Làm rõ vụ kiện của bà Nguyễn Thị Sáu và giải quyết của chính quyền
Hiện nay trên YouTube VN xuất hiên các video clip nói về “dân oan” Nguyễn Thị Sáu (ngụ ấp 4, xã Tân Thanh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) bị chính quyền cướp đất để phân lô bán; bà Sáu và người thân của bà thi nhau chửi bới thậm tệ chính quyền. Sự thật thì...
CÁC CƠ QUAN CHỨC NĂNG TRÌNH BÀY
Ông Phan Thanh Nhu, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Giai đoạn từ năm 1977 đến tháng 4-2015, bà Nguyễn Thị Sáu khiếu nại, tranh chấp 4 nội dung: Đòi 2.000 m2 đất tại bến xe khách Tân Thanh vì cho rằng có nguồn gốc của bà Võ Thị Huy (bà ngoại bà Sáu) và đòi lại 66,56 m2 đất lấn chiếm tại UBND xã Tân Thanh đã bị UBND huyện Cái Bè cưỡng chế thu hồi vào tháng 3-2006; Tranh chấp 1.356 m2 đất cầm cố với bà Nguyễn Thị Tuyết (mẹ của ông Trần Hữu Chí, nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Thanh) từ năm 1980 và khiếu nại bị Công an huyện Cái Bè bắt giam 4 tháng 2 ngày.
Trong giai đoạn này các ngành, các cấp đã nhiều lần giải quyết, giao cấp cho gia đình bà Sáu với tổng diện tích 6.648,4 m2 bao gồm: 5.000 m2 đất ruộng, 920 m2 đất ở và sản xuất. Năm 1991, cấp 3 nền nhà 182,6 m2…, là quá thỏa đáng, đã tạo điều kiện cho gia đình bà ổn định cuộc sống, nhưng gia đình đã đem bán rồi tiếp tục khiếu nại.
Từ tháng 4-2015 đến nay, sau khi Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Văn bản số 1776/UBND-TD ngày 22-4-2015 về việc kết luận giải quyết khiếu nại của bà Nguyễn Thị Sáu. Theo đó, “hỗ trợ cho bà 2.000 m2 đất quy ra giá trị bằng tiền theo giá đất nông nghiệp năm 2014 và mở rộng, phá dỡ một phần hàng rào của UBND xã Tân Thanh giao 4,5 m2 đất để gia đình bà làm nơi buôn bán theo yêu cầu của gia đình bà Sáu”.
Thực hiện kết luận trên, UBND huyện Cái Bè đã thành lập Hội đồng xác định giá trị phần diện tích 2.000 m2 đất và đã ban hành Quyết định phê duyệt kinh phí hỗ trợ 320.000.000 đồng (đơn giá 160.000 đ/m2); đồng thời, thu lại tiền sử dụng đất 2 nền nhà đã cấp với giá 117.740.000 đồng. Như vậy, số tiền còn lại phải chi cho bà Sáu là 202.260.000 đồng và lập thủ tục công nhận QSDĐ diện tích 3 m x 1,5 m = 4,5 m2 cho bà Sáu.
Như vậy, quá trình tranh chấp đến thời điểm năm 2015, Nhà nước đã giải quyết giao cấp cho bà Sáu tổng số 6.648,4 m2 đất và hỗ trợ bằng tiền 2.000 m2 đất nông nghiệp tương đương 320.000.000 đồng. Tuy nhiên, đến ngày 6-6-2016, bà Nguyễn Thị Sáu không đồng ý số tiền hỗ trợ nêu trên mà đòi Nhà nước phải bồi thường 25 tỷ đồng. Bên cạnh đó, bà Sáu đòi thêm 3.000 m2 đất tại vị trí trụ sở UBND xã Tân Thanh hiện nay và yêu cầu họp báo công khai xin lỗi việc bắt giam oan bà.
KẾT QUẢ RÀ SOÁT TÀI LIỆU, CHỨNG CỨ TRONG HỒ SƠ
Ông Nguyễn Văn Mười, Chánh Thanh tra tỉnh xác định: Cơ sở để bà Sáu tranh chấp, khiếu nại kéo dài nhiều năm là dựa vào ý kiến xác nhận ngày 27-7-1995 của 2 ông Võ Văn Soái, nguyên Chủ tịch UBND xã Thanh Hưng (nhiệm kỳ năm 1975) và ông Cao Văn Tay, nguyên Phó Chủ tịch xã Thanh Hưng (nhiệm kỳ năm 1976-1977).
Nội dung xác nhận vào đơn của bà Sáu là: “Sau giải phóng UBND xã Thanh Hưng có mượn của bà 2 công đất xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ nhưng đến nay chưa hoán đổi cho bà Sáu…”, xác nhận này đã tạo cớ cho bà Sáu lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để bịa đặt việc chính quyền mượn, đổi đất làm nghĩa trang để từ đó bà liên tục khiếu nại đòi lại đất kéo dài cho đến nay. Qua thẩm tra, xác minh của địa phương và cơ quan Trung ương được biết:
1 - Về nguồn gốc và vị trí 2 thửa đất số 212 và 213 mà bà Sáu cho là của bà Võ Thị Huy (bà ngoại bà Sáu) nên bà tranh chấp:
Theo tư liệu bản đồ chế độ cũ để lại (lập năm 1907, tỷ lệ 1/4000 của làng Thanh Hưng) thể hiện: Ông Võ Văn Mau và vợ là bà Nguyễn Thị Thanh (là ông, bà cố ngoại của bà Sáu) đứng tên địa bộ 2 thửa đất số 212 - 213, tọa lạc tại làng Thanh Hưng, tỉnh Mỹ Tho, có diện tích chung 10 ha 94 a 40 ca (109.440 m2), đa số diện tích trên bị truất hữu năm 1972 - 1973 theo các Nghị định cấp phát số 16799, 17195, 25987 .v.v. của chính quyền Sài Gòn.
Năm 1941, ông Mau và bà Thanh làm sổ địa bộ MA đăng ký tại Ty Điền địa Mỹ Tho chia 2 thửa đất trên ra 10 phần. Trong đó, bà Võ Thị Huy được hưởng một phần ở 2 thửa gồm: Thửa 213 diện tích 4.000 m2 (địa bộ số 3699); Thửa 212 diện tích 5.880 m2 (địa bộ số 3700). Cả 2 địa bộ trên không xác định vị trí và tứ cận đất của bà Võ Thị Huy, nhưng theo tư liệu thì phía Bắc có giáp con rạch tự nhiên (người dân thường gọi rạch Lò Gạch hoặc rạch bà Năm Nào, vì nhà bà Năm nằm phía Nam con rạch và lò gạch nằm phía Bắc con rạch).
Khi Pháp làm con Lộ 30 (nay là QL 30) thì 2 phần đất này nằm về phía Bắc lộ. Riêng thửa 213 có khoảng 845 m2 bị QL 30 cắt ngang hình cánh buồm nằm phía Nam lộ (cặp sát đầu cầu Rạch Ruộng), Pháp đã xây dựng đồn bót và Cuộc cảnh sát thời Mỹ - ngụy. Sau giải phóng, chính quyền cách mạng tiếp tục trưng dụng, cộng với đất làng do chế độ cũ quản lý để xây dựng trụ sở UBND xã cho đến nay.
2 - Về phần đất Nghĩa trang liệt sĩ (nay là bến xe khách Tân Thanh): Có diện tích 4.031 m2, thuộc thửa 216 là đất làng do chế độ cũ quản lý và một phần thuộc thửa 221 của ông Triệu Văn Đỉnh đứng bộ, không liên quan gì đến thửa 212 và 213 của bà Võ Thị Huy (bà ngoại bà Sáu) quản lý thời bấy giờ.
Như vậy, khẳng định bà Võ Thị Huy không có đất tại khu vực Nghĩa trang liệt sĩ (bến xe hiện nay). Do vậy, bà Nguyễn Thị Sáu không có quyền đòi lại đất khu vực bến xe. Hơn nữa, bà Sáu cũng không phải là người thừa kế theo pháp luật của bà Võ Thị Huy và Nhà nước cũng không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao cấp cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai qua các thời kỳ.
Về xác nhận ngày 27-7-1995 của 2 ông Võ Văn Soái và Cao Văn Tay (nguyên Chủ tịch, Phó Chủ tịch xã Thanh Hưng), tại thời điểm này đã bị kỷ luật không còn là cán bộ Nhà nước được Cấp ủy nhiệm kỳ 1976 - 1977 xã Thanh Hưng khẳng định: “Cấp ủy bàn thống nhất lập Nghĩa trang liệt sĩ trên phần đất chế độ cũ quản lý, ta đưa vào sử dụng công cộng. Việc ông Soái xác nhận và hứa đổi đất cho bà Sáu cấp ủy không biết”.
Qua thẩm tra, xác minh của các cơ quan Trung ương, Thanh tra Chính phủ và các ngành năng tỉnh, huyện cũng như hồ sơ, tài liệu của chế độ cũ còn lưu giữ thì phần đất 2.000 m2 tại Bến xe Tân Thanh không thuộc dòng họ (cố ngoại) của bà Sáu quản lý, sử dụng. Phần đất trụ sở UBND xã Tân Thanh hiện nay có tổng diện tích 3.821,8 m2 (trong đó có 586,6 m2 là gốc đất của bà Võ Thị Huy - bà Ngoại bà Sáu). Tuy nhiên, toàn bộ số diện tích này là đất làng do chế độ cũ quản lý xây dựng đồn bót từ thời Pháp và Cuộc cảnh sát thời Mỹ-ngụy.
KẾT THÚC VỤ KIỆN
Từ những căn cứ trên, ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất kết luận: Bác tất cả các yêu cầu bồi thường và trả lại đất mà nội dung đơn ngày 6-6-2016 của bà Nguyễn Thị Sáu đã nêu. Hủy bỏ nội dung kết luận việc: “Công nhận phần đất 2.000 m2 chính quyền đã mượn làm nghĩa trang liệt sĩ (nay là bến xe) của gia đình bà Sáu… Thu hồi, hủy bỏ Văn bản số 1776/UBND-TD kết luận giải quyết khiếu nại của bà Nguyễn Thị Sáu ngày 22-4-2015”. Yêu cầu bà Nguyễn Thị Sáu chấm dứt khiếu nại như đã thông báo tại Văn bản số 1394/UBND-TD, ngày 5-4-2010 của UBND tỉnh đã trả lời cho bà.
Sự thật, vụ khiếu kiện của bà Nguyễn Thị Sáu kéo dài gần 40 năm, đã làm mất an ninh trật tự ở địa phương. Chính quyền các cấp trong tỉnh đã tích cực giải quyết thỏa đáng, đã tạo điều kiện cho gia đình bà ổn định cuộc sống, nhưng gia đình bà vẫn tiếp tục khiếu nại, thậm chí chống đối.
TỔ CTBĐ