Thứ Tư, 06/09/2017, 19:57 (GMT+7)
.

Tai nạn giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp

Nhằm đánh giá việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 69/2013/NQ-HĐND ngày 12-12-2013 của HĐND tỉnh về biện pháp đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014 - 2018 (gọi tắt Nghị quyết 69), Ban Pháp chế HĐND tỉnh vừa có đợt giám sát việc tổ chức thực hiện nghị quyết này tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Kết quả cho thấy, dù cả hệ thống chính trị đã vào cuộc nhưng tình hình tai nạn giao thông (TNGT) vẫn còn diễn biến phức tạp…

Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc với Ban ATGT tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc với Ban ATGT tỉnh.

NHIỀU GIẢI PHÁP ĐẢM BẢO ATGT

Theo Ban ATGT tỉnh, thời gian qua, nhiều sở, ngành, địa phương sau khi tiếp nhận Nghị quyết 69 đã khẩn trương xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của UBND tỉnh, huy động được cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc. Các sở, ngành, địa phương tập trung tuyên truyền, thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt theo chủ đề hằng năm; đầu tư hạ tầng giao thông, xử lý các “điểm đen” về trật tự ATGT; gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy và chính quyền trong công tác bảo đảm trật tự, ATGT; đưa tiêu chí giảm TNGT vào chuyên đề thi đua... Nhiều mô hình đảm bảo trật tự ATGT được duy trì thực hiện như: Mô hình “Tự quản về ATGT trong khu dân cư” gắn với nội dung Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; “Cựu chiến binh tự quản tuyến đường giao thông”; “Phụ nữ với ATGT”…

Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT), công an địa phương huy động tối đa các lực lượng khác tham gia công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự ATGT nhằm kéo giảm TNGT. Lực lượng CSGT đường bộ tỉnh đã tổ chức tuần tra kiểm soát phát hiện 133.721 trường hợp vi phạm, tạm giữ phương tiện 17.797 trường hợp, tước giấy phép lái xe 20.049 trường hợp, phạt tiền 113.197 trường hợp, tổng tiền phạt trên 86.779 triệu đồng. Lực lượng CSGT các huyện, thành phố, thị xã đã tổ chức tuần tra kiểm soát phát hiện 170.361 trường hợp vi phạm, tạm giữ phương tiện 22.332 trường hợp, tước giấy phép lái xe 6.961 trường hợp, phạt tiền 138.702 trường hợp, tổng tiền phạt trên 65,296 tỷ đồng. Ngoài ra, Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) chỉ đạo Thanh tra GTVT tổ chức thanh tra, kiểm tra phát hiện 3.642 trường hợp vi phạm, phạt tiền trên 7 tỷ đồng…

Theo Ban ATGT của nhiều huyện trên địa bàn tỉnh, dù đã có nhiều nỗ lực, song, TNGT còn diễn biến phức tạp.

VẪN CÒN DIỄN BIẾN PHỨC TẠP

Ông Nguyễn Văn Nên, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết: Số người chết do TNGT hằng năm vẫn còn ở mức cao. Trong 3 năm 6 tháng (từ năm 2014 đến 6 tháng đầu năm 2017), xảy ra 1.414 vụ TNGT, làm chết 816 người, 1.105 người bị thương. Qua đó, cho thấy tình hình TNGT đường bộ trên địa bàn tỉnh luôn ở mức cao và diễn biến phức tạp về số người chết… Kết quả giám sát của HĐND tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 69 tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh mới đây cho thấy, tại huyện Cái Bè, trong 3 năm 6 tháng (từ năm 2014 đến 6 tháng đầu năm 2017), đã xảy ra 277 vụ TNGT, làm chết 175 người và 161 người bị thương. Còn tại huyện Châu Thành trong 3 năm 6 tháng (từ năm 2014 đến 6 tháng đầu năm 2017) đã xảy ra 474 vụ TNGT, làm chết 205 người và 390 người bị thương…

Ông Nguyễn Văn Công, Phó trưởng Công an huyện Châu Thành lý giải: TNGT trên địa bàn huyện tăng cao so với các huyện khác là do địa phương là địa bàn trung chuyển và là tuyến huyết mạch nối các tỉnh, thành, lại nằm trên tuyến cao tốc. Mặt khác, địa phương có Khu công nghiệp Tân Hương với hơn 62 ngàn công nhân lao động tham gia giao thông, chưa kể lưu lượng công nhân ở các khu, cụm công nghiệp lân cận cũng tham gia giao thông trên địa bàn huyện; sự gia tăng nhanh chóng của phương tiện cơ giới đường bộ trong khi hạ tầng giao thông chưa được mở rộng nhiều, nhất là tuyến quốc lộ…
Theo phân tích của Sở GTVT, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến TNGT là do ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông vẫn còn hạn chế, chủ quan, một số khác cố tình vi phạm các quy định của pháp luật về trật tự ATGT; sự gia tăng nhanh chóng của phương tiện cơ giới đường bộ trong khi hạ tầng giao thông chưa được mở rộng nhiều; việc phối hợp quản lý cấp đường giữa Trung ương và địa phương nhiều lúc chưa chặt chẽ; lực lượng CSGT còn mỏng, cùng lúc thực hiện nhiều nhiệm vụ nên đôi lúc lực lượng tuần tra kiểm soát chưa đảm bảo khép kín địa bàn...

Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh cho rằng: Qua đợt giám sát cho thấy, một trong những bất cập lớn nhất là do kết cấu hạ tầng trên tuyến quốc lộ chưa phù hợp, nhiều đoạn đường quá dài mà không có cầu vượt dành cho xe máy, người đi bộ…, ngành GTVT nên đặt câu hỏi tại sao người dân đi ngược chiều để làm đường cho phù hợp. Đề nghị ngành GTVT nghiên cứu giải pháp tháo gỡ khó khăn này, nếu ngoài khả năng của cấp tỉnh thì kiến nghị Trung ương giải quyết, góp phần kéo giảm TNGT trong thời gian tới.

Ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT cho biết: Ngành GTVT đã phân tích cụ thể nguyên nhân cũng như các đối tượng gây TNGT. Từ đó, đã đưa ra nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động, tuần tra, kiểm soát đối với từng nhóm đối tượng trong thời gian tới. Đồng thời, đề nghị người đứng đầu các cơ quan, đơn vị nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, nắm sâu sát tình hình để kịp thời có chấn chỉnh thực hiện hiệu quả công tác cao hơn. Đối với những vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách, Sở GTVT đã và đang có văn bản kiến nghị Trung ương và tham mưu UBND tỉnh xử lý điểm đen và các công trình cấp thiết cần đầu tư để đảm bảo ATGT nhằm kéo giảm TNGT trong thời gian tới, phấn đấu đạt mục tiêu giảm từ 5% - 10% số vụ TNGT hằng năm theo Nghị quyết 23/2017/NQ-HĐND về sửa đổi điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 69…

HOÀI THU

.
.
.