Lệnh truy nã là không có thời hạn
Trong cuộc sống, khi bị vấp ngã hoặc trót phạm lỗi lầm, phần lớn đối tượng đều muốn làm lại từ đầu. Tuy nhiên, cũng có một bộ phận nhỏ lại ngại đối diện với sự trừng phạt, sợ phải đối diện với luật pháp, thế là bỏ trốn. Đối với những đối tượng này, lẩn trốn là để sống một cuộc đời khác, nhưng ít ai trước khi bỏ trốn lại nghĩ rằng “lệnh truy nã là không có thời hạn” và người trốn lệnh truy nã luôn có cuộc sống vô cùng khổ sở, lo sợ, đối phó với cơ quan chức năng.
Đối tượng Võ Văn Tâm bị bắt giữ sau 18 năm lẩn trốn. |
Đơn cử như trường hợp của Võ Văn Tâm (SN 1956, ngụ 158/41, đường Phan Đình Phùng, phường An Lạc, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) là đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm với tội danh cướp giật tài sản. Vào năm 1998, Tâm cùng đồng bọn đi từ Cần Thơ đến khu vực Trung tâm văn hóa thiếu nhi thuộc phường 1 (TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) để cướp giật tài sản. Sau khi phạm tội, đồng bọn bị bắt giữ, riêng Tâm trốn thoát, bị Phòng cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Tiền Giang ra quyết định truy nã vào ngày 22-3-1999. Để trốn tránh pháp luật, che giấu hành vi phạm tội của mình, Tâm từ Cần Thơ đến Cà Mau ẩn nấp. 18 năm sau, Tâm bị bắt giữ lúc 16 giờ ngày 30-5-2017 khi đang bán bánh mì dạo ở ấp Phú Thạnh, xã Phú Hưng (huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau).
Tại cơ quan điều tra Tâm cho biết: Quá trình trốn chạy đến khi bị bắt, tinh thần lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bị phát hiện, cuộc sống quá vất vả bởi không nghề nghiệp ổn định, phải làm đủ thứ nghề như: Phụ hồ, lái máy cày, bán bánh mì… Tuy nhiên, đối với mỗi công việc, y chỉ làm một thời gian rồi thay đổi vì sợ bị phát hiện.
Song song với việc truy bắt, để “mở lối về” cho những cuộc đời trót lỗi lầm muốn làm lại cuộc đời, thời gian qua, lực lượng cán bộ làm công tác vận động đối tượng truy nã ra đầu thú đã không ngại khó khăn, tìm biện pháp thích hợp, vận động gia đình, người thân tác động, đưa họ ra đầu thú.
Mới đây, ngày 3-5-2017, đối tượng truy nã Nguyễn Văn Tiết (SN 1963, ngụ ấp Giồng Keo, xã Phú Thạnh, huyện Gò Công Tây, nay là huyện Tân Phú Đông) đến Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an tỉnh Tiền Giang đầu thú về tội “cố ý gây thương tích gây hậu quả nghiêm trọng” sau 25 năm lẩn trốn. Vào ngày 11-3-1990, trong một lần nhậu say, xảy ra cự cãi với cha về mâu thuẫn trong việc phân chia đất đai, Tiết đã dùng cây phảng chém cha ruột tử vong. Ngày 21-11-1990, Tiết bị Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang tuyên phạt 8 năm tù giam về tội “cố ý gây thương tích gây hậu quả nghiêm trọng”. Sau đó, Tiết chấp hành án tại Trại Cải tạo lao động Mỹ Phước thuộc xã Thạnh Hòa (huyện Tân Phước). Đến tháng 7-1992, trong một lần đi lao động, Tiết đã bỏ trốn khỏi nơi giam giữ, đến TP. Hồ Chí Minh lẩn trốn, thay tên đổi họ, làm công nhân lao động tại các công trình xây dựng…
Lúc ra đầu thú, Tiết tâm sự: “Trong thời gian lẩn trốn, tâm trạng lúc nào cũng phập phồng lo sợ. Hơn nữa, lương tâm bị cắn rứt nên không đêm nào yên giấc. Những lúc nhớ vợ, nhớ con, tôi có lén về quê thăm rồi quay lại lẩn trốn. Những lúc về như vậy, biết Công an đến nhà trao thư vận động, kêu gọi ra đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước nên tôi đã quyết định ra đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật, chấp hành án, sớm về đoàn tụ với gia đình”.
Đầu thú và chấp hành một mức phạt nào đó của pháp luật cho lỗi lầm của bản thân, có thể khép lại sự tự do trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng lại mở ra một con đường sáng cho những ai sớm nhận ra lỗi lầm. Nếu lẩn trốn, sự tự do sẽ bị khép lại vĩnh viễn nên những đối tượng phạm tội lẫn trốn cần sớm ra đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước vì lệnh truy nã là không có thời hạn.
THANH VIỆT