, chở hàng hóa cồng kềnh, không có gương chiếu hậu, phóng nhanh; chưa đủ tuổi lái xe; lấn chiếm đường, mở đường ngang trái phép...
Trên thực tế cho thấy, khi lực lượng phối hợp tiến hành xử lý nghiêm, quyết liệt các hành vi vi phạm thì tình hình chấp hành pháp luật về giao thông tương đối tốt. Sau đó, do địa bàn rộng, lực lượng mỏng nên việc kiểm tra, xử lý vi phạm ở nhiều địa bàn không thường xuyên nên vi phạm lại gia tăng.
Về giải pháp để hạn chế TNGT ở các tuyến huyện lộ và đường giao thông nông thôn, thượng tá Nguyễn Anh Thoa, Phó Trưởng Phòng PC67 trao đổi: Nhằm ngăn chặn, giảm thiểu TNGT ở khu vực nông thôn, trong thời gian tới cần tiến hành đồng thời nhiều giải pháp, nhưng trước hết phải thực hiện đồng thời các giải pháp cơ bản đó là tập trung tuyên truyền, vận động người dân khu vực nông thôn tự giác chấp hành pháp luật về trật tự ATGT.
Khi tham gia giao thông, người dân cần thực hiện các biện pháp phòng tránh tai nạn như đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, tuân thủ tốc độ quy định, giảm tốc độ quan sát an toàn khi đi từ đường phụ ra đường chính; đã uống rượu bia thì không lái xe...
Ngoài hệ thống truyền thanh, các xã, ấp cần áp dụng các biện pháp tuyên truyền trực quan như phát tờ rơi, panô, áp phích ở các khu vực đông người qua lại như nhà văn hóa, trường học... Phát huy vai trò các tổ chức đoàn thể, như: Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân... trong việc vận động hội viên, đoàn viên nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về ATGT, đặc biệt chú ý có biện pháp quản lý được số thanh thiếu niên thường tụ tập đua kéo xe tại địa phương; những người thường xuyên vi phạm pháp luật về trật tự ATGT đường bộ…
Ngành chức năng và chính quyền địa phương cần chú trọng việc lắp đặt biển báo và các thiết bị bảo đảm ATGT nông thôn, làm gờ giảm tốc từ đường phụ ra đường chính; đồng thời vận động người dân phát quang cây cối, chỉnh sửa tường rào để tránh ảnh hưởng tầm nhìn tại các điểm giao cắt trên đường liên xã, liên ấp.
Nêu cao vai trò các tổ tự quản an toàn giao thông, giải tỏa các chướng ngại, bảo đảm hành lang an toàn các tuyến đường trên địa bàn quản lý. Phát huy sức mạnh của toàn xã hội tham gia bảo đảm trật tự ATGT khu vực nông thôn, mà nòng cốt là lực lượng Công an huyện, công an xã tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm ở các tuyến đường tai nạn thường xảy ra.
HỮU TÂM