Làm gì để hạn chế hỏa hoạn xảy ra?
Theo đánh giá của Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và Cứu nạn cứu hộ (CNCH) - PC66, Công an (CA) tỉnh, trong 9 tháng qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra 26 vụ cháy làm thiệt hại trên 9,2 tỷ đồng, chết 1 người, bị thương 2 người. Địa bàn xảy ra cháy là TP. Mỹ Tho (7 vụ), huyện Chợ Gạo (6 vụ), huyện Cái Bè (5 vụ), TX. Cai Lậy (3 vụ), huyện Châu Thành (1 vụ), huyện Tân Phước (2 vụ), huyện Gò Công Đông (1 vụ), huyện Tân Phú Đông (1 vụ). Những con số này cho thấy hỏa hoạn đang trở thành vấn đề đáng lo ngại, bởi tính chất và tần suất các vụ cháy.
Lực lượng dân phòng tham gia diễn tập PCCC tại chỗ. |
Kết quả phân tích của PC66 cho thấy: Nguyên nhân của các vụ cháy là do sự cố gây cháy (12 vụ), chập dây dẫn điện trong cabin ô tô gây cháy (3 vụ), sơ suất trong sử dụng lửa gây cháy lan (5 vụ), tự sinh nhiệt gây cháy (1 vụ), do đốt (3 vụ). Địa bàn xảy ra cháy là: Hộ dân (9 vụ), cơ quan, trường học (2 vụ), cơ sở sản xuất, kinh doanh (8 vụ), kho chứa vật liệu xây dựng (1 vụ), chùa (1 vụ), cháy ô tô (3 vụ), cháy bãi rác (2 vụ). Loại hình xảy ra cháy: Hộ dân (9 vụ), cơ quan, trường học (2 vụ). Phòng PC66 đã tổ chức cứu chữa được 17 vụ với tổng số 13 lượt xe chỉ huy, 57 xe chữa cháy, 1 lượt xe chuyên dụng và 441 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia. Bên cạnh đó, đơn vị còn tổ chức cứu nạn, cứu hộ 6 vụ với tổng số 2 lượt xe chỉ huy, 4 lượt xe chở phương tiện, 2 xe chữa cháy, 2 lượt xe cứu nạn, cứu hộ, 2 lượt ca nô và 79 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia.
Theo thượng tá Lê Tấn Cường, Phó Trưởng Phòng PC66, nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ cháy như vậy cơ bản vẫn là do ý thức, kiến thức, kỹ năng PCCC. Ngoài ra, những bất cập trong quy hoạch, hệ thống PCCC đã làm gia tăng và tính chất nghiêm trọng của các vụ cháy như: Nhà ở không có lối thoát dự phòng cũng như không có giải pháp thiết kế xây dựng để ngăn cháy lan, chống tụ khói; khu vực ban công thường bố trí nhiều lớp cửa kiên cố, trong khi đó hầu hết các khu nhà cũng không được trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ, các dụng cụ để phá dỡ, thoát nạn khi có cháy, hoặc đơn giản như không có cả thiết bị cảnh báo cháy. Nhiều khu dân cư không được quy hoạch tổng thể, nằm trong ngõ sâu, hẹp nên không đảm bảo cho việc tiếp cận, triển khai lực lượng phương tiện cứu người, cứu tài sản và chữa cháy.
Hơn nữa, trong thiết kế các khu nhà ở, nhà xưởng này, khoảng cách an toàn PCCC không bảo đảm như xây dựng các mái che giữa các nhà kho, nhà xưởng. Việc bố trí sắp xếp vật tư hàng hóa không đúng quy định. Xưởng sản xuất sử dụng làm kho chứa hàng hóa với trữ lượng lớn. Một số dây chuyền sản xuất cũ kỹ, lạc hậu, hệ thống điện không bảo đảm… “Chính vì những hạn chế trên nên các khu nhà như vậy dễ phát sinh sự cố cháy, nổ trong quá trình sử dụng” - Thượng tá Cường cho biết thêm.
Tuy nhiên, bên cạnh nguyên nhân xuất phát từ ý thức của người dân, bất cập trong PCCC, Thượng tá Cường cũng thừa nhận, triển khai các hoạt động PCCC ban đầu của lực lượng PCCC tại chỗ chưa hiệu quả, thông tin báo cháy chậm. Khi lực lượng Cảnh sát PCCC tiếp cận được hiện trường thì đám cháy đã phát triển trên quy mô rất lớn nên gây khó khăn cho hoạt động cứu chữa. Chẳng hạn như vụ cháy xảy ra vào ngày 25-7 tại hiệu buôn Lam Chi ở xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè và cháy lan sang cửa hàng xe gắn máy ở bên cạnh. Đội Cảnh sát PCCC và CNCH khu vực Cái Bè - Cai Lậy xuất 3 xe chữa cháy, 3 xe bơm chữa cháy cùng 15 cán bộ chiến sĩ tham gia chữa cháy gần 3 giờ mới dập tắt hoàn toàn đám cháy. Tổng thiệt hại tài sản của hiệu buôn khoảng 3,8 tỷ đồng và hơn 1,1 tỷ đồng của cửa hàng xe gắn máy. Hoặc vụ cháy xảy ra vào ngày 10-8 tại hộ ông Bùi Ngọc Sáng ở xã Tân Thanh, huyện Cái Bè gây thiệt hại khoảng 800 triệu đồng. Đội Cảnh sát PCCC và CNCH khu vực Cái Bè - Cai Lậy đã xuất 3 xe chữa cháy, 2 máy bơm chữa cháy cùng 14 cán bộ chiến sĩ tham gia chữa cháy trong 1 giờ mới dập tắt hoàn toàn đám cháy, ngăn chặn cháy lan sang các nhà bên cạnh… Thực tế đáng tiếc là lực lượng chữa cháy tại chỗ hoàn toàn bất lực từ khâu phát hiện đến khống chế vụ cháy khi vừa mới xảy ra nên dẫn đến đám cháy bùng phát thành quy mô lớn.
Để hạn chế các vụ hỏa hoạn và công tác PCCC hiệu quả trong thời gian tới, Thượng tá Cường trao đổi: PC66 sẽ phục vụ Ban Giám đốc Công an tỉnh tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các cấp, nhất là UBND cấp xã đề cao vai trò trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ quản lý Nhà nước về PCCC tại địa phương. Tập trung triển khai công tác kiểm tra an toàn PCCC có trọng tâm, trọng điểm và kiểm tra theo chuyên đề, chuyên ngành, kiểm tra đột xuất vào các thời điểm lễ, tết, mùa khô tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động có nhiều tính chất nguy hiểm về cháy, nổ; cơ quan Đảng, chính quyền; các chợ, trung tâm thương mại, khu, cụm công nghiệp, khu dân cư, các cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài… trên địa bàn tỉnh. Đơn vị đã phối hợp các ban, ngành và Công an các đơn vị, địa phương kiểm tra, phúc tra công tác PCCC cơ sở, chợ, trung tâm thương mại, khu dân cư và các xã có rừng trên địa bàn tỉnh. Tổ chức bồi dưỡng, đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho lực lượng dân phòng để đội ngũ này có đủ năng lực xử lý kịp thời khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Ngoài ra, một giải pháp không kém quan trọng là tổ chức rà soát, nắm chắc số hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ; hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh không thuộc diện quản lý Nhà nước về PCCC để đôn đốc, hướng dẫn chủ hộ khắc phục ngay những sơ hở, thiếu sót về PCCC. Đồng thời, cùng với các biện pháp trên, PC66 phối hợp với các cơ quan báo, đài để tuyên truyền nâng cao ý thức về PCCC và kỹ năng PCCC trong sinh hoạt hằng ngày.
PHÙNG LONG